1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ăn vội vàng có thể gây thủng ruột

Ăn quá nhanh và không nhai kỹ là một trong những nguyên nhân gây tắc ruột do bã thức ăn. Tình trạng này có thể dẫn đến những biến chứng nặng như thủng ruột, ruột hoại tử, viêm phúc mạc.

Tắc ruột do bã thức ăn còn gọi u bã thức ăn đường tiêu hóa, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em tuổi học đường. Số bệnh nhân vào viện điều trị có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các triệu chứng lâm sàng thường không đặc hiệu nên việc chẩn đoán còn gặp nhiều khó khăn, dễ dẫn đến các biến chứng nặng kể trên.

Nguyên nhân gây u bã thức ăn thường là do ăn hoa quả có nhiều chất tanin (như hồng xiêm, hồng ngâm, sung, ổi) và thức ăn có nhiều chất bã xơ (như cam, bưởi, mít, măng). Đặc biệt, nếu ăn lúc đói, khi dạ dày còn trống rỗng và nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều pectin và nhựa dễ bị kết tủa, gây kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã.

Nguy cơ gây u bã thức ăn thường cao ở những trẻ bị tổn thương răng miệng, nhai kém, thức ăn không được nghiền nhỏ nên khó tiêu hóa; hoặc những trẻ có bệnh lý dạ dày, tụy nên ảnh hưởng đến quá trình co bóp và tiêu hóa, khiến thức ăn ứ đọng ở dạ dày, ruột, tạo điều kiện hình thành khối bã. Ngoài ra, có thể gặp u bã thức ăn ở những trẻ rối loạn tâm thần hay nhai tóc, nuốt chửng các chất bã xơ trong thức ăn.

Biểu hiện đầu tiên của bệnh là trẻ chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, sụt cân. Khi có bã thức ăn ở dạ dày, trẻ thường đau bụng, đau vùng thượng vị hoặc đau quanh rốn, đau từng cơn, nôn nhiều, dịch vàng trong. Khám bụng sờ thấy u ở vùng thượng vị hoặc hạ sườn trái di động, không đau.

Việc nội soi tiêu hóa dạ dày, ruột sẽ giúp phát hiện sớm u bã thức ăn ở các vị trí hỗng hồi tràng, dạ dày; thường là khối kết dính chắc cứng hình dạng khuôn theo lòng dạ dày, ruột.

Để dự phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, cần lưu ý cách ăn uống của trẻ. Thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ. Khi ăn phải nhai kỹ, không ăn quá nhanh hoặc nuốt chửng thức ăn, không ăn quá nhiều rau quả có tanin và hàm lượng chất xơ cao, nhất là những trẻ có tiền sử phẫu thuật dạ dày, ruột.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống