Ấu trùng giun di chuyển dưới da do nhiễm từ động vật
(Dân trí) - Theo thông tin, Tiến sĩ Jonathan Allen 36 tuổi, một chuyên gia về động vật không xương sống tại Trường Đại học William và Mary ở Hoa Kỳ đã phát hiện được ấu trùng của một loại giun gây hội chứng ấu trùng di chuyển dưới lớp da, niêm mạc môi, má trong suốt thời gian 3 tháng của chính bản thân mình . Đây là trường hợp ít gặp nhưng cần được ghi nhận và thông báo để phòng ngừa.
Ấu trùng giun không ngừng di chuyển từ môi sang má của tiến sĩ Jonathan Allen
Trên thực tế, một số ấu trùng của các loại giun ký sinh ở động vật tình cờ có thể chui qua da hay theo thức ăn lạc chủ vào cơ thể người và người không phải là vật chủ chính của các loại giun này. Ở cơ thể người, chúng không phát triển thành giun trưởng thành mà chỉ tồn tại ở dạng ấu trùng gây nên hội chứng ấu trùng di chuyển với biểu hiện lâm sàng đa dạng. Có nhiều loại ấu trùng giun của động vật khi xâm nhập vào người gây nên hội chứng ấu trùng di chuyển dưới da và niêm mạc; thường hay gặp nhất là các ấu trùng giun móc của chó, mèo và một số động vật khác.
Loại giun móc Ancylostoma braziliense là loại giun móc nhỏ nhất, ký sinh ở vật chủ chính là chó, mèo, động vật khác. Chúng phân bố khá phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới như Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Tây Phi, Mỹ La Tinh...; kể cả Việt Nam. Giun trưởng thành có miệng nhỏ, hai đôi răng lớn ở phía ngoài, đôi răng nhỏ ở phía trong. Trứng và ấu trùng của loại giun móc này rất giống các loại giun móc khác nên khó phân biệt.
Loại giun móc Ancylostoma caninum trưởng thành sống ký sinh ở ruột non ở vật chủ chính là chó, mèo, động vật khác. Chúng cũng phân bố ở khắp nơi trên thế giới kể cả Việt Nam. Giun trưởng thành có miệng rộng với ba đôi răng khỏe ngoạm vào thành ruột. Trứng và ấu trùng cũng giống như các loại giun móc khác.
Người bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc với đất, cát ở môi trường ngoại cảnh bị ô nhiễm phân chó, mèo, động vật khác có ấu trùng giun ở giai đoạn lây nhiễm được. Ấu trùng chui qua da ở vùng da tay, da chân; vì lạc chủ nên ấu trùng không có men làm phân hủy thành mạch của người nên không thể chui vào máu, chu du khắp cơ thể như loại ấu trùng giun thường ký sinh ở người; do vậy chúng chỉ di chuyển ở các mô dưới da và niêm mạc.
Triệu chứng tại chỗ nơi ấu trùng xâm nhập có vết sẩn đỏ, ngứa, sau thành mọng nước, phát triển ra chung quanh thành một hay nhiều đường ngoằn ngoèo, gồ cao là dấu hiệu của đoạn đường ấu trùng di chuyển. Do ngứa gãi nên có thể bị nhiễm trùng, hóa mủ... Ấu trùng giun có thể tồn tại trong cơ thể người nhiều tuần, có khi nhiều tháng.
Chẩn đoán bệnh dựa vào triệu chứng lâm sàng tại chỗ và biểu hiện dị ứng toàn thân... Xét nghiệm sinh thiết da, niêm mạc ít khi thấy ấu trùng. Trường hợp Tiến sĩ Jonathan Allen đã tự dùng một chiếc kẹp lôi ra được ấu trùng giun từ niêm mạc môi của mình để xác định là một việc khá hy hữu. Khi chẩn đoán xác định, có thể điều trị bằng thuốc thiabendazole 25mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày, dùng trong từ 2 đến 3 ngày; nên kết hợp với thuốc chống dị ứng. Phòng bệnh bằng cách không tiếp xúc với đất, cát bị ô nhiễm phân chó, mèo, động vật khác; không đi chân đất. Nếu có điều kiện, nên tẩy giun cho chó, mèo và các động vật sống gần người.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh