Bác sĩ chạy đua với “tử thần” cứu bệnh nhân bị dập tim

(Dân trí) - Đang làm việc trong công trường, nam công nhân bị khối bê tông lật ngang đè lên cơ thể. May mắn được giải cứu nhưng sau đó anh than mệt nhiều, đau tức ngực. Tại bệnh viện, bác sĩ xác định bệnh nhân bị sốc chấn thương, dập tim phải phẫu thuật cấp cứu.

Đó là trường hợp anh P.V.B. (32 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long) vừa được tiếp nhận, điều trị tại Bệnh viện Nhân Dân 115. Ngày 20/12, thông tin từ bệnh viện cho biết, anh V.B. được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, đau tức ngực, khó thở. Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ thân nhân người bệnh, được biết khoảng 1 giờ trước đó anh đang làm việc tại công trường thì bị khối bê tông lật ngang, đè lên người.

Bác sĩ chạy đua với “tử thần” cứu bệnh nhân bị dập tim - 1

Những tai nạn nghiêm trọng nguy cơ gây chấn thương tim, đe dọa tính mạng

Sau khi được những người là cùng giải cứu khỏi khối bê tông, nạn nhân phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận người bệnh có vết trầy xước da chính giữa ngực, siêu âm tim cho thấy có tràn dịch màng ngoài tim lượng ít, chủ yếu tập trung sau thất trái và trước thất phải, không có dấu chèn ép tim. 

Sau hội chẩn nhanh, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc chấn thương, chấn thương ngực kín do tai nạn lao động. Diễn tiến sức khỏe của người bệnh sau nhập viện ngày càng xấu dần, nguy cơ đe dọa tính mạng. Bệnh viện đã kích hoạt báo động đỏ, tập trung các bác sĩ giỏi của các chuyên khoa, thực hiện hồi sức và chuyển người bệnh lên phòng mổ. 

Sau khi mở lồng ngực bệnh nhân, ê kíp phẫu thuật ghi nhận có nhiều máu tụ sau xương ức, khoang màng ngoài tim có nhiều máu, gần nửa lít máu cục được lấy ra sau thất trái và nhĩ trái. Nghiêm trọng hơn, người bệnh còn bị nhiều vết bầm trên cơ tim, nhiều vết rách dập cơ tim đang chảy máu: thất trái có một vết thương cạnh động mạch liên thất trước, một vết gần mỏm tim; thất phải rách dập khoảng 2cm thành sau và rách thành trước. 

Sau khi nhanh chóng khâu từng vết dập rách cơ tim, ê kíp phẫu thuật thám sát màng phổi hai bên thì phát hiện bệnh nhân bị dập phổi nhẹ, nhiều máu bầm màng phổi trung thất hai bên. Sau nhiều giờ chạy đua với “tử thần” trên bàn mổ, các bác sĩ đã giúp bệnh nhân qua được cơn nguy kịch. Gần 2 tuần sau tai nạn, sức khỏe người bệnh đã bình phục tốt các kết quả kiểm tra, tái khám không ghi nhận bất thường, không rối loạn nhịp tim. Đây là trường hợp bị thương tích đặc biệt nghiêm trọng ở tim nhưng đã may mắn được các bác sĩ cứu sống.

BS Đỗ Việt Thắng, khoa Phẫu thuật tim – Lồng ngực – Mạch máu, Bệnh viện Nhân Dân 115 cho biết: Trái tim của con người nằm trong lồng ngực, được bao bọc bởi khung xương sườn, xương ức và cột sống. Chấn thương tim xảy ra khi bị lực tác động mạnh vượt quá “ngưỡng chống đỡ” của khung xương bảo vệ. Lực tác động trực tiếp lên thành ngực có thể gây chèn ép tim giữa xương ức và cột sống; cũng có thể từ chấn thương do giảm tốc đột ngột làm xé rách cuống tim và các mạch máu lớn (tai nạn này thường khiến bệnh nhân chết tại chỗ).

Chấn thương tim thường xảy ra sau tai nạn giao thông, té cao hoặc bị vùi lấp bởi vật thể nặng. Lực trực tiếp làm tổn thương tim do các buồng thất căng tối đa trong kỳ tâm trương, lực gián tiếp gây tăng tiền tải đổ về tim đột ngột từ tĩnh mạch chủ bụng và các tĩnh mạch chi. Cơ chế giảm tốc (do quán tính) có thể làm xé rách các van tim, cơ tim và động mạch vành. 

Bệnh nhân chấn thương tim thường đối mặt với nguy cơ tử vong cao nên sau tai nạn cần nhập viện sớm để được chẩn đoán, xử lý kịp thời. Những trường hợp may mắn sống sót sau chấn thương tim thường có ít các tổn thương nặng liên quan đến cấu trúc tim và đường dẫn truyền. Tuy nhiên, lượng máu tụ trong cơ tim có nguy cơ gây ra các rối loạn nhịp hoặc block nhánh tạm thời sau can thiệp, điều trị trong thời gian từ 1 đến 3 tháng. Do đó, bác sĩ khuyến cáo những ca bệnh bị chấn thương tim phải tuân thủ chỉ định điều trị, tái khám hoặc nhập viện ngay khi có dấu hiệu bất thường để tránh nguy hiểm có thể xảy ra.

Vân Sơn