Bác sĩ Việt Nam đạt giải thưởng quốc tế về phẫu thuật tật khúc xạ

Tú Anh

(Dân trí) - Thực hiện thành công 5.000 ca tật khúc xạ bằng kỹ thuật phakic ICL, bác sĩ nhãn khoa của Việt Nam đạt giải thưởng AWARD danh giá.

Chiều 5/6, đại diện tổ chức Staar Surgical toàn cầu đã trao biểu tượng tôn vinh bác sĩ nhãn khoa trong phát triển công nghệ phakic ICL điều trị tật khúc xạ. Với 5.000 ca phẫu thuật thành công, bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Tiến Hùng (Hội Nhãn khoa Việt Nam) được trao giải thưởng danh giá AWARD 5.000.

Bác sĩ Việt Nam đạt giải thưởng quốc tế về phẫu thuật tật khúc xạ - 1

Bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Tiến Hùng (bên phải) được trao giải thưởng danh giá AWARD 5.000 (Ảnh: PV).

Giải thưởng này nhằm tôn vinh những bác sĩ và trung tâm phẫu thuật xuất sắc nhất trong việc sử dụng và phát triển công nghệ Phakic ICL (Implantable Collamer Lens) trên toàn thế giới.

Theo bác sĩ Bùi Tiến Hùng, phakic ICL là phẫu thuật hiệu quả cho bệnh nhân cận loạn thị nặng và giác mạc mỏng với cơ chế sử dụng thấu kính nội nhãn được cá thể hóa theo từng thông số mắt của bệnh nhân.

Bác sĩ Việt Nam đạt giải thưởng quốc tế về phẫu thuật tật khúc xạ - 2

Bác sĩ Bùi Tiến Hùng khám cho bệnh nhân (Ảnh: B.H).

Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là không bào mòn giác mạc. Với tính năng này, phakic ICL đặc biệt phù hợp với bệnh nhân mắt bị giác mạc mỏng không thể điều trị bằng các phẫu thuật sử dụng tia laser.

Đặc biệt, phakic ICL được chỉ định cho mắt có độ cận thị, viễn thị cao, đi kèm loạn thị, giúp hạn chế hiện tượng khó chịu ở mắt sau phẫu thuật như cộm, khô hay chói sáng. Tuy nhiên, việc chỉ định kỹ thuật này cần phù hợp với tình trạng mắt của mỗi cá nhân.

Chuyên gia này thông tin thêm, phakic ICL đã có lịch sử trên 30 năm, với 3 triệu ca phẫu thuật phakic ICL đã được thực hiện trên thế giới. Tại Việt Nam, phương pháp này đã được áp dụng rất phổ biến.

"Tại Việt Nam, bệnh nhân đầu tiên điều trị tật khúc xạ bằng phakic ICL đã 13 năm, hiện vẫn ổn định", bác sĩ Hùng cho hay.

Theo BS Hùng, trẻ em mắc các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị ngày càng phổ biến. Trong một lớp học, có thể thấy quá nửa số học sinh phải đeo kính.

"Để bảo vệ mắt, tránh bị các tật khúc xạ, đặc biệt giảm nguy cơ bị cận thị, ngay từ nhỏ, mắt nên được "hoạt động" tại những nơi có ánh sáng tự nhiên.

Trong một đợt  khám mắt từ thiện cho trẻ em miền núi, là các học sinh 8 - 15 tuổi, trong số 250 học sinh của trường, chỉ có 8 em bị cận thị, là tỷ lệ rất thấp. Nhưng ở thành phố, có trường học, cứ 100 em thì gần 60 em cận thị, cần đeo kính", bác sĩ Hùng nói.

Vì thế, ông khuyến cáo các bậc phụ huynh cần khuyến khích trẻ vận động ngoài trời 2 tiếng/ngày, tỷ lệ cận thị rất thấp. Ngoài ra, cần có thời gian nghỉ ngơi cho mắt, không nên xem các thiết bị điện tử quá lâu.

"Khi đọc sách, học bài cần đủ ánh sáng. Cha mẹ cũng không nên để trẻ có thói quen nằm đọc sách. Bởi việc nằm đọc sách rất hại cho mắt. Khi nhìn gần mắt phải điều tiết, hoạt động nhiều. Còn khi nằm, là toàn bộ cơ thể được nghỉ ngơi nhưng khi đọc sách, mắt phải điều tiết là hai tình trạng đối lập nhau, do đó điều này không tốt cho mắt, bởi vậy, không nên đọc sách khi nằm", bác sĩ Hùng khuyến cáo.

Nếu thấy trẻ có xu hướng nhìn gần, nheo mắt, cha mẹ nên đưa con đi khám tật khúc xạ, đeo kính đúng số, sinh hoạt khoa học, theo dõi định kỳ để hạn chế tối đa tăng độ cận, loạn...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm