1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ăn đũa, hôn hít, mớm cơm: HP lan tràn ra đấy!

(Dân trí) - Nhiều bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP sẽ chuyển sang viêm dạ dày mãn, loét dạ dày-tá tràng và một số bị ung thư hóa.

Ở các nước tiên tiến, tỷ lệ nhiễm HP chỉ khoảng 40-50%. Nhưng ở Việt Nam chúng ta, tỷ lệ này rất cao từ 55-75%, đặc biệt trẻ em cao đến 86-96%. Các nhà khoa học chỉ rõ ba nguyên nhân khiến đất nước chúng ta có tỷ lệ nhiễm HP cao là: thiếu vệ sinh thức ăn (thức ăn không sạch, không đun chín, uống sôi); lây nhiễm khi nội soi dạ dày, lấy cao răng với các dụng cụ chưa khử khuẩn kỹ; đặc biệt là lây nhiễm từ nước bọt qua dùng chung bát đũa, hôn hít, hay mớm cơm.

Ăn đũa, hôn hít, mớm cơm: HP lan tràn ra đấy! - 1

Tổng quan về vi khuẩn HP

* Nhận diện HP

Vi khuẩn HP, Helicobacter Pylori, là loại vi khuẩn duy nhất có thể sống trong môi trường acid của dịch vị dạ dày. Chúng tồn tại chủ yếu ở phần sâu của lớp nhày bao phủ niêm mạc dạ dày, tiết ra enzym urease gây độc cho tế bào niêm mạc. Ngoài ra, HP còn ngăn cản quá trình tổng hợp chất nhày, làm thay đổi chất lượng và sự phân bố chất nhày trên bề mặt niêm mạc dạ dày, khiến cho acid dạ dày tiếp xúc trực tiếp với thành dạ dày gây tổn thương và phá hủy thành dạ dày.

Vì thế, y học cho rằng, vi khuẩn HP là một nguyên nhân quan trọng gây loét dạ dày, hành tá tràng và là yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày.

Ăn đũa, hôn hít, mớm cơm: HP lan tràn ra đấy! - 2

* Bốn đường lây lan vi khuẩn HP

Có bốn con đường lây nhiễm vi khuẩn này, bao gồm: (1) Môi trường sinh sống bẩn, nhiễm khuẩn; (2) Ăn uống thiếu vệ sinh. Thức ăn không được đun sôi, nấu chín; (3) Lây nhiễm qua nội soi hoặc lấy cao răng với dụng cụ chưa được khử khuẩn; và (4) đặc biệt lây nhiễm qua nước bọt như dùng chung bát đũa, ly chén, hôn hít, mớm cơm.

* Làm sao phát hiện bị nhiễm HP

Hầu hết người nhiễm HP thường không có dấu hiệu rõ ràng. Chỉ khi HP gây bệnh mới triệu chứng tiêu hóa như Khó chịu vùng bụng hoặc đau ở phần thượng vị, Đầy hơi, ợ hơi, Buồn nôn và nôn, Nặng hơn có thể nôn ra máu, cầu phân đen.

Ăn đũa, hôn hít, mớm cơm: HP lan tràn ra đấy! - 3

Tại các cơ sở y tế, nhiễm vi khuẩn HP có thể chẩn đoán chính xác nhờ vào: (1) Xét nghiệm bằng hơi thở: uống dung dịch có chứa các phân tử carbon đánh dấu. Nếu nhiễm HP, các phân tử carbon đánh dấu sẽ bị vi khuẩn này chuyển hóa trong dạ dày và thải ra qua hơi thở; (2)Xét nghiệm máu tìm kháng thể kháng HP; (3)Tìm HP trong phân; và (4)Tìm HP trong mẫu sinh thiết khi nội soi dạ dày.

* Điều trị kháng sinh diệt HP

Theo Hội Tiêu hóa Việt Nam, việc điều trị kháng sinh diệt vi khuẩn HP được chỉ định trong các trường hợp sau: Loét dạ dày tá tràng có HP dương tính; Viêm dạ dày HP dương tính; Gia đình có người bị ung thư dạ dày, loét dạ dày tá tràng; Viêm teo dạ dày mạn tính; Sau phẫu thuật ung thư dạ dày.

