1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bác sĩ “hô biến” giọng nữ thành giọng nam

(Dân trí) - Nam giới tuổi trưởng thành nhưng mang giọng nói của phụ nữ khiến họ mặc cảm, tự ti, ảnh hưởng đến học tập, sự nghiệp và chuyện tình cảm. Bằng ngữ âm trị liệu, chỉ sau vài buổi, bác sĩ đã giúp nhiều người tìm được chất giọng nam tính của mình.

Mặc cảm vì mang giọng của nữ giới

Đã 28 tuổi nhưng Nguyễn Hoàng Kh. (ngụ tại Hậu Giang) vẫn mang chất giọng thanh và cao. Nếu chỉ nghe tiếng không thấy người, ai cũng bị nhầm vì nghĩ rằng đang nghe giọng của phụ nữ. Giọng nói không mang đặc trưng giới tính khiến Hoàng Kh. luôn sống trong mặc cảm, tự ti.

Hoàng K. tâm sự: “Sau 10 tuổi, tôi đã nói giọng của phái nữ. Khi còn đi học, mỗi lần đến lớp, cô giáo gọi lên bảng trả bài hoặc yêu cầu trả lời các câu hỏi, chỉ chờ tôi cất giọng cả lớp sẽ cười ồ lên. Tôi không tự tin với giọng nói của mình, thường bị mọi người chế nhạo là “BD” nên dần sống khép kín, thu mình trước đám đông”.

Trung bình mỗi bệnh nhân chỉ cần 3 buổi tập để có giọng nói phù hợp theo giới
Trung bình mỗi bệnh nhân chỉ cần 3 buổi tập để có giọng nói phù hợp theo giới

Cũng vì lý do giọng nói của mình nên Hoàng Kh. đã sớm nghỉ học, nhưng khi đến tuổi “cập kê” thì anh cũng gặp khó khăn vì không dám tiếp cận với phái nữ bằng chất giọng “lạc giới” của mình. Đã 28 tuổi, nhưng nam thanh niên này vẫn “chưa có mảnh tình vắt vai”. Với hy vọng sẽ tìm được phép màu nhiệm, có được giọng nói như bao nam giới khác, Hoàng Kh. đến bệnh viện tìm gặp bác sĩ. Sau 7 ngày được hỗ trợ điều trị, anh vui mừng và tự tin với giọng nam trầm của mình.

Tương tự trường hợp trên là bệnh nhân Trương Đức Thanh S. (sinh viên năm 2 hệ đại học tại TPHCM). Không quá tự ti nhưng Thanh S. cũng không đủ tự tin khi giao tiếp bằng giọng nói của mình. “Trong gia đình, em là con trai duy nhất, trước em có 2 chị gái. Từ nhỏ, em đã nói theo giọng của các chị, lâu dần trở thành giọng của chính mình. Em mong sẽ tìm lại giọng của phái nam để sau này đi xin việc, đi làm không bị kỳ thị”. Thanh S. chia sẻ trong buổi đầu được bác sĩ điều trị.

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều bệnh nhân phải đến Bệnh viện Tai Mũi Họng, TPHCM khám và điều trị giọng nói. BS Trần Thị Thu Trang, Đơn vị Thanh học cho hay: Tần số âm của nữ giới giao động từ 220 đến 250Hz, ở nam giới từ 110 đến 140Hz. Những người nam mang giọng nữ, tần số âm sẽ thể hiện đặc trưng cao. Theo thống kê, cứ 900.000 nam giới thì có 1 người bị lệch lạc giọng nói. Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Tai Mũi Họng tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân bị tình trạng trên.

Điều trị đơn giản, chi phí rẻ

Phân tích chuyên môn của BS Thu Trang chỉ ra: một số yếu tố đưa đến rối loạn giọng ở nam giới trong độ tuổi dậy thì, dẫn tới không điều chỉnh được khi trưởng thành. Thông thường, khi đến tuổi dậy thì, trẻ nam sẽ bắt đầu đổi giọng từ thanh âm cao sang trầm. Tuy nhiên, không ít trẻ bối rối trước sự thay đổi của mình, không chấp nhận giọng mới mà muốn giữ lại chất giọng của trẻ em. Ngoài ra, nhiều trẻ nam sinh ra trong gia đình có nhiều chị em gái, nên bị “nhiễm” giọng của các chị em gái.

