Bác sĩ xoa bóp tim cứu nạn nhân bị gỗ đâm xuyên động mạch
(Dân trí) - Sơ ý khi làm việc, người đàn ông bị thanh gỗ xuyên vào cơ thể, nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Bác sĩ vừa phẫu thuật vừa dùng tay xoa bóp tim, nối lại các mạch máu lớn bị đâm thủng.
Đó là trường hợp ông L.V.N. (52 tuổi, quê Gia Lai) làm việc tại một xưởng gỗ ở TPHCM vừa chuyển đến một bệnh viện ở TPHCM cấp cứu. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân bị một thanh gỗ găm vào hõm ức.
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía bệnh nhân ghi nhận, trước đó ông đang làm việc, do sơ ý nên bị thanh gỗ phóng thẳng vào người. Không kịp né, người đàn ông bị thanh gỗ xuyên vào ngực. Ngay lập tức ông được đồng nghiệp sơ cứu tại hiện trường rồi chuyển thẳng đến bệnh viện cấp cứu với phần đầu của thanh gỗ còn găm trên lồng ngực.
Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận, vùng cổ bệnh nhân căng phồng, kích thước tăng nhanh, khó thở, huyết áp 90/60mmHg. Bệnh nhân được hồi sức, khảo sát CT-Scan cấp cứu phát hiện tổn thương thân động mạch cánh tay đầu, tràn máu màng phổi phải, ngập máu trung thất trước, khối máu tụ vùng cổ.
Xác định bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, các bác sĩ khoa Tim mạch – Lồng ngực đã tiến hành cuộc phẫu thuật cấp cứu. Ê kíp mổ đã tiến hành mở lồng ngực thám sát thì phát hiện thanh gỗ đâm rách tĩnh mạch vô danh (một tĩnh mạch lớn đưa máu 1/2 trên bên trái cơ thể về tim), rách nham nhở thân động mạch cánh tay đầu, tổn thương xuyên từ trước ra sau. Đây là 1 trong 3 nhánh động mạch lớn đi ra từ quai động mạch chủ, đưa máu từ tim đi nuôi 1/2 trên bên phải của cơ thể.
Do tổn thương phức tạp, nguồn động mạch tổn thương có áp lực rất mạnh, lượng máu mất khá nhiều, tràn ngập vùng trung thất của bệnh nhân. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ ghi nhận tim người bệnh nhiều lần rung thất, dọa ngưng tim, phẫu thuật viên phải xoa bóp tim trực tiếp kèm hồi sức bù máu và các chế phẩm của máu. Tổn thương động mạch và tĩnh mạch được cắt bỏ và sửa chữa lại bằng cách ghép mạch máu nhân tạo và màng ngoài tim tự thân.
Sau nhiều giờ khẩn trương trong phòng mổ, các bác sĩ đã giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần bình phục, gần 1 tuần sau tai nạn bệnh nhân đã tỉnh táo. Bác sĩ cho biết, bệnh nhân không chỉ may mắn thoát chết mà còn tránh được các di chứng thần kinh, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, để tránh các tai nạn tương tự có thể xảy ra, người lao động cần được trang bị đồ bảo hộ lao động, tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc. Trường hợp không may xảy ra tai nạn, có dị vật nhọn đâm vào cơ thể, nghi ngờ gây tổn thương các mạch máu lớn, nạn nhân và người sơ cứu cần bình tĩnh để tránh nguy cơ gây mất máu cấp khiến nạn nhân tử vong.
Nạn nhân và người ứng cứu tuyệt đối không được rút dị vật ra. Ngay cả tại phòng cấp cứu những người có liên quan và nhân viên y tế cũng không được rút dị vật. Trong các trường hợp chấn thương mạch máu, dị vật có tác dụng như một “nút cầm máu tạm”, khi vội vã rút ra, bệnh nhân có thể chết vì chảy máu ồ ạt. Ngoài ra, rút dị vật còn làm cho tổn thương mạch máu, thần kinh thêm trầm trọng, gây khó khăn cho bác sĩ khi xử trí tổn thương.
Việc rút dị vật chỉ được thực hiện trong phòng mổ bởi phẫu thuật viên. Người làm nhiệm vụ sơ cấp cứu ban đầu chỉ cần băng cố định dị vật bằng băng thun, vải hoặc bất cứ vật liệu gì tương tự để không cho vật nhọn xê dịch thứ phát khiến tổn thương ở nạn nhân nặng nề hơn. Việc băng cố định cũng tránh chảy máu nhiều, giảm đau đớn cho nạn nhân. Sau khi sơ cứu, cần chuyển nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được bác sĩ can thiệp kịp thời.