Bác sĩ sản khoa kê toa mỹ phẩm

Mỹ phẩm vốn không có tác dụng phòng bệnh, chữa bệnh. Thế nhưng bất chấp quy định của Bộ Y tế, một số bác sĩ vẫn tỉnh bơ kê toa cho bệnh nhân. Đằng sau việc kê toa này là gì?

Sản phẩm mỹ phẩm Tanamera được một số bác sĩ kê toa cho sản phụ ở bệnh viện - Ảnh: L.TH.H.

Sản phẩm mỹ phẩm Tanamera được một số bác sĩ kê toa cho sản phụ ở bệnh viện - Ảnh: L.TH.H.

 

Thị trường có nhiều loại mỹ phẩm dùng để chăm sóc bà bầu sau sinh được giới thiệu làm từ thảo mộc dùng để tắm, xông hoặc làm săn chắc bụng, đẹp da sau sinh... Loại mỹ phẩm được bác sĩ gần đây kê toa nhiều có tên Tanamera (Malaysia sản xuất), do Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Quốc Hưng (Công ty Quốc Hưng, 178A Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) nhập khẩu và phân phối.

 

"Bác sĩ không kê toa mà chỉ viết đằng sau tờ giấy tên sản phẩm, còn họ muốn mua ở đâu thì mua. Kể cả mấy em điều dưỡng cũng ghi như vậy. Còn chuyện kê toa ăn hoa hồng tôi nghĩ rằng không có", Bà Ngô Đăng Sơn Anh (giám đốc Bệnh viện An Sinh)

“Cảm ơn 30%”

 

Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cấp cho Công ty Quốc Hưng có 17 mặt hàng. Trong đó một số loại được xếp dạng sản phẩm là xà bông tắm, xà bông khử mùi, sản phẩm dùng để tắm hoặc gội, dầu dùng trên da. Hơn chục loại khác không thấy xếp thuộc dạng sản phẩm gì.

 

Quá trình tìm hiểu việc bác sĩ kê toa mỹ phẩm Tanamera, bà Lê Thị Kim Dung - phó giám đốc Công ty Quốc Hưng - cho biết: “Hiện tại Tanamera thảo mộc cho mẹ khi mang thai và sau sinh bên tôi bán tại phòng khám của bác sĩ N. ở Q.5 và Bệnh viện Hùng Vương. Sản phẩm bán chạy nhất tại Bệnh viện Hùng Vương là thảo mộc tắm Tanamera”.

 

Bà Dung còn tư vấn cho chúng tôi sản phẩm dễ bán và sẽ được các bà mẹ mua nhiều hơn là thảo mộc vệ sinh phụ nữ Tanamera, dầu massage hỗn hợp gừng. Theo bà Dung, dầu massage hỗn hợp gừng là “sản phẩm mà bác sĩ Q. - trưởng khoa sản Bệnh viện V (bệnh viện tư nhân - PV) - luôn kê cho các bà mẹ để thoa toàn thân sau khi tắm và thoa lòng bàn tay, bàn chân...”. Ngoài ra, bà còn hướng dẫn là nên bán các sản phẩm khác như dầu massage thảo mộc, bột nghệ tẩy mặt, bột nghệ tẩy body, xà bông tắm nghệ, thảo mộc săn chắc bụng...

 

Theo bà Dung, Bệnh viện Hùng Vương bán thấp hơn giá công bố một chút, còn Bệnh viện An Sinh bán cao hơn. Vì vậy “giá do người bán quyết định nhưng đừng khác biệt quá là ổn”.

 

Bà Dung cũng cho biết chính sách đại lý của công ty bà là chiết khấu 30%, thanh toán trước khi lấy hàng. Công ty hỗ trợ thêm banner (bảng hiệu đại diện treo ở điểm bán để thu hút sự chú ý sản phẩm, PV) và tờ rơi quảng cáo.

 

Trong một lần liên lạc khác, bà Dung cho biết thêm về việc chi hoa hồng cho bác sĩ như sau: “Nếu là ký với bệnh viện, bên chị chiết khấu 30% trong đó bao gồm: hoa hồng cho em, hoa hồng cho bác sĩ và khoa dược. Nhưng đầu mối là em. Hằng tháng sau khi nhận tiền thanh toán từ khoa dược, bên chị gửi em 30% để em cảm ơn các bác sĩ và khoa dược...”.

 

Đẩy giá quá cao

 

Theo tìm hiểu, giá nhập khẩu của các loại thảo mộc Tanamera vào VN thấp nhưng giá bán ra trên thị trường lại rất cao.

 

Cụ thể, ngày 7/7/2012 Công ty Quốc Hưng nhập khẩu lô hàng gồm 43 loại sản phẩm với số lượng 3.273 chai, hộp, gói. Lô hàng có trị giá nhập khẩu 16.500,1 USD. Thời điểm nhập khẩu, tỉ giá tính thuế lô hàng là 20.825 đồng/USD, tương đương 343.614.583 đồng. Sau khi đóng thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (tổng cộng tiền thuế là 81.130.321 đồng) thì trị giá lô hàng này là 424.744.904 đồng. Tuy nhiên, khi so sánh giá nhập khẩu sau thuế và giá bán lẻ trên thị trường đối với 6 mặt hàng (xem bảng) mà bà Dung giới thiệu thì thấy giá các mặt hàng chênh lệch khá cao. Các mặt hàng này có giá chênh lệch thấp nhất là 312,5% và cao nhất là 547,5%.

