Bác sĩ Trình Văn Hải - người "đứng mũi chịu sào" tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện FV

Trường Thịnh

(Dân trí) - Dừng chân nơi cửa phòng của bác sĩ Trình Văn Hải - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện FV - nhiều người không khỏi hướng mắt đến cúp Doctor's Oscar với dòng chữ "Bác sĩ phòng chống dịch Covid-19 xuất sắc" được đặt trang trọng trên tủ đựng hồ sơ.

Nhưng ít ai biết đằng sau chiếc cúp ấy, ngoài niềm hạnh phúc được thắp lên từ sự tôn trọng đến từ đồng nghiệp còn có cả những ám ảnh khó nguôi ngoai về một giai đoạn cam go chưa từng có trong tâm trí của vị trưởng khoa có vẻ ngoài cương trực.

 "Mối lương duyên tiền định" với khoa Cấp cứu

"Việc chọn khoa Cấp cứu làm việc và gắn bó lâu dài với khoa cấp cứu đến với tôi tự nhiên như là duyên tiền định. Thực ra khoa Cấp cứu đã chọn tôi chứ không phải tôi chọn khoa Cấp cứu", bác sĩ Hải mở đầu câu chuyện.

Bác sĩ Trình Văn Hải - người đứng mũi chịu sào tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện FV - 1

Bác sĩ Trình Văn Hải - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện FV.

Qua lời kể của vị bác sĩ trưởng khoa, mối lương duyên ấy bắt đầu từ khi ông mới là bác sĩ trẻ vừa rời ghế giảng đường. Lúc đó, bệnh viện nơi ông xin việc đang thiếu bác sĩ cấp cứu nên duyên tiền định của ông với Khoa Cấp cứu bắt đầu từ đó.

"Từ xưa đến nay, khoa Cấp cứu vẫn được xem là nơi đầu sóng ngọn gió bởi chịu nhiều tầng áp lực từ lượng bệnh dồn dập, tính chất khẩn cấp của công việc và mặt bệnh đa dạng, phức tạp. Nhiều bệnh viện đã phải sắp xếp nhân lực cho khoa Cấp cứu bằng cách xoay tua các bác sĩ khoa khác để thay phiên nhau xuống làm việc tại khoa Cấp cứu... 

Trong chương trình đào tạo y khoa, các sinh viên (từ điều dưỡng đến bác sĩ) đều phải trải qua thời gian thực tập tại khoa Cấp cứu, đó là chưa kể thời gian thực hành bắt buộc ít nhất 03 tháng tại khoa Cấp cứu để lấy giấy phép hành nghề. Nhưng sau thời gian thực tập bắt buộc ấy thì không mấy ai trở lại và gắn bó lâu dài với khoa Cấp cứu. Ấy thế mà cũng được hơn 30 năm tôi 'chung sống' với nghề này", bác sĩ Hải hóm hỉnh.

Bác sĩ Trình Văn Hải - người đứng mũi chịu sào tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện FV - 2

"Mối lương duyên nhân" với FV bắt đầu từ khi ông mới là bác sĩ trẻ vừa rời ghế giảng đường.

Công việc tại cấp cứu đòi hỏi các bác sĩ phải có kiến thức rộng, kinh nghiệm vững vàng và kỹ năng lâm sàng thành thục để có thể chẩn đoán chính xác và xử lý kịp thời nhiều tình huống phức tạp khác nhau, từ trẻ em cho đến người lớn tuổi, từ bệnh truyền nhiễm cho đến bệnh rối loạn chuyển hóa, từ cấp cứu nội khoa cho đến ngoại khoa và đa chấn thương, thậm chí cả bệnh lý rối loạn tâm thần cấp tính.

Với nhiều năm công tác trong ngành hồi sức cấp cứu, ông "thấm thía" và chia sẻ những khó khăn và áp lực của nhiều đồng nghiệp ở các bệnh viện công lập, khi phải đối mặt với vấn đề quá tải và thiếu hụt nguồn lực.

Khi đầu quân cho Bệnh viện FV vào năm 2003, bác sĩ Hải có cái nhìn khác về công tác hồi sức cấp cứu tại FV, bởi nơi đây được trang bị các nguồn lực chất lượng, chú trọng cả yếu tố con người và trang thiết bị. Quan trọng hơn, bệnh viện có quy trình chuẩn chỉnh về việc kiểm tra chất lượng định kỳ, thậm chí mỗi ngày, đảm bảo các thiết bị và máy móc vận hành trơn tru trong quá trình sử dụng.

Ngoài ra, cơ số thuốc cấp cứu được kiểm tra mỗi ngày với checklist chi tiết và rõ ràng cho từng loại, luôn đầy đủ và sẵn sàng cho những tình huống cấp cứu khác nhau. Nhân viên khoa cấp cứu được đào tạo bài bản và được cập nhật kiến thức hồi sức cấp cứu thường xuyên.

Là bệnh viện 3 lần liên tiếp đạt Chứng nhận JCI, là hệ thống tiêu chuẩn uy tín hàng đầu thế giới về đánh giá chất lượng dịch vụ y tế từ năm 2015 đến nay, khoa Cấp cứu FV được trang bị đầy đủ và đồng bộ từ phòng nhận bệnh đến các khu việc điều trị trong khoa, gồm phòng khử nhiễm, phòng áp lực âm, phòng tiểu phẫu, phòng hồi sức… Tất cả đều được kết nối với máy tính chủ trong phòng làm việc khoa để nhân viên trực có thể theo dõi sát tình trạng bệnh nhân và xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, bệnh viện có quy trình phân lọc bệnh dựa trên chuẩn lọc bệnh Úc Châu (ATS), giúp xác định bệnh nhân cần ưu tiên điều trị dựa trên mức độ khẩn cấp của tình trạng lâm sàng.

FV đã rút ngắn hơn phân nửa thời gian chờ để được khám bệnh tại khoa Cấp cứu theo tiêu chuẩn phân lọc bệnh của Úc. Quy trình cấp cứu và can thiệp nhồi máu cơ tim cấp của bệnh viện FV cũng nhanh hơn khuyến cáo của hội tim mạch Hoa kỳ (AHA).

Đi từ việc thấu hiểu tâm lý người bệnh là không muốn ở phòng cấp cứu quá lâu, FV đặt ra quy chuẩn lưu bệnh tại phòng cấp cứu ngắn, không quá 4 tiếng, để họ cảm thấy thoải mái trong quá trình điều trị.

Bên cạnh đó, FV cũng chú trọng việc nhanh chóng kiểm soát đau cho bệnh nhân trong thời gian chờ chẩn đoán theo thang đo mức độ đau.", bác sĩ Hải cho biết. Quy trình này giúp cho bệnh nhân được giảm nhẹ cơn đau đến mức thấp nhất trong thời gian nhanh nhất có thể.

Ngoài ra, khoa Cấp cứu còn được trang bị 3 xe cấp cứu trang bị đầy đủ và hiện đại như "phòng hồi sức di động - mobile ICU" nhằm phục vụ cho công tác cấp cứu ngoại viện.

Bác sĩ Trình Văn Hải - người đứng mũi chịu sào tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện FV - 3

Khi đầu quân cho Bệnh viện FV vào năm 2003, bác sĩ Hải có cái nhìn khác về công tác hồi sức cấp cứu tại FV, bởi nơi đây được trang bị các nguồn lực chất lượng, chú trọng cả yếu tố con người và trang thiết bị.

Áp lực cứu người nơi "trạm tiền tiêu"

Hơn 3 thập kỷ làm nghề, bác sĩ Hải đã không ít lần trải qua những đêm trực không thể nào quên. Đó là những ca ngưng tim ngưng thở, những ca chạy đua với tử thần cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim, những ca đa chấn thương nặng và phức tạp, những ca đâm chém nhau…

"Có không ít cảnh tượng mà chỉ gặp 1 lần là ám ảnh cả đời" bác sĩ Hải nhớ lại. "Một lần giữa đêm muộn, tôi cùng ê kíp trực cấp cứu bệnh nhân đa chấn thương do nổ khí gas, được đồng nghiệp chuyển đến bệnh viện bằng taxi. Tôi cũng hơi ngạc nhiên vì sao 1 người trưởng thành lại có thể đặt nằm ngang trong lòng xe taxi chỉ khoảng 1m. Lúc đưa bệnh nhân ra khỏi xe, tôi mới thấy hai chân bệnh nhân rời ra, nội tạng phập phèo vì mất toàn bộ da bụng, thì ra họ đã gập 2 chân chỉ còn dính với thân mình qua mảng da mông để giữ cho nội tạng khỏi lòi ra ngoài. Lúc đó bệnh nhân vẫn thều thào: bác sĩ ơi cứu con.

Ở "trạm tiền tiêu", việc xử lý mọi vấn đề của người bệnh, từ nhanh chóng tiếp nhận và xử lý cấp cứu cho bệnh nhân đến dàn xếp những bức xúc, căng thẳng từ phía thân nhân là nhiệm vụ song song. Không chỉ nỗ lực giải thích bệnh lý, cách điều trị, quy trình, tiên lượng bệnh, ngay cả trong trường hợp xấu nhất, bác sĩ cũng cố gắng để mọi người hiểu và cộng tác với nhân viên y tế.

