1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

95% trẻ em được tiêm sởi – rubella

(Dân trí) - Ngày 27/7 Cục Y tế dự phòng cho biết đã chính thức tổng kết chiến dịch tiêm sởi - rubella cho toàn bộ trẻ em từ 1 đến 14 tuổi trên toàn quốc. Theo đó, đã đạt 95% trẻ em trong đối tượng tiêm chủng được chủng ngừa vắc xin này.

 

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, con số thống kê này được tính đến quy toàn quốc. Theo đó, 100% số huyện đều đạt tỷ lệ tiêm vắc xin sởi-rubella trên 95%. Trên qui mô xã/phường có 11.150 xã/ 11.173 xã đạt tỷ lệ >95%, chỉ còn lại 23 xã thuộc 4 tỉnh Bình Phước, Cao Bằng, Lai Châu, Đắc Lắc đạt tỷ lệ tiêm chủng chiến dịch từ 90 -95%. Hiện các tỉnh đang chỉ đạo tiếp tục tiêm vét phấn đấu đạt 100% số xã đạt tỷ lệ tiêm trên 95%

Công tác tổ chức, bố trí điểm tiêm chủng hợp lý, không quá đông được tất cả các địa phương chú trọng. Kết quả giám sát, kiểm tra cho thấy các điểm tiêm chủng đều thực hiện đúng qui trình chuyên môn kỹ thuật.

Ghi nhận 15.866 trường hợp phản ứng nhẹ thông thường được báo cáo (sốt, đau tại chỗ tiêm, nhức đầu….) chiếm 0,08%, thấp hơn so với thông báo của nhà sản xuất.

Số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng được ghi nhận là 8 trường hợp và đã được Hội đồng chuyên môn điều tra, đánh giá nguyên nhân. Thống kê cho thấy 8 trường hợp phản ứng sau tiêm trên gần 20 triệu trẻ em là một con số rất nhỏ. Trong đó có 3 trường hợp liên quan đến phản ứng của vắc xin gồm 1 trường hợp sốt cao co giật, 2 trường hợp sốc phản vệ sau tiêm vắc xin. Cả 3 trường hợp trên đều được xử trí kịp thời và hồi phục.

Chất lượng vắc xin tại các điểm tiêm chủng được bảo đảm. Kết quả kiểm tra của các đoàn giám sát cho thấy tại các bàn tiêm chủng vắc xin được bảo quản lạnh đúng qui định. Phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm định quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế đã kiểm tra lấy mẫu vắc xin tại điểm tiêm chủng trong thời gian diễn ra chiến dịch, kết quả 100% số mẫu được kiểm tra đều đạt an toàn.

Nhờ những thành công đạt được, Việt Nam đã thanh toán các căn bệnh khác như: bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi,… đã giảm hàng trăm lần so với trước khi triển khai chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Đặc biệt trong năm 2015, Việt Nam trở thành 1 trong 39 quốc gia trên thế giới được công nhận “Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin” theo tiêu chuẩn quốc tế. Với năng lực của mình, Việt Nam sẽ là một quốc gia sản xuất vắc xin số lượng lớn cung cấp cho nhu cầu trong nước và thế giới.

Tú Anh