1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ăn rau sống dễ nhiễm sán lá gan lớn

Để phòng bệnh sán lá gan lớn, không được ăn sống các loại rau thủy sinh như cải xoong, rau diếp, húng, mùi tây, ngổ... Không ăn thịt, gan hoặc lòng gia súc chưa nấu chín kỹ.

 

 

 Bệnh sán lá gan lớn do hai loài sán lá gây nên, đó là Fasciola hepatica và Fasciola gigantica. Loài sán này có mặt ở Việt Nam và hơn 61 quốc gia trên thế giới, chủ yếu ở những vùng có chăn thả gia súc. Sán trưởng thành ký sinh ở ống mật chủ và đường mật trong gan người, gia súc, trứng xuống ruột theo phân ra ngoài. Trong nước, trứng nở ra trùng lông rồi xâm nhập vào một số loài ốc; khi phát triển thành ấu trùng đuôi di động thì rời khỏi ốc.

 

Ấu trùng đuôi xâm nhập vào một số loài cây, rau trồng dưới nước, phát triển thành nang trùng. Khi người ăn phải, các nang trùng thoát vỏ ở tá tràng. Ấu trùng xuyên qua thành ruột non và xuyên qua phúc mạc xâm nhập bao gan rồi di chuyển dần đến ống gan lớn.

 

Bệnh tiến triển theo hai giai đoạn:

 

Giai đoạn gan (xâm nhập): Các triệu chứng xuất hiện khoảng 6-12 tuần sau khi ăn phải các nang trùng và kéo dài 2-4 tháng. Trong giai đoạn này, một số lượng lớn ấu trùng di chuyển qua thành ruột, qua khoang phúc mạc, bao gan. Các triệu chứng hay gặp nhất là đau bụng, sốt cơn, sút cân, nổi mề đay, ho, khó thở, đau ngực, rối loạn đại tiện, chán ăn và buồn nôn. Có khi đau khắp bụng nhưng thường khu trú ở vùng hạ sườn phải.

 

Giai đoạn mật (trưởng thành): Có thể kéo dài nhiều năm, do F.hepatica có xu hướng di chuyển đến lòng ống mật chủ và phát triển thành sán trưởng thành ở đó. Trứng xuất hiện trong phân sau giai đoạn tiền lâm sàng khoảng 3-4 tháng. Khi xuất hiện tổn thương ở vị trí này thì giai đoạn phá hủy gan kết thúc. Các triệu chứng như sốt, chán ăn và đau bụng có thể hết, bệnh nhân chuyển sang giai đoạn không triệu chứng. Tăng bạch cầu ưa axit là một triệu chứng thường gặp. Nhiều bệnh nhân có biến chứng bán tắc mật cùng với đau thành cơn vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải, có biểu hiện của viêm đường mật cấp: sốt, vàng da, đau bụng...

 

Khi có triệu chứng nghi ngờ, cần đi khám tại các cơ sở chuyên khoa ký sinh trùng. Nếu phát hiện bệnh, cần điều trị triệt để, tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Triclabendazole là loại thuốc được ưu tiên lựa chọn vì có hiệu quả và ít tác dụng phụ. Nếu có viêm tắc đường mật, phải phối hợp kháng sinh và phẫu thuật. Các thuốc điều trị sán lá gan trước đây như emetin, dehydroemetin, chloroquin, albendazon, mebendazon... hiện nay không dùng nữa do hiệu quả kém và độc tính cao.

 

BS Hà Thái Sơn

Sức Khỏe & Đời Sống