Acid folic với phụ nữ mang thai

(Dân trí) - Thai phụ bị thiếu hụt acid folic có nguy cơ: thiếu máu hồng cầu; sẩy thai cao; sinh non; sinh con nhẹ cân, hay có thể gây nên khuyết tật ống thần kinh của thai nhi.

Với phụ nữ mang thai, lúc nào thì cần đảm bảo đủ acid folic?

 

Acid folic (còn gọi là folat) ngoài việc tham gia cấu tạo hồng cầu còn giúp cho quá trình phân chia tế bào diễn ra bình thường. Nhu cầu acid folic với người trưởng thành là 180 – 200mcg/ngày. Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu về acid folic tăng lên rõ rệt, cần 400mcg folat/ ngày.

 

Khẩu phần ăn của người mẹ nếu thiếu folat sẽ ảnh hưởng đến quá trình tạo máu và phát triển thai nhi (trẻ sơ sinh nhẹ cân, dị tật ống thần kinh, dẫn đến nhiều bệnh lý như bại liệt, não úng thủy, thai chết lưu....). Điều quan trọng là phải bổ sung đủ acid folic trước khi thụ thai, đặc biệt, trong thời điểm thụ thai càng phải đảm bảo đủ acid folic.

 

Tất cả phụ nữ dự định mang thai phải bắt đầu bổ sung đủ acid folic 3 tháng trước thời điểm có thai. Trong khẩu phần ăn hàng ngày phải luôn đảm bảo đủ 400mcg acid folic.

 

Những phụ nữ nào dễ bị ảnh hưởng của việc thiếu acid folic?

 

Mọi phụ nữ đều có những nguy cơ kể trên khi thiếu acid folic dù sức khoẻ của thai phụ rất tốt. Tuy nhiên, có một số trường hợp bắt buộc phải theo chế độ bổ sung acid folic chặt chẽ. Đó là những thai phụ có tình trạng dinh dưỡng kém, sụt cân, ăn ít, khẩu phần ăn không cân đối, nghèo vi chất dinh dưỡng; có giai đoạn không ăn được do mệt mỏi, lo lắng, chán ăn; mới sẩy thai hay thai chết lưu; làm việc vất vả hoặc căng thẳng thần kinh trầm trọng; nghiện rượu, thuốc lá...

 

Làm thế nào để đảm bảo đủ lượng acid folic?

 

Không chỉ phụ nữ mang thai mà tất cả mọi người nên nạp đủ acid folic bằng chế độ ăn với các thực phẩm giàu folat. Nguồn thực phẩm chứa folat rất đa dạng: Các loại rau có màu xanh thẫm, hoa lơ xanh, nước cam ép, gan động vật (bò, gà, lợn), các hạt nảy mầm (mầm lúa mì, mầm lúa, giá đỗ...).

 

Trong thực phẩm, folat dễ bị phân hủy bởi nhiệt độ và ánh sáng mặt trời, do vậy trong quá trình chế biến, tỷ lệ folat bị mất khá cao, từ 50-90%. Nếu thức ăn để lâu ngoài ánh sáng, lượng folat sẽ bị hao hụt đáng kể. Để đảm bảo có đủ folat trong khẩu phần ăn, thai phụ cần ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm, tăng cường ăn rau quả tươi. Thực phẩm mua về cần chế biến ngay và ăn ngay sau khi nấu.

 

Bên cạnh chế độ ăn uống, để phòng chống thiếu máu dinh dưỡng, hàng ngày thai phụ cần uống bổ sung thêm viên sắt/folat (loại viên chứa 60 mg sắt nguyên tố và 0,4 mg acid folic) ngay từ lúc bắt đầu có thai đến sau khi sinh 1 tháng.

 

Cũng có thể chọn lựa các loại thực phẩm có bổ sung folat dùng cho phụ nữ dự định mang thai, mang thai và cho con bú để đảm bảo 400mcg/ngày, kết hợp với các khoáng chất, vitamin khác để sinh ra những đứa con khoẻ mạnh, thông minh.

 

(Trao đổi với TS. BS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia).

 

Kiều Nga - Hồng Hải