TPHCM:
Bác sĩ gia đình tuyến phường xã còn chắp vá, thiếu thốn
(Dân trí) - Phòng khám bác sĩ gia đình bắt đầu được thành phố triển khai xuống tuyến y tế phường xã. Tuy nhiên, mô hình này còn nhiều yếu điểm vì thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, bác sĩ kiêm nhiệm nhiều việc, bệnh nhân vẫn “chạy đôn cháy đáo” khi đi khám chữa bệnh.
Theo Dự thảo đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) tại Việt Nam giai đoạn 2013 đến 2020 của Bộ Y tế: “Bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh gia đình của họ… Phòng khám BSGĐ phải đảm bảo đủ các điều kiện vật chất thực hiện nhiệm vụ phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng”.
“Người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám BSGĐ phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về y học gia đình. Phòng khám phải có danh mục thuốc, thiết bị y tế tối thiểu đủ để khám bệnh, chữa bệnh thông thường, có máy điện tim, máy siêu âm, máy xét nghiệm sinh hóa… Ngoài quy định trên, tùy vào phạm vi đăng ký hoạt động phòng khám BSGĐ phải có buồng thủ thuật, buồng vận động trị liệu…” .
Sau thời gian thí điểm phòng khám BSGĐ tại một số bệnh viện tuyến quận huyện, thành phố quyết định đưa mô hình này về tuyến phường xã với mục tiêu giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, mang lại sự hài lòng cho người bệnh. Thành phố phấn đấu trong năm 2013 sẽ có 30% trạm y tế phường xã có phòng khám BSGĐ. Tuy nhiên, trên thực tế mô hình này đang đối mặt với nhiều chông gai.
Hai phòng khám đầu tiên được ngành y tế lựa chọn tại tuyến phường xã là phòng khám BSGĐ tại phường 9 và phường 10, quận 10 đã khánh thành và đi vào hoạt động cuối tuần qua. Theo BS CKII Lê Thanh Tùng, Phó giám đốc bệnh viện quận 10, thường trực mô hình bác sĩ gia đình quận: “Trước khi triển khai mô hình, bác sĩ của trạm y tế đã được tập huấn tại bệnh viện quận để làm quen với hệ thống thăm khám bệnh nhân cho đến chế độ chính sách đặc biệt là bảo hiểm y tế (BHYT). Chúng tôi cố gắng đảm bảo người bệnh có BHYT đến khám tại phòng khám bác sĩ gia đình tuyến phường xã sẽ được hưởng quyền lợi như tại tuyến quận huyện”.
Tuy nhiên, cũng theo BS Thanh Tùng hiện mỗi trạm y tế chỉ có một bác sĩ (mới qua tập huấn chưa được đào tạo chuyên môn về nghề y học gia đình - PV) nên khi triển khai mô hình phòng khám BSGĐ tại phường xã thì bác sĩ trên vẫn giữ vị trí là trưởng trạm nhưng đồng thời phải kiêm nhiệm thêm cả vị trí bác sĩ gia đình. Cùng với việc thực hiện mô hình phòng khám BSGĐ tại phường xã thành phố cũng triển khai khám chữa bệnh BHYT tại đây. Như vậy, trạm y tế phường xã sẽ trở thành điểm khám chữa bệnh BHYT đầu tiên, nếu đi đúng tuyến tất cả bệnh nhân của phường sẽ đến khám tại trạm y tế trước khi phải chuyển lên tuyến trên.
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Anh, Phó chủ tịch UBND quận 10: “Mô hình phòng khám BSGĐ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn trong đó nhân sự là vấn đề nổi cộm. Hiện nay, một số trạm y tế phường thuộc quận 10 còn chưa có bác sĩ. Về cơ sở vật chất, địa điểm của trạm y tế phường thường chật hẹp nếu đông bệnh nhân đến khám thì việc để xe ở đâu cũng là vấn đề đặt ra. Nhưng quan trọng hơn là các trang thiết bị khám chữa bệnh, các loại máy thông thường như siêu âm, X-quang, điện tim… nhiều trạm còn chưa có”.
Bà Diệu Anh cho rằng: “Muốn thực hiện tốt mô hình phòng khám BSGĐ thì nhất thiết phải trang bị các phương tiện phục vụ việc khám chữa bệnh, bên cạnh đó là yếu tố con người để sử dụng các trang thiết bị. Trở ngại lớn khiến người bệnh không hài lòng hiện nay là trạm y tế chưa có tủ thuốc nên không thể khám bệnh và phát thuốc ngay cho bà con được. Hiện nay, nếu bệnh nhân đến phòng khám BSGĐ tại trạm y tế phường thì phải quay ngược về bệnh viện quận 10 để lãnh thuốc BHYT”.
Chỉ với 1 bác sĩ nhưng phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, liệu phòng khám BSGĐ có rơi vào tình trạng quá tải? Trước câu hỏi trên, BS Lâm Thị Ngọc Bích, Trưởng trạm y tế phường 10, quận 10, kiêm BSGĐ của phường cho biết: “Để người dân tin tưởng thì dịch vụ khám chữa bệnh phải đủ đáp ứng nhu cầu, tôi chưa biết phải làm gì nếu thời gian tới bệnh nhân đổ về nhiều hơn. Tôi mong trạm sẽ được tăng cường thêm nhân sự và trang thiết bị để chúng tôi phục vụ bà con được tốt hơn”.
Vân Sơn