Việc thân nhân không hiểu bản chất của bệnh lý và quy trình cấp cứu, nên nôn nóng, mất bình tĩnh, thậm chí đe dọa tấn công nhân viên khoa Cấp cứu là chuyện không hiếm gặp.

Bác sĩ Trình Văn Hải - người đứng mũi chịu sào tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện FV - 4

Bác sĩ Hải là người luôn ân cần quan tâm tới bệnh nhân và đồng nghiệp.

Gần nửa cuộc đời làm nghề y, điều khiến bác sĩ Hải xót xa nhất không phải là nỗi vất vả và những nguy hiểm mà bác sĩ cấp cứu thường đối mặt, mà là cảm giác bất lực khi phải đưa ra quyết định liên quan tới sinh mệnh của bệnh nhân. Sau 4 năm, nỗi ám ảnh mang tên Covid-19 vẫn không phai nhạt trong tâm trí vị trưởng khoa.

"Còn nhớ thời điểm đại dịch ập đến, tất cả bệnh viện đều quá tải và FV không ngoại lệ. Chúng tôi không đủ nguồn lực để cấp cứu cho tất cả các ca nguy kịch. Bác sĩ phải đứng trước lựa chọn dành máy thở, phương tiện, thuốc men và nhân lực cho người có nhiều cơ hội sống hơn. Đó thật sự là những quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời hành nghề y của tôi, vì nó liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người. Cho đến bây giờ, tôi vẫn bị ám ảnh với những quyết định đó.

Những bệnh nhân Covid-19 nặng đã rất khó khăn mới thoát ra khỏi các khu cách ly trong đại dịch để đến được bệnh viện, nhưng nhiều bệnh nhân đã tử vong ngay trước cửa khoa Cấp cứu. Ánh mắt khẩn cầu trong tuyệt vọng của người bệnh Covid-19 trước lúc ra đi đã để lại nỗi ám ảnh khôn nguôi trong ký ức của tôi. Lúc đó tôi cảm thấy mình bất lực thực sự trong vai trò một bác sĩ cấp cứu", bác sĩ Hải xúc động chia sẻ.

Bác sĩ Trình Văn Hải - người đứng mũi chịu sào tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện FV - 5

Gần nửa cuộc đời làm nghề y, điều khiến bác sĩ Hải xót xa nhất không phải là nỗi vất vả và những nguy hiểm mà bác sĩ cấp cứu thường đối mặt, mà là cảm giác bất lực khi phải đưa ra quyết định liên quan tới sinh mệnh của bệnh nhân.

Khác với hình dung của nhiều người về khoa Cấp cứu ở bệnh viện lớn - chỉ có áp lực và căng thẳng như bãi chiến trường - cảm nhận đầu tiên khi mọi người bước vào nơi "đầu sóng ngọn gió" của FV là sự ấm áp. Cách mà các bác sĩ, điều dưỡng cư xử với nhau bình đẳng, thân mật và chân thành như gia đình - nơi bất kỳ ai cũng được quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu. Tất cả có được nhờ sự gắn kết của "người anh cả" bác sĩ Hải.

8 năm gắn bó với khoa Cấp cứu của Bệnh viện FV, trong mắt chị Trịnh Quang Thanh Vân (thư ký y khoa), bác sĩ Hải là một người hóm hỉnh, hay pha trò nhưng rất nghiêm cẩn trong công việc.

"Không những trong giờ làm việc, bất cứ lúc nào, dù ngày hay đêm, các bác sĩ và điều dưỡng đều có thể liên lạc bác sĩ Hải để tư vấn các ca bệnh khó, bởi điện thoại của bác luôn mở 24/7, không bao giờ hết pin", chị hóm hỉnh. 

Còn với anh Phạm Minh Thi - điều dưỡng trưởng khoa Cấp cứu - bác sĩ Hải không chỉ là bác sĩ trưởng khoa, mà còn là người thầy đứng lớp cho toàn bộ điều dưỡng của Bệnh viện FV, với các chương trình huấn luyện Basic life support (Hồi sinh tim phổi cơ bản), xử lý cấp cứu sốc phản vệ, quy trình cấp cứu nội viện (Code Blue)…, hướng dẫn sinh viên thực tập các kỹ năng lâm sàng tại khoa Cấp cứu.

"Có khi tôi chưa kịp trình bày, bác sĩ đã biết chuyện, nhờ quan tâm sâu sát đến đội ngũ điều dưỡng của khoa. Những lời chỉ bảo tận tình và thăm hỏi ân cần mỗi ngày khiến mọi người cảm thấy tự tin về chuyên môn và ấm lòng như trong gia đình", anh nhận xét.