An toàn tiêm chủng: Cần sự cộng tác của gia đình
(Dân trí) - “Để đảm bảo một mũi tiêm vắc xin an toàn không chỉ cần nhân viên y tế thực hiện đúng quy trình tiêm, mà còn rất cần sự hợp tác chủ động của đối tượng tiêm chủng, cha mẹ của trẻ…”, PGS.TS Phạm Ngọc Đính, Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ tâm sự.
>> Kết luận ban đầu về trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B
Từ tháng 5/2007 đến nay liên tiếp xảy ra các ca tai biến do tiêm vắc xin. Mới nhất là một cháu bé tử vong ở Hà Nội và một bé gái tại TPHCM phải đi cấp cứu sau tiêm vắc xin phòng 6 bệnh (sáu bệnh bạch hầu, viêm gan B, uốn ván, ho gà, bại liệt và viêm màng não mủ do Hib)… Liệu có phải do nguyên nhân từ vắc xin hay quy trình tiêm chủng có vấn đề?
Ngay sau khi xảy ra sự cố, chúng tôi đã kiểm tra ngay dây truyền lạnh bảo quản vắc xin, cung cấp mũi tiêm, nhầm thuốc, do vắc xin quá hạn sử dụng… Thậm chí chúng tôi đã gửi mẫu vắc xin tới Tổ chức Y tế thế giới, đưa tới các phòng thí nghiệm uy tín như ở Paris…. để xem có yếu tố nào trực tiếp gây ra tai biến đó không.
Nhưng kết quả cho thấy: không phát hiện những sai sót từ vắc xin; về cơ bản hệ thống y tế dự phòng tốt, việc cung cấp dịch vụ tiêm chủng mở rộng ngành y tế đảm bảo được những quy chuẩn, những chỉ định về tiêm chủng cũng được rà soát cẩn thận.
Trong khi đó, chúng tôi nhận thấy những trẻ gặp tai biến sẽ rơi vào một trong 2 trường hợp: có cơ địa phản ứng mạnh hơn những đứa trẻ khác hay có sự trùng hợp ngẫu nhiên (đứa trẻ đã tiềm ẩn nguy cơ bị tử vong, bị sốc hay bị phản ứng rồi, chỉ đợi mũi tiêm vào là bùng lên).
Như vậy có thể khẳng định vắc xin là an toàn, thưa ông?
Vắc xin an toàn, hiệu quả và có lợi nếu được tiêm đúng chỉ định, đúng liều lượng, đúng cách, đúng đường tiêm. Vắc xin là an toàn nếu được chuẩn bị tiêm và theo dõi sau mũi tiêm.
Với một số phản ứng nhẹ như đau, sưng nóng tại chỗ, cộng đồng nên chấp nhận, nó cũng giống như bất cứ sự can thiệp y tế nào đó... Còn phản ứng nặng, chúng ta không thể loại trừ được hoàn toàn bởi như vắc xin viêm gan B, một trong những vắc xin an toàn nhất, thì vẫn có khoảng 1/600.000 cho đến 1/1.000.000 mũi tiêm là có phản ứng nặng.
Việc chuẩn bị trước tiêm, theo dõi sau tiêm cần có sự cộng tác nhiệt tình của gia đình để tránh những tai biến nặng có nguy cơ xảy ra.
Tôi khẳng định, hiệu quả bảo vệ của tiêm chủng rất lớn, Sau hơn 20 năm tiêm chủng, tỉ lệ mắc cũng như tử vong do 10 bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng giảm đi rất nhiều. Có những loại bệnh giảm từ 500 - 600 lần so với khi chưa khởi động chương trình tiêm chủng.
Như ông nói, nếu có sự cộng tác của gia đình cùng ngành y tế thì có thể dự phòng, giảm thiểu được tỉ lệ tai biến nặng. Ông có thể nói rõ về vấn đề này?
Như ở các nước phát triển, cũng dùng vắc xin đó nhưng không hề xảy ra ca tai biến nào. Còn ở Việt Nam vẫn xảy ra các ca tai biến, thường do khâu phát hiện chống chỉ định không tốt, việc cung cấp mũi tiêm vội vàng, người tiêm cũng vội, người mẹ cũng vội…
Vậy nên, ngành y tế có thể dự phòng, giảm các phản ứng nặng đó bằng cách:
- Có những chỉ định đúng cho trẻ khi tiêm chủng. Ví dụ với những trẻ yếu, nhẹ cân, đẻ non, có các dị tật bẩm sinh, sốt cao… thì người tiêm phải thăm khám kỹ và có thể hoãn lại hay thậm chí là vĩnh viễn không tiêm. Cụ thể là với vắc xin viêm gan B, những trường hợp kể trên không nên tiêm ngay sau sinh dù khuyến cáo chung là tiêm 24h sau sinh.
- Thứ hai là khi thực hiện mũi tiêm, nhân viên y tế phải hết sức thận trọng, đặc biệt cho trẻ sơ sinh, chỉ cần nhích mũi tiêm (nếu sử dụng bơm kim tiêm tự điều chỉnh) lên một chút có thể tăng liều, nhích xuống sẽ bị giảm liều. Kỹ thuật tiêm và liều lượng tiêm phải tuyệt đối tuân thủ.
- Thứ 3 là sau tiêm nên giữ trẻ lại, đặc biệt là trẻ sơ sinh để theo dõi trong 30 phút để xem những phản ứng có thể xảy ra không. Chỉ khi nào thấy yên tâm mới cho trẻ về và phải dặn dò thêm bà mẹ theo dõi tiếp. Trong quy định mới của Bộ Y tế về an toàn tiêm chủng đề nghị gia đình phối hợp cùng nhân viên y tế theo dõi trẻ tiếp 30 ngày sau tiêm chủng.
Bên cạnh đó, sự cộng tác của gia đình rất quan trọng, đặc biệt ở nông thôn, do đặc thù buổi tiêm chủng thường chỉ trong nửa buổi, rất gấp gáp, tiêm liên tục nên nhiều khi nhân viên y tế không hỏi kỹ càng được đối tượng cần tiêm. Bố mẹ cần biết phát hiện các dấu hiệu hoãn tiêm, theo dõi đứa trẻ, nhắc kiểm tra lọ vắc xin đúng loại, xem hạn dùng, không nên có tâm lý bế đứa trẻ đến rồi phó mặc cho người tiêm. Nếu chuẩn bị tốt cho đứa trẻ, bế trẻ đi tiêm khi bé khoẻ mạnh, cung cấp cho thầy thuốc những thông tin sức khoẻ của trẻ … sẽ giúp giảm tai biến.
Sự chủ động cộng tác của người mẹ, đối tượng đi tiêm vô cùng quan trọng. Nên hiểu con mình tiêm gì và chủ động hợp tác với thầy thuốc. Sau tiêm nên bế con ở lại 30 phút, không nên cho trẻ về ngay, không chú ý tới các biểu hiện của trẻ… cũng sẽ làm nguy cơ phản ứng ngẫu nhiên trùng hợp tăng lên.
Để giúp các bà mẹ chăm sóc con tốt nhất trước, trong và sau tiêm chủng, sắp tới chúng tôi sẽ in áp phích hướng dẫn tỉ mỉ những việc này và dán tại tất cả các điểm tiêm chủng. Như thế sẽ có sự phối hợp tốt nhất giữa ngành y tế và gia đình để đảm bảo mũi tiêm an toàn nhất cho trẻ.
Hồng Hải (thực hiện)