Bác sĩ mách cách xử trí khi bị tiêu chảy do xạ trị

(Dân trí) - Tiêu chảy cũng là một trong các tác dụng phụ của xạ trị biểu hiện bằng số lần đại tiện nhiều hơn so với bình thường, không kiểm soát

Hiện nay, xạ trị vẫn đang là một phương pháp điều trị quan trọng, hàng đầu và được sử dụng điều trị kết hợp với các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, hóa trị, liệu pháp miễn dịch, dinh dưỡng nhằm gia tăng tỷ lệ sống thêm, giảm tỷ lệ tái phát của người bệnh ung thư.

Theo GS.TS Lê Thị Hương, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), tùy vào đặc điểm vị trí ung thư, thời gian chiếu xạ, liều chiếu xạ, gây ra các tác dụng phụ khác nhau trên người bệnh. Tác dụng phụ của xạ trị thường xảy ra ở tuần điều trị thứ hai và thứ ba, có thể phản ứng mạnh nhất ở tuần thứ tư và thứ năm trước khi kết thúc liệu trình điều trị và tiếp tục trong khoảng 2 - 3 tuần sau điều trị.

Một số tác dụng phụ phổ biến của xạ trị gồm: giảm cân, khó nuốt, nôn/buồn nôn, thay đổi vị giác, khô miệng, táo bón/tiêu chảy, thiếu máu…

Bác sĩ mách cách xử trí khi bị tiêu chảy do xạ trị - 1

Tiêu chảy là một trong những tác dụng phụ của xạ trị. Người bệnh có biểu hiện đi ngoài nhiều nước, phân nát. Tiêu chảy nặng, kéo dài sau xạ trị có thể gây mất nước, rối loạn điện giải.

Tiêu chảy chiếm 80% tác dụng phụ khi xạ trị vùng chậu. Tiêu chảy do xạ trị cũng khá phổ biến ở người bệnh xạ trị ung thư vùng bụng.

Theo GS Hương, bên cạnh bổ sung nước điện giải, bổ sung men vi sinh cũng là một biện pháp phòng ngừa tiêu chảy do xạ trị, giúp giảm nhu động của đại tràng. Đồng thời giảm tỷ lệ mắc tiêu chảy do xạ trị và giảm tỷ lệ sử dụng thuốc cầm đi ngoài trên những người bệnh ung thư vùng chậu.

Ngoài ra, sử dụng liệu pháp điều trị bằng men vi sinh dự phòng cho người bệnh cũng làm giảm bớt tỷ lệ tiêu chảy do xạ trị, cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh. Vì thế, nên cho người bệnh sử dụng men vi sinh từ khi bắt đầu xạ trị kéo dài đến khi kết thúc điều trị.

Một số lời khuyên dinh dưỡng dành cho người bệnh tiêu chảy do ảnh hưởng của xạ trị:

- Uống 8-12 cốc dịch/ngày (dịch: trà pha loãng hoặc nước hoa quả). Tiêu chảy nặng có thể dẫn đến mất nước và có thể nặng hơn. Chú ý uống đủ dịch để đề phòng các triệu chứng trên.

- Chia nhiều bữa nhỏ: 5-6 bữa/ ngày.

- Ăn thực phẩm giàu muối như natri và kali: Cơ thể có thể bị mất một số loại muối này khi bị tiêu chảy, do đó cần phải bổ sung kịp thời.

Các thực phẩm giàu natri và kali như: chuối, cam, đào, nước ép mơ, khoai tây luộc, nghiền.

- Ăn thực phẩm ít chất xơ không hòa tan: Thực phẩm giàu chất xơ không hòa tan có thể khiến tình trạng tiêu chảy nặng hơn.

Các thực phẩm nên dùng: chuối, gạo trắng, bánh mì trắng, sữa chua vị vani hoặc sữa chua trắng.

- Chăm sóc vùng trực tràng: Thay vì dùng giấy vệ sinh, người bệnh nên sử dụng giấy dành cho trẻ em hoặc tia nước để vệ sinh sau khi đi ngoài. Người bệnh nên hỏi điều dưỡng về cách tắm ngồi như sử dụng nước ấm và tắm trong tư thế ngồi, nước bao phủ đến phần hông và mông của người bệnh.

Nam Phương