1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ám ảnh về những hài nhi bị vứt bỏ ở bãi rác Nam Sơn

Hàng trăm tấn rác thải được chở về bãi rác Nam Sơn mỗi ngày. Trong đó có cả xác của những đứa trẻ xấu số bị ruồng rẫy cũng vô tình bị đổ vào đây không thương tiếc.

 

Đằng sau hai nấm mồ là những núi rác phủ bạt xanh cao chất ngất ở bãi rác Nam Sơn.

Đằng sau hai nấm mồ là những núi rác phủ bạt xanh cao chất ngất ở bãi rác Nam Sơn.

 

Không hổ danh là nơi tập kết và xử lý rác thải lớn nhất Hà Nội, bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn - Hà Nội) rộng mênh mông hơn tám chục hécta với 9 ô chứa rác tiêu chuẩn. Dọc đoạn đường từ cầu Thăng Long đến Nam Sơn, xe chở rác màu xanh, lù lù nối đuôi nhau như đoàn bọ hung đi đánh trận. Hàng trăm tấn rác thải được chở về bãi rác Nam Sơn mỗi ngày. Trong đó có cả xác của những đứa trẻ xấu số bị ruồng rẫy cũng vô tình bị đổ vào đây không thương tiếc.

 

Những năm qua, những người nhặt rác ở Nam Sơn đã nhặt được không ít xác hài nhi vô tội giữa rác rưởi ngập ngụa. Và họ đã vô tình xới lên một nỗi đau lớn của xã hội hiện tại - nỗi đau khi có những con người đối xử dã man với cốt nhục, máu mủ của chính mình.

 

“Nhặt được xác hài nhi ở đây là chuyện bình thường mà”

 

Trò chuyện với những người làm việc trực tiếp trong bãi rác Nam Sơn, chúng tôi không khỏi bàng hoàng trước một thực tế đáng sợ: “Việc nhặt được xác trẻ sơ sinh ở đây là chuyện bình thường. Nói chung là có năm cũng nhặt được tương đối. Thậm chí có một tháng nhặt được 3, 4 bé luôn chứ. Nếu mà chỉ có vài trường hợp thì lại là ít. Mỗi lần nhặt được, dân họ hoảng sợ, người vứt cào cuống cuồng bỏ chạy, người tái xanh mặt mũi, lẳng lặng bỏ về. Có người lảng đi tránh phiền phức, có người chạy lại xem, có người thương xót nhặt xác hài nhi ấy lên, lau chùi sạch sẽ rồi gói ghém cẩn thận, đem chôn cất…” - đó là những lời chua xót của anh Tình, một nhân viên Tổ bảo vệ bãi rác Nam Sơn.

 

Làm công việc bảo vệ đã ngót nghét chục năm, anh đã chứng kiến không ít những vụ người nhặt rác bới được xác hài nhi trong núi rác khổng lồ. Anh bảo: “Nhiều bé lớn rồi, đầy đủ chân tay rồi, thế thì dân người ta mới sợ chứ. Nếu mà chưa đầy đủ chân tay mặt mũi thì người ta lại chả biết đấy là cái gì. Nhặt được xác hài nhi ở đây là chuyện bình thường mà. Ở đây có quá nhiều luôn. Đến mình còn sợ nữa là những người tận tay bới được”.

 

Tiếp xúc trực tiếp với chúng tôi tại bãi rác, ông Trịnh Văn Hằng - một lãnh đạo tổ bảo vệ bãi rác Nam Sơn cho biết: “Dân trong vùng đi làm đông lắm. Người ta bới thấy xác những đứa trẻ thì tự người ta đi chôn cất thôi. Trước kia, chúng tôi cũng có chôn cất cho các cháu thành một khu riêng, nhưng sau này nhiều mộ quá, thất thoát đi thì cũng không biết mộ cháu nào với cháu nào nữa. Những năm trước, những người nhặt được họ báo tổ bảo vệ thì chúng tôi tổ chức chôn cất. Giờ thì họ cũng tự mang đi chôn cất. Có người mang ra nghĩa địa của khu dân cư để chôn”.

 

Mỗi đêm, “đoàn quân” hàng trăm người dân các xã lân cận tập kết ở bãi rác Nam Sơn để “hành nghề” nhặt rác - cái nghề đã nuôi sống, thậm chí “đổi đời” cho họ.

 

Thời gian làm việc của họ kéo dài từ nửa đêm đến tận lúc bình minh, họ nườm nượp kéo vào bãi rác đông như quân trong phim Tam Quốc. Công cụ kiếm ăn của họ cũng chẳng khác nào đánh trận với cào, móc đủ loại, với xe lôi và mỗi người một chiếc đèn pin trên đầu.

 

Trong đêm tối mịt mùng dằng dặc, họ đào bới xới lộn những núi rác chất ngất từ thủ đô, kiếm tìm nylon, ống bơ, nhựa, sắt vụn để khi bình minh thức dậy, họ sẽ mang đi bán cho các ông chủ đầu mối kiếm tiền nuôi sống cả gia đình.

 

Có những thứ mà những người nhặt rác “kiêng kị”, không bao giờ muốn bới thấy, bởi họ không thể mang đi bán được, không thể tận dụng được mà thậm chí, khi bới được, họ chỉ biết ú ớ kinh hãi, mặt cắt không còn hột máu rồi ám ảnh họ suốt nhiều năm tháng. Đó là xác những đứa trẻ sơ sinh bị ruồng bỏ, bị xe chở rác vô tình trút lẫn cả vào bãi rác này. Đau đớn thay, những đứa trẻ bị vứt bỏ vẫn liên tiếp được tìm thấy ở bãi rác Nam Sơn.

 

Anh Phí Trường Giang - nhân viên Tổ bảo vệ bãi rác Nam Sơn - kể lại một trường hợp hài nhi bị ruồng bỏ hết sức thương tâm. Cách đây khoảng 3 tháng, chính tay anh đã chôn cất cho đứa bé khi người dân bới được từ bãi rác rồi để lại.

 

Hôm ấy, khoảng 6h30, đã hết giờ cho dân vào nhặt rác, anh Giang cùng Tổ bảo vệ ra bãi “đuổi” dân. Lên đến bãi, có mấy người bảo rằng người xã bên nhặt được một hài nhi. Họ chỉ lau chùi, gói ghém cho bé cẩn thận rồi để ở một góc nhưng chưa được chôn cất. Mới đầu, anh Giang hết sức sợ hãi, đưa mắt lần tìm xung quanh, một hồi lâu anh mới thấy có một cái bọc chăn được gói gọn gàng, để giữa đống rác vừa bị đào xới. Anh run rẩy đưa hai tay bưng thi hài của đứa bé lên rồi đi khắp bãi tìm chỗ chôn cất cho bé.

 

Anh chua xót kể lại: “Đó là một bé trai rất đẹp, khoảng 4 cân, được sinh ra rồi nhưng không biết vì lý do gì mà bố mẹ nó vứt nó đi. Lúc họ bới được nó, người nó trần ra, không mặc một cái gì. Tôi cùng với 3 anh em nữa đào huyệt rồi chôn cất cháu bé, hương khói đầy đủ. Tuy không có quan tài nhưng huyệt cũng được đào đủ sâu để đảm bảo cho bé an toàn, không bị chó mèo cắp đi mất. Tôi chỉ nhớ nhất là hôm ấy, hai tay tôi bưng cháu đi từ bãi xuống, đường khá xa. Tôi vừa đi vừa xót thương cho nó. Cảm giác đường xa quá, đi mãi mà không đến nơi”.

 

Anh Giang đưa tôi đi tìm ngôi mộ hài nhi bé bỏng ấy để thắp một nén hương. Ngôi mộ nằm trên một gò cao, xung quanh cây dại, cỏ lau rậm rạp, muốn nhìn thấy ngôi mộ phải trèo lên đỉnh gò như leo núi. Ngôi mộ bé xíu, đắp đất thâm thấp, nếu không phải đất mới đào lên cỏ chưa kịp mọc và có những chân nhang đỏ úa thì không thể phân biệt ngôi mộ với vùng đất khác.

 

Vừa vun vén cho nấm mồ hài nhi, anh Giang vừa trầm ngâm nhớ lại: “Cách đây khoảng 2, 3 năm thì người ta nhặt được nhiều lắm. Bây giờ thì thỉnh thoảng mới nhặt được. Thực ra hầu hết anh em trong tổ bảo vệ này, người nào cũng đã từng một lần mang xác các hài nhi đi chôn cất rồi”.

 

Bỗng nhiên, anh Giang giật mình nhìn sang bên cạnh. Lại có một nấm mồ mới, đất đào lên còn chưa khô, chân nhang còn chưa cháy hết. Một phút bàng hoàng, anh Giang cố nhớ lại xem mình có bỏ sót trường hợp nào gần đây không mà lại tuyệt nhiên không có chút thông tin nào về nấm mồ này cả. Anh lắc đầu phân bua: “Mỗi đêm có hàng trăm người dân vào bãi làm việc. Họ bới được xác đứa trẻ rồi lẳng lặng đem đi chôn cất. Chẳng có mấy người biết được đâu. Hôm đó chắc tôi không trực nên không nắm được”.

 

Nấm mồ mới xuất hiện trong đêm Noel

 

Trước kia, tình trạng nhặt được xác hài nhi ở bãi rác Nam Sơn nhiều đến nỗi có hẳn một khu riêng để chôn cất cho những đứa trẻ xấu số. Nhưng gần đây, khu nghĩa địa nhỏ ấy đã bị di dời đi khi người ta phải thi công đường trúng vào địa điểm đó.

 

Một nhân viên của Tổ bảo vệ bãi rác Nam Sơn xác nhận: “Những ngôi mộ cũ thì nhiều lắm nhưng chúng tôi không biết là ở đâu nữa, vì đợt vừa rồi bên cơ sở khác họ vào đây làm đường thì tất cả những cái mộ đấy đã được xí nghiệp di dời ra chỗ khác. Chắc chắn là đã được di dời ra chỗ nào đó bên ngoài bãi rác. Có nhiều ngôi mộ chỉ còn là nắm đất thôi. Xác người lớn 2 năm mà cũng chỉ còn nắm xương thì các em bé 1, 2 năm sau thì cũng tan hết rồi”.

 

Trong khi những nấm mồ hài nhi cũ chưa rõ tăm tích thì những nấm mồ mới cứ tiếp tục mọc lên trong bãi rác Nam Sơn. Chúng tôi lại cất công đi tìm những người biết rõ sự xuất hiện của nấm mồ mới, nhưng thực tế rất nhiều nhân viên ở bãi rác Nam Sơn đều không biết chuyện này. Thế rồi, câu chuyện của chúng tôi vô tình được một người nhặt rác tiếp nối.

 

Vào đêm Noel 24/12/2013, trời lạnh thấu xương nhưng những người nhặt rác vẫn không ngừng nghỉ công việc của mình. Từng đoàn người vẫn tiến vào kiếm ăn trong bãi rác, mỗi người được chia một thửa rác nho nhỏ, của ai người đó làm rất chỉn chu, không tranh giành, đấu đá lẫn nhau.

 

Bỗng nhiên, họ thấy có một bà lẳng lặng vội vã bỏ đi, khuôn mặt thất thần sợ hãi, bỏ cả khoảnh rác của mình và quên cả đám nylon vừa bới được. Biết có chuyện chẳng lành, mấy người nhặt rác lại thì thầm to nhỏ với nhau. Cô Phương là người nhặt rác lâu năm ở bãi rác Nam Sơn, cũng là người chứng kiến toàn bộ câu chuyện kể: “Đêm nào tôi cũng đi làm. Hôm ấy, một bà làm bên cạnh tôi bới cào vào thì thấy xác đứa trẻ.

 

Đứa bé nặng phải hơn 3 cân. Con gái. Trắng trẻo, xinh đẹp lắm. Tôi xin phép nói thật là họ sinh nó ra, nhẫn tâm bỏ nó mà để nó trần truồng, không có một mảnh vải đắp thân. Khổ sở vô cùng. Sau khi người bới được đứa bé sợ quá bỏ đi thì có một anh nhặt đứa trẻ lên. Anh ta nhặt lấy mấy cái áo sạch, một cái chiếu còn lành, lau chùi sạch sẽ rồi gói ghém đứa trẻ vào. Sau đó, anh mang ra để ở chân cột điện, đến sáng ra thì mang đi chôn”.

 

Anh thanh niên ấy gói đứa trẻ vào những áo quần cũ trong khi những người nhặt rác vẫn cặm cụi làm việc. Bé gái trắng trẻo xinh đẹp ấy đã khiến cho những người nhặt rác không cầm nổi nước mắt. Trong số họ còn có những người không may mắn có được một mụn con. Họ nhìn đứa trẻ, thương xót và tiếc nuối: Giá như, cháu còn sống, ta sẽ mang cháu về nuôi, ta sẽ chăm bẵm cho cháu như con đẻ của ta…

 

Nước mắt họ tuôn rơi, thấm vào chiếc khẩu trang cũ mốc, mặn mặn. Anh thanh niên vừa gói ghém cho thi hài em bé, vừa than thở như dặn dò đứa trẻ: “Không cần biết bố mẹ cháu đã đối xử với cháu như thế nào, chú đã nhìn thấy cháu đã ở đây thì cho phép chú được gói cháu vào rồi đến khi trời gần sáng, chú sẽ đi chôn cháu. Cháu hãy ngoan và sớm đầu thai làm người nhé”.

 

Vừa kể chuyện, cô Phương vừa khóc khiến chúng tôi không khỏi xúc động: “Dù sao cháu nó cũng là một thân thể người, cha mẹ nó đã như thế thì phải chịu vậy, chúng tôi chỉ biết lấy quần áo sạch sẽ gói lại rồi hương khói hẳn hoi. Ôi giời ơi. Việc mai táng một con người có phải đơn giản đâu. Chúng tôi nghèo, không có tiền, chỉ bỏ chút ít công sức ra để chôn các cháu thôi”.

 

Trời tảng sáng, thi hài của bé gái xấu số được anh thanh niên mang đến chôn cất ở gò đất, nơi có một nấm mồ bé trai vẫn thường được những người ở bãi rác Nam Sơn hương khói. Những em bé được người dân bới rác tìm được trong đống rác nát của bãi rác Nam Sơn được bao bọc bằng những mảnh quần áo cũ, những cái chiếu cũ rồi đem chôn cất. Họ đào hố sâu, đặt các em bé vào lòng đất mẹ rồi vùi kín, đắp mộ cao, hương khói nghi ngút.

 

Chua xót thay, những nén hương nghi ngút trên nấm mồ bé xíu của các em cũng là những thẻ hương phế thải, được những người bới rác tìm ra giữa bãi rác Nam Sơn mênh mông. Một nhân viên của tổ bảo vệ tâm sự: “Người dân họ nhặt được, có người họ đem chôn, có người họ để lại thì tổ chúng tôi lại cắt cử người đi chôn cất. Chúng tôi rất mong muốn là có một khu nghĩa địa nhỏ dành riêng cho các em. Chứ cứ để nấm mồ của các em bơ vơ ở trong bãi thế này, rồi nhỡ có ngày sẽ bị rác lấp đi mất thì vĩnh viễn mất mộ thôi…”.

 

Khi đã tìm ra câu chuyện về nấm mồ mới xuất hiện ngay trong đêm Noel 2013, chúng tôi mới giật mình nhớ ra rằng những nấm mồ cũ, mới của các hài nhi bị chối bỏ kia chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” mà thôi. Bởi hầu hết người nhặt rác đều muốn giấu kín chuyện gặp xác hài nhi khiến chúng tôi phải cải trang, đóng giả hết thành phần này đến thành phần khác mới tiếp cận được.

 

Cho dù, ở bãi rác Nam Sơn, cũng đã từng có những người dân đến gặp tổ bảo vệ xin lại xác hài nhi mình nhặt được mang về nghĩa địa của làng chôn cất, vì họ nghĩ đó cũng là cái duyên với đứa bé. Nhưng họ cũng không bao giờ muốn nhắc lại câu chuyện kinh hãi đã một hoặc hai lần xảy đến trong đời mình nữa. Đó cũng là điều dễ lý giải, khi mà trong đêm tối đen kịt, ánh đèn mờ mờ lấp loáng, cái cào của họ mắc phải một thân thể người bé xíu còn nguyên cuống rốn, đầy đủ mặt mũi chân tay, không một mảnh vải đắp thân. Điều đó trở thành nỗi ám ảnh trong đời họ.

 

Theo Thành Sơn

Lao động