Nghệ An:
Áp xe thực quản vì không đi viện sau hóc xương cá chình gần 1 tuần
(Dân trí) - Đến nay, sau khi trải qua ca phẫu thuật cấp cứu điều trị ổ áp xe thực quản do hóc xương cá, chị Nguyễn Thị Tiến (39 tuổi) đã hồi phục tốt.
Trước đó, vào ngày 5/11, trong bữa cơm trưa của gia đình, chị Nguyễn Thị Tiến (ở TX Cửa Lò, Nghệ An) vô tình nuốt mẩu xương cá chình, gây cảm giác khó chịu, đau đớn ở họng. Nghe lời mọi người mách bảo về chữa mẹo hóc xương cá, chị vội vàng xoay tròn mâm, vuốt ngực, uống nhiều nước với hy vọng đẩy được chiếc xương cá xuống dạ dày. Nào ngờ, chiếc xương cá vẫn cắm sâu vào thực quản, càng ngày càng làm vùng họng chị Tiến đau dữ dội.
Tuy nhiên, mặc cho cơn đau và khó chịu dai dẳng, chị Tiến vẫn cố gắng chịu đựng với hy vọng chiếc xương cá có thể tự trôi xuống. Chỉ đến 6 ngày sau, khi cơn đau lên tới đỉnh điểm, xuất hiện nhiều cơn sốt cao và rét run liên tiếp, chị Tiến đi khám tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An mới hốt hoảng thực sự bởi chiếc xương cá dắt vùng thực quản đã biến chứng gây nên ổ áp xe lớn. Chị Tiến nhanh chóng được nhập viện với chỉ định phẫu thuật cấp cứu dẫn lưu ổ áp xe thực quản cổ.
BS CK II Tăng Xuân Hải - Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng cho biết: “Bệnh nhân Tiến nhập viện ngày 11/11/2015, với biểu hiện viêm tấy quanh thực quản cổ. Qua nội soi, chúng tôi xác định, chiếc xương cá đã chọc thủng thành thực quản cổ gây viêm nhiễm thành thực quản lan toả, viêm mô liên kết xung quanh thực quản cổ. Bệnh nhân sốt cao, đau họng, không ăn uống được, chảy nhiều nước dãi, quay cổ khó khăn. Nếu không phẫu thuật cấp cứu kịp thời, ổ áp xe lan tỏa rộng sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Trong ca phẫu thuật, chiếc xương cá dài 2cm nằm cạnh động mạch cảnh được chúng tôi lấy ra; đồng thời 30ml mủ đặc thối được hút, rửa sạch, dẫn lưu ổ áp xe”.
Nhận định về trường hợp hóc xương cá của bệnh nhân Tiến, BS Hải cho biết thêm: “Ngay khi bị hóc xương cá từ 24-48h, nếu chị Tiến đến viện thăm khám sớm, vết thương thực quản chưa bị viêm nhiễm thì chỉ cần nội soi sẽ lấy được xương nhanh chóng. Vì bệnh nhân để đến ngày thứ 6 mới đi khám, nên ổ áp xe đã lan rộng xuống đỉnh phổi. Và cũng chỉ cần chậm thêm 1,2 ngày nữa, ổ mủ sẽ lan xuống trung thất, phổi, làm bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết, nguy cơ tử vong do nhiễm khuẩn, nhiễm độc rất cao, tỷ lệ cứu sống chỉ 50-50”.
Một biến chứng nguy hiểm khác của xương cá nhọn gây ra là đâm thủng thành thực quản hoặc chọc trực tiếp vào các mạch máu lớn, hay do viêm hoại tử làm vỡ các mạch máu lớn. Nếu chảy máu đột ngột mà không dự đoán trước để cấp cứu kịp thời thì bệnh nhân sẽ tử vong rất nhanh do shock mất máu.
Hàng ngày, tại khoa Tai - Mũi- Họng của Bệnh viện HNĐK Nghệ An thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân nhập viện để gắp dị vật đường ăn, điều này xuất phát từ thói quen, tập quán ăn uống của người dân là rất nhiều.
“Khi bệnh nhân bị hóc xương hay mắc dị vật thực quản, tốt nhất là phải đến ngay bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị càng sớm càng tốt. Không nên chữa mẹo theo mách bảo vì khả năng thành công vô cùng thấp, bởi một khi đã mắc dị vật thì chỉ còn cách gắp ra mới khỏi được. Tâm lý chủ quan của người dân, cứ để dị vật lâu trong họng sẽ gây hậu quả và biến chứng rất nặng nề”, BSCKII Tăng Xuân Hải khuyến cáo.
Sau mổ, bệnh nhân Tiến được theo dõi chặt chẽ, thay băng, bơm rửa sát trùng, sử dụng kháng sinh phối hợp toàn thân để điều trị triệt để khối áp xe. Đến nay, bệnh nhân đã tiến triển tốt, có thể đóng vết mổ và ra viện.
Hoàng Yến - Nguyễn Phê