Hai nỗi lo lớn của ngành Y tế các tỉnh ĐBSCL:

Bài 1: Bệnh viện thiếu trước hụt sau vì bị nợ BHYT

(Dân trí) - Nợ bảo hiểm y tế và thiếu bác sĩ là những nỗi lo lớn mà nhiều bệnh viện tại các tỉnh ĐBSCL đang gặp phải. Một số giải pháp đã được đưa ra nhưng hầu như chỉ là tạm thời.

BHYT găm nợ...
 
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho biết, hầu như BV các huyện đều gặp tình trạng bị nợ BHYT tồn đọng từ nhiều năm nay. Ngay cả BV lớn của Bến Tre là BVĐK Nguyễn Đình Chiểu cũng không tránh khỏi và có thể nói là gặp khó khăn nhiều nhất.

 

Ông Trương Hữu Nhân, phó Giám đốc BVĐK Nguyễn Đình Chiểu, cho biết hiện nay BV bị nợ BHYT trên 30 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2009 là 17 tỉ đồng còn năm 2010 (tính đến hết tháng 11) là 13 tỷ đồng. “Việc thiếu tiền nên thiếu thuốc cấp phát cho bệnh nhân là vấn đề luôn thường trực xảy ra. Bởi các hợp đồng đã ký với các Công ty dược chưa trả hết thì làm sao có thể ký tiếp hợp đồng mới”, ông Nhân nói. 
 
Còn tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long, số tiền nợ BHYT trong 2 năm 2009 và 2010 là trên 8,5 tỷ đồng. Trong đó, năm 2009 còn nợ 6,2 tỷ đồng và năm 2010 là 2,3 tỷ đồng.
 

Trong khi đó, số nợ của BHYT tại BVĐK khu vực Cù Lao Minh (huyện Mỏ Cày Nam) thấp hơn rất nhiều, chỉ còn khoảng 2,2 tỷ đồng, bao gồm cả nợ từ năm ngoái và năm nay nhưng cũng không biết bao giờ nhận được vì “phía bảo hiểm nói đã chuyển số tiền này nhưng cho đến nay BV vẫn chưa nhận được”, bà Trinh khẳng định.

 
Theo lãnh đạo các BV cho biết, nguyên nhân là do phía bảo hiểm thanh toán chậm; có một số kỹ thuật, điều trị nằm ngoài danh mục nên bảo hiểm không chịu chi lại; một số khâu điều trị khác bảo hiểm chỉ thanh toán một phần; khi làm thủ tục thanh toán thì có sai sót (tên bệnh nhân, loại bệnh…) nên bảo hiểm cũng nhất định không chi…

Trong khi đó, một số vật tư y tế như dây truyền máu, ống thông dạ dày, ống thông tiểu, sonde niệu quản...Một số danh mục vượt khung giá của Thông tư số 14 và Thông tư số 03 của Liên Bộ như tiền công khám bệnh, các xét nghiệm, chẩn đoán…và một số dịch vụ khác, khoản 254 danh mục của BVĐK tỉnh và các BVĐK huyện vẫn chưa được thanh quyết toán.

Chính những nguyên nhân này mà số tiền BHYT ở các BV cứ tồn đọng trong thời gian dài và những BV lớn thì số nợ sẽ càng nhiều.
 
... bệnh viện thiếu thuốc
 
Bài 1: Bệnh viện thiếu trước hụt sau vì bị nợ BHYT - 1

Bệnh nhân sẽ không có thuốc điều trị vì công ty Dược không cấp thuốc cho BV?
Việc không có tiền để trả cho các Công ty Dược sẽ làm cho BV luôn thiếu thuốc, bởi nhiều Công ty dược sẽ không chịu làm hợp đồng mới khi BV chưa trả nợ cho họ. 
Ông Nhân cho biết: “Có nhiều Công ty đã từ chối cung cấp thuốc mới nếu BV Nguyễn Đình Chiểu không trả tiền”. “Trong khi đó, không thể không cấp thuốc cho bệnh nhân, vì thế BV đã phải lấy tiền khám chữa bệnh để bù vào vì thế nguồn tiền của BV luôn bị thiếu hụt”, bà Trinh nói.
 

Theo ông Nguyễn Thành Nhôm, Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Giám đốc BVĐK Vĩnh Long, đa số các Công ty dược cung ứng thuốc đảm bảo về thời gian, đúng với dự trù nhưng việc thanh toán giữa cơ sở khám chữa bệnh với các Công ty Dược thì rất chậm. “Một số Công ty ký kết hợp đồng và quy định thời hạn thanh toán giữa các cơ sở khám chữa bệnh là 60 ngày, trong khi đó BHYT thanh toán với cơ sở khám chữa bệnh là 90 ngày nên một số Công ty đã tạm ngưng cung cấp thuốc một thời gian gây khó khăn trong việc khám chữa bệnh”, ông Nhôm nói.

 

Giải pháp bước đầu của BV là chỉ có thể làm công văn gửi Sở Y tế xin UBND tỉnh cấp kinh phí trả trước rồi sau đó sẽ trả lại sau. Tuy nhiên với số tiền lớn mà BV đang bị nợ thì cũng khó và chỉ biết chờ chỉ đạo giải quyết.

 

Để khắc phục một số khó khăn liên quan đến khám chữa bệnh BHYT, lãnh đạo các tỉnh đề nghị Bộ Y tế cần có lộ trình điều chỉnh biểu giá thu viện phí tại các tuyến cho phù hợp; phần vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT năm trước cần phải thanh toán dứt điểm quý I năm sau để BV có tiền mua thuốc mới; cũng nên cho đơn vị tạm ứng chi phí khám chữa bệnh BHYT đúng thời gian quy định…

 

Huỳnh Hải