1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bác sĩ phải qua sát hạch mới được hành nghề

Năm 2020, bác sĩ muốn có chứng chỉ hành nghề phải trải qua kỳ thi sát hạch chuyên môn.

Bộ Y tế hiện đang hoàn chỉnh dự thảo đề án “thành lập Hội đồng y khoa quốc gia (HĐYKQG)” để trình Thủ tướng trong năm nay.

Theo Bộ Y tế, chức năng chính của hội đồng này là tổ chức kỳ thi quốc gia sát hạch năng lực chuyên môn của người hành nghề. Đây là một trong những điều kiện bắt buộc khi xem xét cấp chứng chỉ hành nghề trong thời gian tới, dự kiến bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2020. Nội dung này cũng đang được Bộ Y tế đưa vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và sẽ trình Quốc hội vào năm 2019.

Quá dễ để có chứng chỉ hành nghề

Bộ Y tế cho biết thêm hiện nay việc cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh (KCB) dựa trên Thông tư 41/2011 của Bộ Y tế cùng một số quy định liên quan.

Theo đó, người có nhu cầu cấp chứng chỉ hành nghề chỉ cần nộp bộ hồ sơ theo quy định cho cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Y tế, Sở Y tế) để được xem xét và cấp.

Hồ sơ bao gồm đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề; bản sao có chứng thực văn bằng hoặc giấy chứng nhận trình độ chuyên môn đối với lương y hoặc giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền do bộ trưởng Bộ Y tế hoặc giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp; giấy xác nhận quá trình thực hành; sơ yếu lý lịch có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác, phiếu lý lịch tư pháp, hai ảnh 4 x 6 cm.

Tới năm 2020, bác sĩ phải thi kiểm tra trình độ chuyên môn để được cấp chứng chỉ hành nghề. Ảnh: TRẦN NGỌC
Tới năm 2020, bác sĩ phải thi kiểm tra trình độ chuyên môn để được cấp chứng chỉ hành nghề. Ảnh: TRẦN NGỌC

Bộ Y tế cho rằng điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay chủ yếu xem xét về thủ tục hành chính mà không dựa trên việc đánh giá năng lực chuyên môn thông qua kỳ thi quốc gia như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Do vậy, chưa thể đánh giá năng lực chuyên môn thực sự để đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu thực hiện hoạt động KCB của người hành nghề.

“Việc tổ chức kỳ thi thông qua HĐYKQG (một tổ chức độc lập với cơ quan quản lý nhà nước) sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá một cách khách quan về thực trạng chất lượng người hành nghề. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ KCB” - Bộ Y tế.

Bác sĩ phải đợi… dài cổ

Giám đốc của một bệnh viện vùng ven TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cho biết một khi sinh viên học ở trường y được cấp bằng tốt nghiệp bác sĩ (BS) thì đã có thể KCB.

Vị này cho rằng thành lập HĐYKQG nhằm sát hạch năng lực chuyên môn của BS để cấp chứng chỉ hành nghề là điều không cần thiết. “Nếu siết năng lực của BS thì siết ngay từ khi còn học ở trường. Sinh viên đạt thì cho tốt nghiệp, không thì học lại. Một khi BS đã đi làm, giờ phải sát hạch lại năng lực thì chẳng khác BS phải gồng mình tham gia thêm một kỳ thi” - vị này chia sẻ.

“Sau này, một khi có quy định phải qua ải sát hạch của HĐYKQG mới được cấp chứng chỉ hành nghề thì BS phải chờ dài cổ vì số lượng BS của cả nước rất đông” - vị này chia sẻ thêm.

Thành viên hội đồng y khoa chưa chắc có chuyên môn giỏi

Không loại trừ thành viên của HĐYKQG cập nhật phương pháp chữa bệnh cách đây khá lâu. Trong khi đó, BS học ở nước ngoài khi về Việt Nam lại áp dụng cách chữa bệnh hiện đại. Nếu thành viên của HĐYKQG giữ khăng khăng quan điểm của mình thì BS học ở nước ngoài sẽ không được cấp chứng chỉ hành nghề. Điều này sẽ gây thiệt thòi cho BS học ở nước ngoài, người bệnh lại không có cơ hội tiếp cận phương pháp điều trị theo phương pháp hiện đại.

Giám đốc của một bệnh viện chuyên khoa TP.HCM

(đề nghị không nêu tên)

Theo Trần Ngọc

Pháp luật TPHCM