Vi khuẩn HP, rất dễ kháng kháng sinh, cho nên chỉ điều trị kháng sinh khi đã có chẩn đoán HP dương tính, và cần phải phối hợp 2 hay nhiều loại thuốc kháng sinh, đúng liều lượng, đủ liệu trình và phải theo dõi quá trình diệt trừ HP bằng các phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng chuẩn xác.

Các loại kháng sinh thường được sử dụng phối hợp là Amoxicillin, Clarithromycin, Metronidazole, Tinidazole hay Bismuth.. 

Ba phần tư người Việt bị nhiễm HP !

Theo các tài liệu của WHO, và ngành y tế các nước, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP trên thế giới vào khoảng 40-50%, trong đó, tỷ lệ của Mỹ là 45% và Anh là 47%.

Ăn đũa, hôn hít, mớm cơm: HP lan tràn ra đấy! - 4

Tại Hội nghị khoa học Tiêu hóa Gan mật lần thứ 5 do Bệnh viện Bạch Mai phối hợp Đại học Nagoya, Nhật Bản tổ chức, ba thông tin y học gây chấn động ngành y tế Việt Nam: (1) Hơn 70% dân số nước ta nhiễm vi khuẩn HP. Đặc biệt, trong khi tỷ lệ trẻ em thế giới nhiễm HP chỉ khoảng 20% thì tỷ lệ nhiễm HP của trẻ em Việt Nam rất cao từ 86-96%, (2) Tỷ lệ người viêm dạ dày có sự hiện diện của vi khuẩn HP ở Hà Nội là 70% và TP HCM là 90%, và (3) Tỷ lệ vi khuẩn HP kháng kháng sinh tương đối cao đã đặt ra nhiều thách thức trong quá trình điều trị.

Đôi điều bàn luận

Trong bốn đường lây nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori: Môi trường sinh sống, Ăn uống thiếu vệ sinh, Lây nhiễm qua nội soi hoặc cạo lấy cao răng với dụng cụ chưa được khử khuẩn, Lây nhiễm qua nước bọt như dùng chung bát đũa, ly chén, hôn hít, mớm cơm, thì lây truyền qua nước bọt là quan trọng và phổ biến nhất ở Việt Nam.

Vì chúng ta đều “ăn cùng mâm, gắp cùng đĩa”, nên tỷ lệ nhiễm HP cao gấp rưỡi thế giới (70% so với 45%). Cũng vì dùng đũa để chia, gắp thức ăn, cũng như hôn hít, thậm chí là mem mớm cơm cho con cháu, tỷ lệ trẻ em Việt Nam chúng ta nhiễm HP cao gấp 4 lần thế giới (86-96 % so với 20%). Tổ chức Y tế Thế giới, WHO, cũng chỉ ra rằng ở các nước đang phát triển, dùng đũa, vệ sinh môi trường kém thì hầu hết trẻ em (90%) bị nhiễm viêm gan siêu vi A trước 10 tuổi.

Do đó, muốn ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn HP, và giảm nguy cơ ung thư dạ dày, đồng nghĩa với việc cải tạo vệ sinh môi trường và vệ sinh ăn uống. Đặc biệt, phải ngăn chặn sự lây lan HP qua nước bọt: không hôn hít, mem cơm cho trẻ, dùng “đũa hai đầu”, đũa riêng biệt hay dùng bộ đồ ăn riêng kiểu “tiệc đứng”…..

Ăn đũa, hôn hít, mớm cơm: HP lan tràn ra đấy! - 5

Theo nguyên tắc của Hội Tiêu hóa Việt Nam, người viêm dạ dày, loét tá tràng nếu có nhiễm HP (test HP dương tính) cần phải được điều trị kháng sinh diệt khuẩn “tới nơi tới chốn” tránh vi khuẩn nhờ kháng thuốc sau này.

Riêng với trẻ em, đặc biệt với trẻ nhũ nhi, nhiễm HP do mẹ mớm cơm nhai, nhưng chưa có triệu chứng lâm sàng gì, PGS.TS. Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật khuyên chưa điều trị vì rằng, trong môi trường dạ dày axit cao của trẻ còn bú sữa vi khuẩn HP sẽ chết. Trẻ "nhiễm HP" chưa hẳn là bị "viêm dạ dày do HP", và không "điều trị dự phòng" như vài bậc phụ huynh lầm tưởng.

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam