1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bác sĩ thú y vẫn tiêm chó ốm, đạp xe 5km sau mổ ung thư trực tràng 5 năm

(Dân trí) - Đang ở năm thứ 5 sau mổ ung thư trực tràng giai đoạn 3, ông Nguyễn Khắc Toản (63 tuổi, phường Phong Khê, Thành phố Bắc Ninh) vẫn mỗi ngày đạp xe 4 – 5km hành nghề bác sĩ thú y. Giọng nói ông vẫn tràn đầy năng lượng kể về công việc của mình, sau 9 ngày nằm viện điều trị tắc ruột vừa xong.

Ông Toản cho biết, hiện ông đang sống ở năm thứ 5 sau mổ, truyền hóa chất điều trị ung thư đại trực tràng giai đoạn 3. Ông “đòi” bác sĩ cho xuất viện sau 9 ngày nằm điều trị vì tắc ruột.

Nhớ lại những ngày có dấu hiệu cảnh báo ung thư, ông Toản cho biết:“Ban đầu, tôi chỉ đau bụng, đi ngoài ra máu nhưng vẫn ngỡ mãn tính bởi nhiều lần bị, chỉ cần dừng loại thuốc đang uống là khỏi. Nhưng lần đó, tôi dừng mà vẫn bị đi ngoài ra máu. Khi đến BV Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, được chuẩn đoán u ác tính, ung thư đại trực tràng giai đoạn 3”.

Ông Nguyễn Khắc Toản chia sẻ một ngày của ông vẫn lao động như thời chưa mắc bệnh, vẫn đạp xe 4 - 5kg, vẫn đi chữa bệnh cho vật nuôi bị ốm.
Ông Nguyễn Khắc Toản chia sẻ một ngày của ông vẫn lao động như thời chưa mắc bệnh, vẫn đạp xe 4 - 5kg, vẫn đi chữa bệnh cho vật nuôi bị ốm.

Khi nhập viện, ông được BS Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Ngoại và xạ trị (BV Đa khoa Bắc Ninh) phẫu thuật và sau đó tiếp tục truyền 12 đợt hóa chất.

Từ đó đến nay, sức khỏe ông hoàn toàn ổn định, bữa nào cũng ăn 2 bát cơm, ngày đủ 3 bữa và vẫn tiếp tục làm nghề bác sĩ thú y.

“Hầu như ngày nào tôi cũng đạp xe 4 – 5km để đi tiêm chó ốm, rồi phối giống cho lợn. Giờ có xe đạp điện đi lại càng thuận tiện hơn. Sau này, nếu sức khỏe không còn tốt tôi sẽ vẫn bán thuốc, tiêm chó tại nhà”, ông Toản chia sẻ.

BS Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Ngoại và Xạ trị cho biết trước đó gần 5 năm ông vào viện trong tình trạng ung thư đại tràng giai đoạn 3. Còn hiện tại, ông đã ổn định sau 9 ngày điều trị tắc ruột dù ông vào viện muộn, sau 3 - 4 ngày bị đau bụng nên có tình trạng hoại tử ruột.

Bác sĩ thú y vẫn tiêm chó ốm, đạp xe 5km sau mổ ung thư trực tràng 5 năm - 2

Một bệnh nhân khác, ông Nguyễn Văn Vĩnh (74 tuổi, ở Từ Sơn) bị ung thư đại tràng đang điều trị tại viện cho biết, ông cũng đã bước sang năm thứ 5 của ung thư đại tràng. Cách đó 5 năm, ông đau bụng nhiều, sút 8 – 9kg trong vòng 10 tháng nên đã ra Hà Nội khám. Bác sĩ kết luận ông bị ung thư đại trực tràng, phải phẫu thuật nhưng vì bảo hiểm y tế tại Bắc Ninh nên ông đã quay về BV Đa khoa tỉnh Bắc Ninh chữa trị.

“Đến nay, tôi là bệnh nhân quen mặt tại khoa bởi vẫn đi tái khám như định kỳ. May mắn sức khỏe vẫn dẻo dai, điều trị ngay tại đây cách nhà gần chục km nên mọi cái từ đi lại, chăm nom cũng thuận lợi hơn. Lúc đầu khi quyết định mổ tại viện cũng nhiều lo lắng, nhưng trải qua quá trình điều trị tại đây, tôi hoàn toàn tin tưởng tay nghề của bác sĩ", bác Vĩnh chia sẻ.

Bệnh nhân ung thư không còn vượt tuyến điều trị

Bác sĩ CK2 Nguyễn Thiện Hòa, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm ung bướu, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Bắc Ninh cho biết, từ khi trở thành BV Vệ tinh của Bệnh viện K năm 2015, điều trị ung thư tại Bắc Ninh đã phát triển một bậc. Ngoài việc đầu tư trang thiết bị, nguồn nhân lực được các chuyên gia BV K điều trị đã giúp tay nghề của các bác sĩ tăng lên rất nhiều.

Hiện tại Trung điều trị ung thư đã làm chủ các kỹ thuật cơ bản nhất, nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh: phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ. Ngoài ra các bộ phận như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ điều trị rất hiệu quả.

Nhờ vậy mà Trung tâm ung bướu của viện ngày càng hút bệnh nhân. Trước đây khoa Ung bướu của BVĐK tỉnh Bắc Ninh mỗi tháng chỉ điều trị khoảng 60 - 70 bệnh nhân nhưng từ khi Trung tâm Ung bướu được thành lập, tại đây thường xuyên có khoảng 250 bệnh nhân điều trị.

“Quan điểm của chúng tôi sức khỏe của người bệnh là trên hết, không giữ bệnh nhân nếu ca bệnh quá khả năng chuyên môn. Vì thế, với những ca bệnh khó, chúng tôi luôn hội chẩn trực tuyến với các thầy tại BV K và rất nhiều ca khó đã được điều trị thành công ngay tại BV. Bệnh nhân tin tưởng ở lại viện điều trị. Nếu 5 năm trước số BN phải chuyển tuyến chiếm đa số với vài ngàn bệnh nhân mỗi năm thì bây giờ đa số bệnh nhân được điều trị ngay tại Trung tâm Ung bướu”, BS Hòa chia sẻ.

Cùng quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải. Trưởng Khoa Ngoại - Xạ trị của Trung tâm ung bướu (BVĐK tỉnh Bắc Ninh) cho biết, bệnh viện có quan điểm không cố giữ bệnh nhân, mà điều trị đạt chuẩn mực như BV trung ương.

"Như trường hợp bệnh nhân Trần Ngọc Hoàn (34 tuổi, quê ở Hưng Yên) bị khối u đầu tụy - tuyến gan vị trí hiểm. Tôi có nói chuyện với bệnh nhân, bác sĩ sẽ chuyển em đi Hà Nội nếu em mong muốn. Nhưng đây là ca bệnh bệnh viện có thể xử lý được. Người bệnh cuối cùng đồng ý ở lại viện chữa trị. Trước đây những ca bệnh khó như trường hợp bệnh nhân Hoàn chắn chắc phải chuyển lên BV K T.Ư là tuyến điều trị cuối cùng về ung bướu", BS Hải cho biết.

Bệnh nhân Hoàn tỉnh táo sau 5 ngày được phẫu thuật.
Bệnh nhân Hoàn tỉnh táo sau 5 ngày được phẫu thuật.

Bệnh nhân Hoàn sau 5 ngày được phẫu thuật u gan tỉnh táo, đi lại được. Hai vợ chồng bệnh nhân vui mừng vì chồng được mổ, vợ vẫn chạy đi chạy lại chăm con nhỏ ở gần bệnh viện.

Các bác sĩ Trung tâm ung bướu cho biết, cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng điều trị cũng tổ chức khám sàng lọc, truyền thông giúp người dân có kiến thức đến cơ sở y tế khám phát hiện sớm ung thư khi có nghi ngờ.

"Người dân cũng đã có ý thức tốt hơn đến tình trạng sức khỏe của mình, một số mặt bệnh người dân đã đến khám phát hiện ở giai đoạn sớm như: ung thư vú, ung thư cổ tử cung, đại tràng, tuyến giáp... Các bác sĩ của Trung tâm cũng đã có đủ trang thiết bị đến tận các xã hiện khám sàng lọc và thông để người dân có thêm kiến thức, tự phát hiện các yếu tố nghi ngờ để đến cơ sở y tế khám phát hiện sớm ung thư", BS Hải nói.

Bài và ảnh: Hồng Hải