1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bác sĩ kê thuốc xịt mũi để… uống

(Dân trí) - Đọc hướng dẫn sử dụng toa thuốc mà bác sĩ đã kê cho cho con mình, anh Vĩ tá hoả khi phát hiện ra loại thuốc mà bác sĩ chỉ định ngày uống 2 lần với liều lượng khá lớn chỉ dùng để…xịt mũi. Anh tìm mọi cách liên lạc với bác sĩ nhưng chỉ nhận được sự từ chối.

Kê đơn xong, bác sĩ hết trách nhiệm?

 

Vừa qua, Dân trí nhận được phản ánh của anh Nguyễn Hùng Vĩ, cán bộ giảng dạy trường Đại học Nghệ thuật Quân đội về sự tắc trách của một số bác sĩ tại Bệnh viện Nhi TƯ, ngõ 879 Đê La Thành - HN.

 

Anh Vĩ cho biết, anh đưa cháu Lê Hùng Quân, 6 tháng tuổi đến khám tại Phòng khám tự nguyện của bệnh viện vì thấy có biểu hiện ho, khạc liên tục. Bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương, người trực tiếp khám đã kết luận cháu bị viêm mũi họng cấp và kê một toa thuốc gồm nhiều loại và dặn anh cứ cho con uống đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ trong sổ y bạ.

 

Vốn tính cẩn thận, anh Vĩ đã đọc bản hướng dẫn sử dụng có đi kèm với mỗi loại thuốc và hốt hoảng phát hiện ra hộp thuốc Utabon có tác dụng chống sung huyết chỉ dùng để nhỏ mũi chứ không phải là để uống ngày 2 lần như bác sĩ dặn. Bên cạnh đó, anh cũng hết sức băn khoăn với một loại thuốc kháng sinh khác mà bác sĩ đã chỉ định có liều dùng cao gấp 4 lần so với hướng dẫn sử dụng.

 

Mới đây, Bộ Y tế ra chỉ thị chấn chỉnh tình trạng bác sĩ viết chữ cẩu thả, tùy tiện gây nhầm lẫn trong sử dụng thuốc của người bệnh nhưng việc bác sĩ ngoáy, cẩu thả, tuỳ tiện vẫn xảy ra.

 

Bác sĩ Phan Quý Nam, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho rằng, phải có biện pháp hiện đại hóa kê toa thuốc như vi tính hoá mới giảm thiểu tai nạn do chữ bác sĩ.

“Lo ngại về độ chuẩn xác của toa thuốc bác sĩ đã kê, tôi gọi điện cho bệnh viện với mong muốn hỏi kỹ lại bác sĩ trước khi cho con mình dùng thuốc. Tuy nhiên, khi gọi đến số máy của bệnh viện, nhân viên trực bắt tôi trình bày cụ thể sự việc. Tưởng sẽ được như ý, ai dè người trực ban cương quyết yêu cầu tôi quay lại bệnh viện để đợi…hẹn. Vì quá bận, tôi đã gọi đến đường dây nóng của bệnh viện, yêu cầu gặp vị bác sĩ kia nhưng kết quả không khá hơn. Trong 2 ngày sau đó, tôi đã gọi điện thoại rất nhiều lần nhưng không thể liên lạc được với bác sĩ đó và cũng chẳng dám cho con dùng bất cứ loại thuốc gì mặc dù đã phải bỏ vài trăm nghìn để mua chúng.

 

Nếu cứ đúng theo lời bác sĩ, tôi cho cháu dùng thuốc thì hậu quả sẽ ra sao? Dù biết bác sĩ phải khám cho rất nhiều trẻ nhưng chẳng lẽ đường dây nóng của bệnh viện chẳng có tác dụng. Vả lại, nếu là người ở tỉnh xa và trẻ đang bị bệnh nặng chẳng lẽ vẫn phải làm vậy”, Anh Vĩ bức xúc.

 

Quen tay nên… nhầm!

 

"Vì các cháu đến khám đông quá, phần nữa lại do quen tay nên theo quán tính cứ viết đơn thuốc mà không để ý" - Đó là lời giải thích ban đầu của bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương, trong buổi làm việc với phóng viên về vấn đề này. Bên cạnh đó, bác sĩ Xương cũng đã thừa nhận những sai sót của mình trong quá trình kê  đơn thuốc cho bệnh nhi.

 

Vị bác sĩ này cho biết, mỗi ngày có khoảng 60 - 80 bệnh nhi đến khám bệnh tại Khoa tự nguyện. Mỗi cháu thường có khoảng 5 - 10 phút để khám bệnh và nhận đơn thuốc nên “thỉnh thoảng”  việc nhầm lẫn cũng xảy ra.

 

Thông thường, khi nhận được thắc mắc của người nhà bệnh nhi bác sĩ có trách nhiệm phải kiểm tra lại. Đối với trường hợp của anh Vĩ, vì anh không quay lại bệnh viện nên chưa được giải đáp thắc mắc do bác sĩ không để lại số điện thoại nên rất khó gặp!

 

BS. Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc bệnh viện thừa nhận, đây là một sai lầm nghiêm trọng trong quá trình khám và kể đơn thuốc của bác sĩ Xương. Đại diện cho lãnh đạo bệnh viện, ông Lộc chuyển lời xin lỗi đến gia đình anh Nguyễn Hùng Vĩ. Ngay lập tức, bệnh viện sẽ có biện pháp nhắc nhở nghiêm khắc đối với bác sĩ Xương.

 

Về vấn đề đường dây nóng có hoạt động nhưng không phục vụ yêu cầu, thắc mắc của nhiều đối tượng có nhu cầu, ông Lộc hứa sẽ có biện pháp tích cực hơn nữa để đường dây phát huy kết quả…

 

Vẫn biết, các bác sĩ vẫn phải làm việc vất vả, căng thẳng nên không tránh khỏi có lúc sơ sểnh. Nhưng, mỗi ngày, một bác sĩ Nhi khoa phải khám trên 60 cháu nhỏ mà cứ “thỉnh thoảng” lại  kê nhầm đơn, cho uống nhầm thuốc thì tính mạng các cháu sẽ ra sao? Bệnh nhân có còn dám tin tưởng tuyệt đối vào tay nghề và kiến thức của bác sĩ! Và liệu có dùng được 2 từ “xin lỗi”!

 

Thanh Trầm