Ăn uống ngày Tết cần nắm những dấu hiệu cảnh báo ngộ độc thực phẩm
(Dân trí) - Việc trang bị khả năng nhận biết các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm và cách xử trí là điều cực kỳ quan trọng, để đảm bảo sức khỏe và đón Tết an lành.
Tết Nguyên đán Quý Mão đang đến gần là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, nem, chả, bánh chưng, bánh tét, bánh ngọt, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu...
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, và thậm chí còn trà trộn thực phẩm không an toàn làm tăng nguy cơ gây ngộ độc và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Bên cạnh kỹ năng lựa chọn thực phẩm an toàn, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, việc trang bị khả năng nhận biết các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm và cách xử trí cũng là điều cực kỳ quan trọng, để đảm bảo sức khỏe và đón Tết an lành.
Dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm
Theo Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, khi có các biểu hiện dưới đây, cần nghĩ đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm:
- Bệnh liên quan nhiều tới việc ăn uống: Người bệnh mới ăn xong và bị bệnh. Có hai người trở lên có biểu hiện bệnh tương tự nhau sau khi cùng ăn một loại thực phẩm, người không ăn thì không bị bệnh.
- Các triệu chứng gợi ý: đau bụng, nôn, ỉa chảy.
- Thực phẩm có biểu hiện nghi ngờ.
Biểu hiện bệnh cụ thể sẽ tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây nên:
- Người bệnh chỉ có biểu hiện bệnh ở đường tiêu hóa (đau bụng, nôn, ỉa chảy) có thể có các biểu hiện của mất nước (thường có khát nước), nhiễm trùng (thường có sốt): Nguyên nhân thường do vi sinh vật.
- Các biểu hiện bệnh phức tạp, không chỉ ở đường tiêu hóa mà ở các cơ quan khác ví dụ thần kinh, tim mạch…, thực phẩm được biết là loại không có chất độc tự nhiên: Nguyên nhân thường do hóa chất.
- Bệnh xuất hiện sau khi ăn loại thực phẩm nhất định trong tự nhiên được biết có thể có độc tố, ví dụ: sắn, măng, cá nóc, cóc…: Do chính các loại thực phẩm này vốn có độc tố.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tình trạng ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm nếu bệnh nhân có các biểu hiện bệnh nặng ở đường tiêu hóa hoặc mất nước, nhiễm trùng, hoặc xuất hiện thêm các biểu hiện:
- Các triệu chứng thần kinh, đặc biệt nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, nói ngọng, tê, liệt cơ, co giật, đau đầu.
- Tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở.
- Có máu hoặc chất nhày trong phân, tiểu ít, đau ở các vị trí khác ngoài bụng (như ngực, cổ, hàm), đau họng.
- Sức đề kháng của cơ thể kém: Trẻ dưới 2 tuổi, người cao tuổi, đang dùng các thuốc gây giảm miễn dịch (thường dùng trong bệnh khớp, ung thư, dị ứng), suy dinh dưỡng, bệnh dạ dày tá tràng, bệnh gan, rối loạn sắc tố.
Xử trí thế nào khi bị ngộ độc thực phẩm?
- Người dân cần lưu ý tới các biểu hiện bệnh nặng và sơ cấp cứu tùy theo từng tình trạng: bất tỉnh, thở yếu, ngừng thở, khó thở, co giật…
- Có thể uống nước gây nôn nếu: Người bệnh từ 2 tuổi trở lên, còn tỉnh táo, mới ăn trong vòng một vài giờ và chưa nôn.
- Gọi điện đến cơ sở y tế để được tư vấn.
- Gọi cấp cứu hoặc nhân viên y tế gần nhất hoặc người hỗ trợ nếu bệnh nặng, đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
- Các động tác khác nên làm:
Giữ lại thực phẩm nghi ngờ, bao gồm cả nhãn mác, thậm chí chất nôn của người bệnh để giúp cho việc xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.
Khi thấy có nhiều người cùng bị ngộ độc thực phẩm: Thông báo cho cơ sở y tế gần nhất, cơ quan y tế dự phòng hoặc chính quyền địa phương để các cơ sở y tế có thể kịp thời chuẩn bị đủ nhân lực đối phó trong trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra hàng loạt. Các cơ quan chức năng có thể ngăn chặn kịp thời ngộ độc thực phẩm tiếp diễn.