 

Ngày 24/9, trả lời Tuổi Trẻ có hay không việc chi hoa hồng cho bác sĩ kê toa mỹ phẩm Tanamera, bà Lê Thị Kim Dung khẳng định: “Hàng của tôi đăng ký dưới dạng mỹ phẩm nên không dính dáng gì đến các bác sĩ. Công ty ký gửi ở bệnh viện nhưng người ta mua hay không là chuyện của người ta. Công ty không làm gì sai trái hết, tôi cam đoan như vậy. Tôi không nghĩ bác sĩ rảnh hơi đi làm cho tôi. Nếu bác sĩ nào làm cho tôi, tôi biết tôi cũng đến cảm ơn”.

 

Khi chúng tôi nói rõ chứng cứ chính bà đã trao đổi về việc chi 30% hoa hồng cho bác sĩ, khoa dược... thì bà Dung nói lại: “Chính sách với đại lý là như vậy, còn chuyện mọi người làm với bác sĩ thì tôi không quan tâm. Tôi không dính líu đến bác sĩ. Các bác sĩ muốn làm là giữa bác sĩ với đại lý, mà tôi nghĩ bác sĩ không có rảnh đâu mà làm mấy cái đó”. Theo bà Dung, với các mặt hàng mỹ phẩm mức hoa hồng cho đại lý luôn là 20-30%, nếu không chiết khấu mức này thì không ai bán hàng cho.

 

Vì sao giá nhập khẩu rẻ mà đến người tiêu dùng thì bán quá đắt? Bà Dung cho rằng phải chi phí nhiều thứ như trả lương nhân viên, giới thiệu sản phẩm, lãi vay ngân hàng... Bà cũng cho rằng mỹ phẩm Tanamera rẻ hơn nhiều so với một số sản phẩm tương tự của các công ty khác chứ không phải là đắt. “

 

Tôi đang bị lỗ, tôi sẽ chứng minh bây giờ là không có lời. Nhưng thật ra lỗ thì không lỗ nhưng mà huề vốn. Lỗ thì chắc tôi cũng không có làm” - bà Dung phân bua.

 
Thừa nhận kê toa

Thừa nhận kê toa

 

Trả lời Tuổi Trẻ có hay không việc bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương kê toa mỹ phẩm Tanamera để nhận hoa hồng, ngày 25-9, ông Nguyễn Văn Trương - giám đốc bệnh viện  - cho biết đã kiểm tra sự việc và nhà thuốc bệnh viện xác nhận với ban giám đốc là bác sĩ của khoa hậu sản có kê toa sản phẩm này thì họ mới bán. Bệnh viện đã yêu cầu trưởng khoa hậu sản là bác sĩ V.T.M.H. giải trình.

 

Trong bản giải trình, bác sĩ này thừa nhận hai tháng qua một số bác sĩ của khoa hậu sản có ghi kèm trong toa thuốc ra viện của bệnh nhân mua thảo dược xông tắm sau sinh. Nhận thấy việc làm này là sai nên bác sĩ trưởng khoa đã hứa “tập thể khoa cam kết chấm dứt không kê toa nữa”.

 

Về việc hoa hồng khi kê toa mỹ phẩm này, ông Trương khẳng định: “Tuy không phát hiện bác sĩ nhận hoa hồng nhưng việc kê toa mỹ phẩm là vi phạm quy chế kê toa thuốc và chắc chắn phải có động lực phía sau. Bệnh viện sẽ mời những bác sĩ vi phạm lên làm việc và có biện pháp kỷ luật, hạ bậc thi đua”. Ông Trương cũng thừa nhận ban giám đốc có cho Công ty Quốc Hưng ký gửi ở nhà thuốc bệnh viện để thuận tiện cho bệnh nhân cần mua khi có nhu cầu.

 

Trong khi đó, tại Bệnh viện An Sinh cũng có hai bác sĩ khoa sản kê toa thảo mộc xông tắm Tanamera cho bệnh nhân là bác sĩ M. và T.. Khi được hỏi về việc này, bác sĩ T. xác nhận có kê toa mỹ phẩm này nhưng bà khẳng định việc kê toa này là do “ban giám đốc bệnh viện cho phép nhập vào bệnh viện. Cái gì được phép cho vào bệnh viện thì tôi mới kê toa cho bệnh nhân”. Bác sĩ T. cũng nói “chỉ kê toa vậy thôi chứ không có nhận hoa hồng gì hết”.

 

Bà Ngô Đăng Sơn Anh - giám đốc Bệnh viện An Sinh - trả lời: “Vì bác sĩ của khoa sản nói dùng sản phẩm xông tắm Tanamera cho sản phụ tốt nên bệnh viện mới cho ký gửi. Ai muốn sử dụng thì cho chứ có ép ai mua đâu”.

 

Tuy nhiên bà Huỳnh Thị Trong - trưởng khoa sản Bệnh viện An Sinh - lại nói: “Bác sĩ của khoa có ghi nhầm sản phẩm này vào một, hai toa thuốc vì bệnh nhân quá đông”. Bà Trong nói đã nhắc bác sĩ trong khoa “từ nay không được kê toa nữa”.

 

Từ tháng 5/2012, Bệnh viện Hùng Vương nhập 160 hộp xông tắm sau sinh và bán hết 155 hộp. Trong tháng 7 và 8/2012, bệnh viện nhập thêm ba loại bột thảo dược săn chắc Tanamera, bột tắm thảo dược Tanamera và bột thảo dược vệ sinh phụ nữ Tanamera với số lượng 185 hộp, đã bán hết 141 hộp.

 

Theo Lê Thanh Hà

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm