1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Bác sĩ khùng” mang quân hàm xanh của người dân làng biển

(Dân trí) - Mấy năm nay, người dân làng biển Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) quá quen với hình ảnh y sĩ mang quân hàm xanh - Đại úy Ninh Công Khánh (sinh 1975, công tác tại Đồn Biên phòng Hải Vân) hàng ngày vẫn ân cần chữa bệnh cho họ. Nhiều người vẫn gọi đùa anh là “bác sĩ khùng” bởi những việc anh làm chẳng giống ai…

Chữa bệnh miễn phí cho người dân

Chúng tôi gặp anh Khánh vào cuối buổi chiều khi ca trực khám tại nhà sinh hoạt cộng đồng 3 trong 1 của phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) vừa mới kết thúc. Đang nói chuyện với chúng tôi thì anh nhận được điện thoại. Vừa bắt máy anh đã trả lời đầu dây bên kia: “Alo, tôi tới ngay đây”. “Bệnh nhân họ gọi”, anh nói với chúng tôi.

Nói rồi anh vội thay quần áo, lấy xe chạy đến nhà sinh hoạt cộng đồng của chi bộ 9 (thuộc phường Hòa Hiệp Nam). Đây cũng là nơi anh Khánh khám chữa bệnh cho bà con nhưng do anh tự mở để khám chữa bệnh miễn phí cho những người dân không thời gian đi khám trong giờ hành chính.

anh 1.JPG

Anh Khánh đang khám chữa bệnh miễn phí cho người dân tại nhà sinh hoạt chi bộ 9

Nhà sinh hoạt cộng đồng chi bộ 9 nằm sâu trong những con hẻm nhỏ. Vừa đến nơi, đã có 3 bệnh nhân đứng trước cửa chờ anh. Anh Khánh mở tủ lôi ra chằng chịt những thiết bị máy móc, kim châm… để bắt đầu khám chữa bệnh cho bà con.

Nằm lim dim khi đang được anh Khánh châm cứu, anh Nguyễn Văn Quynh (trú tổ 11, phường Hòa Hiệp Bắc) cho biết, anh bị viêm đa khớp, chữa trị nhiều nơi nhưng không đỡ. Nửa tháng nay, ngày nào anh cũng đến đây để được anh Khánh châm cứu.

“Từ ngày được bác sĩ Khánh châm cứu, bệnh của tôi cũng thấy đỡ nhiều. Bác sĩ Khánh là một người ân cần với bệnh nhân, lại còn không lấy tiền của chúng tôi nữa’’, anh Quynh nói.

Cũng đến để được anh Khánh châm cứu chữa bệnh thoái hóa cột sống cổ, chị Hồ Thị Kim Cương cho biết, thời gian trước, chị phải chạy xe máy xuống bệnh viện dưới phố để chữa trị, vừa xa xôi vừa tốn kém. Được bà con rỉ tai mách nước nên chị tìm đến “phòng khám” của anh Khánh. Thấy đỡ hẳn nên chị quyết định “theo” cách điều trị của anh Khánh luôn.

Bệnh nhân đến ở đây khám bệnh anh Khánh không lấy tiền. Thấy vậy, bà con tự nguyện bỏ vào thùng 15.000 – 20.000 đồng cho mỗi lần khám. Có những bệnh nhân không có tiền, lặng lẽ ra về cũng chẳng sao.

“Tiền bà con bỏ thùng tôi lại lấy để xuống phố mua thuốc về điều trị cho bà con. Nếu không đủ thì tôi bỏ thêm tiền của mình vào”, anh Khánh nói.

Đi dân nhớ, ở dân thương

Năm 2008, anh Khánh về Đồn Biên phòng Hải Vân công tác. Anh được đơn vị phân công khám chữa bệnh cho người dân làng biển Kim Liên. Đến năm 2015, anh được điều chuyển qua Trạm xá Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng (đóng tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà).

Người dân làng nơi đây vốn đã quen với việc được “ bác sĩ Khánh” khám bệnh nên khi anh đi, bà con nơi đây ai cũng nhớ.

anh 2.JPG
“Đi dân nhớ, ở dân thương” là tình cảm của người dân làng biển Kim Liên dành cho y sĩ Ninh Công Khánh nhiều năm qua

“Bà con gọi điện cho tôi, bảo khám tôi bao nhiêu năm quen rồi, giờ khám người khác không quen. Nghe bà con nói vậy tôi xúc động quá”.

Thế rồi, sau giờ làm ở Trạm xá Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng, anh Khánh lại vượt hàng chục cây số về Kim Liên để khám cho bà con làng biển nơi đây.

Ban đầu, anh mượn tạm ngôi nhà bỏ không của một người dân để làm chỗ khám bệnh cho bà con. Tuy nhiên, được một thời gian thì họ lấy lại nhà. Lúc này, bà Nguyễn Thị Gia (74 tuổi) phải cho anh Khánh mượn hiên nhà mình để anh Khánh tiếp tục khám cho người dân.

“Những hôm trời mưa, vừa phải khám cho bà con vừa phải do che mưa. Nhưng cứ nghĩ đến chuyện thấy bà con ngồi chờ mình trước hiên nhà khiến tôi có động lực dù bận rộn thế nào”, anh Khánh chia sẻ.

Tuy nhiên, thấy tình hình không ổn nếu đến mùa mưa nên cũng chính bà Gia là người đi mượn nhà sinh hoạt cộng đồng chi bộ 9 cho anh Khánh.

Năm 2016, anh được điều chuyển trở về Đồn biên phòng Hải Vân và tiếp tục phụ trách khám chữa bệnh cho bà con tại nhà sinh hoạt cộng đồng 3 trong 1. Thế nhưng anh vẫn duy trì “phòng khám” tại nhà sinh hoạt cộng đồng chi 9.

Cả hai nơi đều khám miễn phí nhưng tôi vẫn duy trì công việc khám chữa bệnh tại nhà sinh hoạt cộng đồng chi bộ 9 để những người dân không thể đi khám được trong giờ hành chính thì đến đây khám.

Yêu quý anh Khánh nên bà con nơi đây luôn dành cho anh những tình cảm đặc biệt. Họ coi anh như một người con yêu quý của làng.

“Ở đây có cái gì bà con cũng gọi tôi. Có người sợ tôi thức trưa buồn ngủ còn mua cà phê đưa đến cho tôi uống”, anh Khánh kể.

Hỏi anh làm việc thế thời gian đâu mà lo cho gia đình? Vợ có phàn nàn khi anh đi làm tối mịt mới về mà không thấy tiền đâu?

Anh cười hiền hòa: “May vợ tôi làm trong ngành y nên cô ấy cũng hiểu và chia sẻ với tôi”.

Người dân nơi đây phần lớn làm nghề đi biển, số còn lại là lao động phổ thông nên đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. Những cơn đau về xương khớp, cột sống trở thành nỗi ám ảnh, hành hạ họ mỗi ngày, đặc biệt là người lớn tuổi. Chính anh Khánh là người giúp họ xoa dịu những cơn đau, là người để bà con có thể tin tưởng, gửi gắm.

Khánh Hồng