1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bác sĩ sợ cảnh tay không đuổi “giặc bệnh”

(Dân trí) - Khi phải tay không đuổi “giặc bệnh”, bác sĩ không chỉ đau đầu tính phác đồ điều trị cho bệnh nhân mà còn đau đầu tính toán chi phí cho người bệnh, vừa nơm nớp lo gia đình người bệnh có thể xin bệnh nhân về… để chết bất cứ lúc nào.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch - Lồng ngực (BV Việt Đức) cho biết, ở khoa ông, thường xuyên có tình trạng người nhà bệnh nhân xin về, dù cơ hội điều trị là có. Gặp những gia đình ở trong tình trạng buộc phải xin người thân về, chấp nhận cái chết, các bác sĩ cũng rất đau lòng. Một mặt, các bác sĩ vừa phải tiếp tục điều trị, vừa phải động viên người nhà bệnh nhân cố gắng tìm nguồn kinh phí, vừa phải nghĩ đến các mối quan hệ có thể xin từ thiện để giúp người bệnh được cứu chữa.

Bệnh nhân có thẻ BHYT sẽ có một nguồn tài chính đảm bảo khi đi khám chữa bệnh. Ảnh: H.Hải
Bệnh nhân có thẻ BHYT sẽ có một nguồn tài chính đảm bảo khi đi khám chữa bệnh. Ảnh: H.Hải

Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi việc cũng thuận lợi, bởi có những người bệnh chi phí điều trị là quá lớn, bệnh nhân lại không có thẻ BHYT, sự hỗ trợ chỉ là nhất định nên người nhà bệnh nhân đành bỏ điều trị.

Điều dưỡng trưởng khoa Tim mạch - Lồng ngực Nguyễn Xuân Vinh cho biết, bản thân anh là người thường xuyên phải tiếp xúc với thân nhân những người xin bệnh nhân về, nói “khô cả miệng” để động viên họ cố gắng duy trì điều trị. “Nhưng quả thực là khó, có những gia cảnh không hẳn là nghèo rớt mùng tơi, phải chạy ăn từng bữa mà chỉ thường thường, đủ ăn, nay đột ngột có người ốm, bảo họ đóng chi phí cả 100 triệu chữa bệnh thì lại rơi vào thế khó. Vì thế, không ít người bệnh dù có cơ hội cứu chữa nhưng với chi phí lớn đành phải chấp nhận ngừng điều trị vì gia đình xin về”, anh Vinh nói.

Anh Vinh nói thêm: “Nhiều người dân cứ “chê” BHYT, nào là khám đông, thuốc bảo hiểm không tốt… Thực tế, thuốc BHYT chi trả là đủ đáp ứng điều trị với từng mặt bệnh. Cứ “chê” BHYT, đến khi không may có vấn đề về sức khỏe người ta mới nhận thức hết ý nghĩa của tấm thẻ này. Vì không có BHYT thì chết. BHYT là đảm bảo cho mình có tiền điều trị, có thuốc men, giường bệnh, xét nghiệm... Còn nếu không có BHYT, tất cả những chi phí ấy gia đình người bệnh phải chi trả và không phải ai cũng xoay xở được số tiền lớn để theo đuổi điều trị”.

PGS Ước cho biết thêm, tại khoa Tim mạch – Lồng ngực BV Việt Đức có bệnh nhân bị căn bệnh lốc động mạch chủ, điều trị 3 tháng với chi phí hết khoảng 800 triệu. Khi xuất viện, BHYT chi trả đến 600 triệu. “Tôi lấy ví dụ này để người dân đặt một phép so sánh, nếu phải tự đóng 800 triệu rõ là rất khó, thậm chí nhiều người đành xin về chết, nhưng nếu đóng 200 triệu vì đã có BHYT gánh thì cơ hội có thể theo đổi điều trị là hơn rất nhiều”.

Hay đơn giản, với bệnh nhân ghép tim, chỉ riêng thuốc ức chế miễn dịch mất khoảng 15 triệu mỗi tháng, nếu có BHYT sẽ được chi trả 12 triệu, bệnh nhân chỉ phải trả 3 triệu đã đỡ gánh nặng kinh tế hơn rất nhiều cho người bệnh.

Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) chia sẻ, bản thân các bác sĩ rất sợ gặp bệnh nhân đi điều trị mà không có thẻ BHYT. Bởi khi có BHYT, bác sĩ điều trị rất yên tâm đã có những xét nghiệm, thuốc thang cơ bản để điều trị cho người bệnh. Còn ngược lại, khi bệnh nhân không có BHYT, đồng nghĩa với việc tự bỏ tiền đóng, bác sĩ phải tính toán rất từng loại thuốc, từng xét nghiệm có khả năng chữa trị mà chi phí lại thấp nhất. Vì thế, không tránh khỏi những rủi ro nhất định, có khi tốn chi phí thuốc thang đó rồi nhưng không hiệu quả lại phải thay thuốc. Hay có trường hợp diễn biến đang tốt lên, điều trị một thời gian nữa là ổn định nhưng bị “giữa đường đứt gánh” vì gia đình bệnh nhân không thể lo được chi phí điều trị nữa.

BS Cấp ví dụ trường hợp bệnh nhân liên cầu lợn 30 tuổi mới đây, vì không có BHYT, bác sĩ ở khoa đã kí “đảm bảo” điều trị cho người bệnh trong quá trình đợi xin từ thiện. Nhưng cuối cùng, gia đình bệnh nhân vẫn xin về, để lại khoản tiền hơn 50 triệu đồng "nợ". Nếu không "giải ngân" được khoản nợ này, chính các bác sĩ sẽ bị trừ tiền vì viện phí, thuốc thang phải thanh toán theo quy định.

“Nếu bệnh nhân có BHYT, chúng tôi sẽ yên tâm điều trị cho người bệnh, người bệnh cũng yên tâm vì BHYT đã gánh phần lớn chi phí khám chữa bệnh. Chữa trị cho một người bệnh mắc bệnh hiểm mà không có BHYT, thực sự cảm giác như bác sĩ phải tay không đuổi “giặc bệnh””, một bác sĩ chia sẻ.

Hồng Hải

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm