1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM:

95% nguồn nguyên liệu dược là hàng nhập lậu

(Dân trí) - “95% nguồn nguyên liệu dược đang lưu thông trên thị trường TPHCM là hàng nhập lậu”, phát biểu của Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã làm giật mình các đại biểu tham dự buổi giao ban giữa Bộ Y tế cùng 11 tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Thứ  trưởng yêu cầu TPHCM phải quản lý giá thuốc trên địa bàn sao cho hợp lý, ngăn ngừa thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc nhập lậu. Đặc biệt, quan tâm kiểm soát nguồn nguyên liệu sản xuất dược phẩm.

 

Ngoài ra, Thứ trưởng Cao Minh Quang yêu cầu UBND tỉnh thành quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo cũng như giải quyết những khó khăn vướng mắc về y tế trong địa phương của mình, trong đó có 4 vấn đề nổi cộm như sau:

 

Đối với vấn đề Phòng chống dịch bệnh, phải giải quyết triệt để các nguồn gốc lây bệnh, không để xảy ra tử vong. Thực hiện những vấn đề vệ sinh căn bản như có đủ nước sạch, nhà tắm, cầu xí… nhất là đối với các vùng nông thôn, vùng xa, hầu có thể tiến đến xóa những lối sống có hại cho sức khỏe cộng đồng.

 

Để có đủ nguồn nhân lực trong giai đoạn tới, UBND các tỉnh thành cần bố trí đủ người để đưa đi đào tạo theo chế độ cử tuyển, đào tạo liên thông, đào tạo liên tục cho nhân lực chuyên ngành y - dược. Ngoài ra, tương lai việc 2 khối y tế tư và công sẽ định hình rõ ràng, để có thể giữ chân được chất xám, địa phương cũng xây dựng chính sách ưu đãi đối với các cán bộ y tế. 

 

Theo ông Quang, TPHCM là thị trường dược phẩm lớn nhất có ảnh hưởng rất lớn thị trường cả nước, tuy nhiên cũng là thị trường phức tạp nhất. Ông chỉ đạo TP phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy chế chuyên môn dược như quản lý hành nghề, chất lượng thuốc, giá thuốc, nguồn gốc thuốc. Ông Quang cũng cho biết từ nay đến năm 2010, sẽ có trên 39.000 nhà thuốc sẽ được sắp xếp lại.

 

Trong vấn đề VSATTP, yêu cầu các địa phương phải tiến hành việc thành lập các Chi cục VSATTP, tăng cường hơn nữa việc kiểm tra VSATTP, nhất là đối với các khu công nghiệp(KCN), khu chế xuất (KCX), phải kiểm soát được tình trạng ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý.

 

Được biết, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2008 đã xảy ra 171 vụ ngộ độc thực phẩm, với 5.948 người mắc, trong đó có 54 người tử vong. Thực tế cho thấy, các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các bếp ăn tập thể ở các KCN, KCX vẫn còn khá phổ biến với 26/171 vụ trong 9 tháng đầu năm 2008.

 

Đối với công tác Thanh kiểm tra, ông Quang yêu cầu 3 bộ Công Thương, Y tế và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn phải thống nhất việc quản lý  4 nhóm mặt hàng Thuốc, Dược liệu, Mỹ phẩm và 10 nhóm thực phẩm có nguy cơ cao. Theo ông Quang, tất cả hàng hóa thuộc 4 nhóm mặt hàng trên nếu không có nguồn gốc rõ ràng đều sẽ bị đình chỉ lưu hành trên thị trường.

 

Ngọc Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm