1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Áp lực thi cử (1): Cha mẹ xin đừng là "gánh nặng" cho con!

Trong bối cảnh xã hội phát triển, nhiều bậc phụ huynh đã biết cảm thông và chia sẻ hơn với con mình trong chuyện học hành, thi cử. Thế nhưng, vẫn còn đó không ít phụ huynh coi trọng điểm số, coi việc học của con như một cuộc đua mà chuyện thắng thua trở nên vô cùng quan trọng. Điều đó đã, đang và sẽ tạo ra những áp lực tinh thần khủng khiếp đối với các em, và có thể dẫn tới hậu quả khó lường…

Áp lực là tốt hay xấu?

Khi đề cập tới vấn đề áp lực tinh thần từ thi cử, học hành đối với các em học sinh, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Doãn Phương (Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia) đã khẳng định, nhiều bậc phụ huynh hiện nay chưa hiểu đúng về áp lực này.

“Nghe tới áp lực, thì nhiều người sẽ nghĩ ngay tới những hậu quả tiêu cực, những điều u ám… Nhưng thực tế, phải hiểu rằng áp lực có 2 mặt, tốt và xấu. Nếu không có áp lực, các em sẽ khó lòng vượt qua được những ‘ngưỡng’ bản thân để phát triển tốt hơn. Chỉ khi áp lực thái quá, nó mới gây ra những hậu quả xấu tới tinh thần, thể chất của các em. Do vậy, áp lực hợp lý là tốt nhất”, TS. Phương bày tỏ.

Áp lực có tính 2 mặt chứ không chỉ có tiêu cực đối với các em học sinh
Áp lực có tính 2 mặt chứ không chỉ có tiêu cực đối với các em học sinh

Trường hợp của gia đình anh N.C.G (Hoàn Kiếm, Hà Nội) khá điển hình khi đề cập tới vấn đề áp lực nói trên.

Là gia đình có điều kiện, anh G. đi du học về và gây dựng sự nghiệp rất thành công. Quan điểm của anh và vợ là không tạo ra áp lực học hành cho con cái, để các em tự do phát triển theo ý muốn.

Tuy nhiên, tình trạng “không áp lực” này dần trở nên mất kiểm soát, khi vợ chồng anh không định hướng và theo dõi sát sao quá trình học tập của con, để biết năng khiếu, sở thích của các em là gì và tạo điều kiện theo đuổi.

Bởi thế, con anh G. càng lớn càng tỏ ra mải chơi, không ham thích bất kỳ lĩnh vực tích cực nào, mà chỉ tập trung “cày” game thỏa thích. Tới khi muốn ép con vào khuôn khổ hơn, vợ chồng anh G. mới phát hiện ra là đã muộn, vì các em đã quá quen với cách sống… không áp lực.

Ngược lại, câu chuyện của gia đình chị B.T.T (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại là điển hình cho việc tạo áp lực “quá liều”.

Kinh tế không phải là vấn đề quá lớn đối với gia đình chị T., vì cả 2 vợ chồng đều làm kinh doanh và rất thuận lợi. Tuy nhiên, câu cửa miệng mà vợ chồng chị T. nói với cậu con trai lớn luôn là “bố mẹ đi làm vất vả như thế đấy, bao nhiêu tiền dồn cho con ăn học. Cho nên liệu mà học hành cho tử tế”.

Cứ thế, cậu con trai được cho đi học đủ thứ lớp khác nhau để “tinh thông” từ toán, văn cho đến vài ba loại ngoại ngữ… Lớp học càng “cao cấp”, đắt tiền, bố mẹ em lại càng… bắt học, và rồi những áp lực từ đó cũng dần tăng lên.

“Bố mẹ em bảo không tiếc tiền cho đi học, nhưng đã mất nhiều tiền thì phải cố gắng hết sức. Bố mẹ không chấp nhận việc em bị điểm kém, vì nói rằng con được đi học gấp năm gấp mười người khác, mà không bằng người ta thì hóa vứt tiền đi à? Nên nhiều khi, trong lúc ngủ em vẫn còn mơ làm bài tập…”, em D. chia sẻ về áp lực tinh thần quá lớn, đối nghịch với tuổi đời còn rất nhỏ của em.

“Điểm danh” các nguồn khởi phát áp lực thi cử, học hành

Là người có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực tâm thần, có kinh nghiệm tiếp xúc với những trường hợp học sinh phải điều trị vì chịu áp lực tinh thần quá lớn từ việc học hành, thi cử, TS. BS. Nguyễn Doãn Phương đã “điểm danh” một số nguồn khởi phát chủ yếu tạo ra áp lực cho các em.

Có thể tạm chia thành 2 loại nguồn khởi phát áp lực là khách quan và chủ quan.

Khi không thể vượt qua áp lực học hành, thi cử, các em sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề
Khi không thể vượt qua áp lực học hành, thi cử, các em sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề

Những nguồn khởi phát áp lực khách quan phổ biến là gia đình, nhà trường và thậm chí cả truyền thông, internet.

Trong đó, “bệnh sính thành tích” khiến nhiều trường học và các bậc phụ huynh luôn chỉ nhìn vào kết quả mà học sinh đạt được, không quan tâm tới quá trình rèn luyện của các em để thấy sự nỗ lực và phù hợp. Chính vì thế, nhiều học sinh đã không tìm được tiếng nói chung với những người thân và thầy cô của mình.

Theo TS. BS. Phương, có em học sinh đã thú nhận rằng, em cảm thấy rất chán nản khi phải tới trường và các lớp học thêm, nhưng vì bị bắt buộc đi nên phải nghe theo, và luôn cảm thấy vô cùng mệt mỏi, áp lực.

Trong khi đó, nguồn khởi phát chủ quan lại xuất phát từ chính bản thân các em học sinh. Các em có thể tự tạo áp lực cho chính mình khi luôn ở trong trạng thái học tập căng thẳng, tâm trạng lo sợ thi rớt, sợ thua kém bạn bè… Thậm chí, có những em đã đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc mà vẫn bị áp lực thi cử, học hành đè nặng.

Vì theo giải thích của TS. BS Phương, những thành tích đó vô tình trở thành nguồn gây áp lực đáng kể, khi các em luôn nghĩ rằng mình phải cố gắng hết sức để duy trì kết quả đó, và không được phép mắc sai sót, để tuột mất danh hiệu này, nếu không thì sẽ rất xấu hổ, thất vọng…

Nói chung, bất kể nguồn khởi phát áp lực là gì, thì các em học sinh đang ở độ tuổi phát triển cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Một khi áp lực này vượt qua ngưỡng tạo ra sự tích cực, các em sẽ phải nhận hậu quả, nhẹ thì mắc một số chứng suy nhược tinh thần, sinh hoạt hằng ngày bị ảnh hưởng, nặng hơn có thể dẫn tới các chứng rối loạn tâm thần hết sức nguy hiểm.

Ở kỳ sau, Báo ANTĐ sẽ thông tin chi tiết hơn về những hậu quả nói trên, cũng như lời khuyên của chuyên gia để áp lực thực sự phát huy được hiệu quả tích cực trong quá trình học tập, thi cử của các em.

Theo Nguyễn Trung Hiếu

An ninh thủ đô