Bác sĩ tạm “cai” cà phê để cứu bé to bằng lòng bàn tay
(Dân trí) - Chào đời khi mới được 31 tuần thai kỳ, bé gái chỉ nặng 900g lại mắc bệnh tim bẩm sinh rất nặng, cháu đối mặt với nguy cơ tử vong. Trước ca mổ đòi hỏi phải chính xác tuyệt đối, bác sĩ đã phải tạm “cai” cà phê để cứu bệnh nhi.
Vừa sinh non vừa mắc bệnh trọng
Bệnh nhi vừa may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần là bé gái con bà Trương Thị Hoa M. (ngụ tại tỉnh Vĩnh Long). Ngày 3/3, ngay sau khi chào đời tại bệnh viện phụ sản, cháu phải tức tốc chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng rất nguy kịch.
Không chỉ sinh non, nhẹ cận, cháu còn mắc bệnh tim bẩm sinh với chẩn đoán hẹp eo động mạch chủ rất nặng. Khi vào viện, bệnh nhi chỉ lớn hơn bàn tay bác sĩ, chiều dài cơ thể chỉ nhỉnh hơn cây viết (bút).
Phân tích chuyên môn của BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc bệnh viện chỉ ra, tình trạng hẹp eo động mạch chủ khiến cơ thể của bé không đủ máu nuôi dưỡng, nửa thân người phía dưới liên tục bị thiếu máu. Bệnh nhi đối mặt với nhiều nguy cơ như suy thận, suy đa cơ quan, viêm phổi, nhiễm trùng... đe dọa trực tiếp đến sinh mạng.
Với những trường hợp bệnh nhi bị tim bẩm sinh khác, thông thường bác sĩ sẽ chờ đến khi các bé đủ độ tuổi, đủ cân nặng mới thực hiện phẫu thuật để đảm bảo an toàn cho cuộc mổ. Tuy nhiên, trường hợp của bé gái này, cháu sống được là nhờ còn ống động mạch ở những trẻ sinh non, khi cơ thể phát triển ống động mạch sẽ tự đóng lại, máu qua vị trí hẹp động mạch chủ không đủ nuôi cơ thể sẽ khiến cháu tử vong.
Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa, tìm giải pháp cứu bệnh nhi. Các bác sĩ đánh giá, đây là ca bệnh khó, cuộc mổ cho bệnh nhi chỉ có cân nặng 900g chưa từng có tiền lệ tại bệnh viện. Mặt khác, việc gây mê, hồi sức được tiên lượng sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, bệnh nhi có thể gặp phải tình trạng sốc, mất máu, tử vong ngay trên bàn mổ hoặc tử vong trong quá trình hồi sức.
Đòi hỏi chính xác tuyệt đối
Với tinh thần “còn nước còn tát” sau thống nhất chung, bệnh viện Nhi Đồng 1 quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật. “Cơ thể sinh non lại nhẹ cân, tất cả các bộ phận từ hệ tiêu hóa, tuần hoàn, bài tiết... đều chưa phát triển hoàn thiện, chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ dẫn đến những tác động dây truyền, không có cơ hội sửa sai.
Trước yêu cầu mọi thao tác phải chính xác gần như tuyệt đối, 1 ngày trước cuộc mổ, ê kíp phẫu thuật chúng tôi phải tạm “cai” cà phê, không dám dùng rượu bia và các chất kích thích khác để tránh bị rung tay khi cầm dao mổ” - BS Nguyễn Kim Bang, Phó khoa Ngoại Tổng hợp chia sẻ.
Ngày 23/3, sau khi thực hiện thành công thủ thuật đặc biệt khó gồm, đặt catheter động mạch (đùi và tay), đặt nội khí quản, gây mê các bác sĩ ngoại khoa mở lồng ngực bệnh nhi thám sát. Ê kíp tiến hành kẹp động mạch, chạy đua từng phút với tử thần, tránh nguy cơ tăng áp lực động mạch nhưng vẫn phải tỉ mẫn đến từng chi tiết nhỏ để thực hiện thao tác cắt đoạn hẹp ống động mạch chủ.
Sau 21 phút khẩn trương trên bàn mổ, các bác sĩ đã cắt và nối thành công ống động mạch chủ cho bệnh nhân. Cuộc mổ diễn ra thuận lợi nên các chỉ số sinh hiệu của cháu nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường của trẻ sơ sinh.
Điều kỳ diệu cũng diễn ra trong quá trình hồi sức, BS Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức Sơ sinh cho hay, 5 ngày sau cuộc mổ, bệnh nhi đã cai được máy thở, ngưng thuốc trợ tim, thuốc vận mạch. Hiện bé ăn được khoảng 4ml sữa mỗi lần qua ống nuôi ăn trực tiếp vào dạ dày.
Tạm thời, bé đã qua được giai đoạn nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, ngoài những nguy cơ sau phẫu thuật tim, bệnh nhi sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ khác của nhóm trẻ sinh non, nhẹ cân như: suy hô hấp, rối loạn tiêu hóa, vàng da, nhiễm trùng, xơ hóa võng mạc, rối loạn huyết học...
Vân Sơn