Đặc trưng của tình trạng trên khiến giọng của trẻ phát âm cao, hơi khàn khó lấn át được tiếng ồn xung quanh. Khi qua giai đoạn dậy thì nam giới mang giọng của nữ giới thường bị chọc ghẹo, dẫn tới thiếu tự tin trong giao tiếp, ảnh hưởng đến học tập, không dám tiếp cận với người xung quanh đặc biệt là bạn khác giới. Nhiều bệnh nhân đến bệnh viện vì đi xin việc hoặc làm ăn không tạo được thiện cảm với người tuyển dụng, đối tác do bị nghi kỵ nghi ngờ giới tính nên ít có cơ hội thành công.

Để giúp người bệnh tìm lại giọng nói đặc trưng theo giới của mình, Bệnh viện Tai Mũi họng đã hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, chuyển giao kỹ thuật với các chuyên gia ngữ âm trị liệu của Úc. Việc điều trị cho bệnh nhân, không cần can thiệp thủ thuật, phẫu thuật mà chỉ đơn giản là luyện ngữ âm trên cơ sở phát triển thanh âm trầm, loại trừ thanh âm cao, khàn.

Khi tiếp nhận ca bệnh, các bác sĩ sẽ tiến hành điều tra bệnh sử, ghi âm, lượng giá thang điểm giọng nói qua phân tích bằng những thiết bị chuyên môn. Tùy thuộc vào chất giọng của từng người, chuyên gia sẽ đưa ra những lộ trình điều trị, hướng dẫn bệnh nhân luyện tập phương pháp hít thở, tập phát âm với thanh trầm (thanh huyền), tập phát âm tấn công thanh môn để có giọng nói sắc và rõ. Ngoài ra, để người bệnh tự tin hơn trong giao tiếp, các bác sĩ sẽ có những điều chỉnh hành vi, cử chỉ của người bệnh cho phù hợp.

Trên cơ sở tổng hợp, và phân tích 60 bệnh nhân được điều trị trong năm 2016, BS Thu Trang cho biết: “100% ca bệnh được chúng tôi điều trị đều tìm được giọng nói đặc trưng theo giới. Nếu phát hiện sớm (trong giai đoạn trong hoặc sau tuổi dậy thì) một bệnh nhân chỉ cần khoảng 3 buổi điều trị (mỗi buổi 30 đến 45 phút). Những người bệnh trưởng thành (có ca 42 tuổi) hoặc người có giọng nói hoàn toàn đặc trưng của nữ giới, cần thời gian điều trị lâu hơn khoảng 7 đến 10 buổi. Chi phí điều trị cho mỗi ca bệnh trong 1 buổi chỉ tốn 50.000 đồng. Tuy nhiên, sau điều trị, bệnh nhân cần phải tiếp tục tập luyện, kiên trì loại bỏ những thanh âm cũ, thanh âm không phù hợp”.

“Một số quốc gia trên thế giới hiện đang thực hiện can thiệp cho những bệnh nhân cần thay đổi giọng nói bằng phương pháp phẫu thuật thanh quản, dùng dụng cụ làm căng dây thanh hoặc phẫu thuật cắt cơ vùng hạ họng để hạ thanh âm. Tuy nhiên, Việt Nam hiện không áp dụng điều trị bằng các phương pháp trên, những bệnh nhân có nhu cầu thay đổi chất giọng đang được điều trị bằng ngữ âm trị liệu. Với những người chuyển giới, điều trị thay đổi chất giọng sẽ khó khăn, phức tạp hơn. Một số quốc gia đã kết hợp phương pháp điều ngữ âm kết hợp với sử dụng hoóc môn giới tính cho đối tượng bệnh nhân này” – BS Trần Thị Thu Trang.

Vân Sơn