80.000 ca ung thư ở Hoa Kỳ liên quan đến ăn uống

Thói quen ăn uống không lành mạnh từ lâu đã được công nhận có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh ung thư. Trong hai thập kỷ qua, Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới (WCRF) và Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ (AICR) đã ban hành các hướng dẫn phòng chống ung thư để quản lý cân nặng, chế độ ăn uống và hoạt động thể chất. Ngoài ra, một số lượng ngày càng tăng các nghiên cứu đã xác nhận mối liên hệ giữa lối sốngvà các loại ung thư.

80.000 ca ung thư ở Hoa Kỳ liên quan đến ăn uống

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai ở Hoa Kỳ, chiếm 1/4 các trường hợp tử vong. Theo thống kê tại Hoa Kỳ năm 2018, ước tính 1,7 triệu người mới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và 0,6 triệu người chết vì ung thư. Gánh nặng kinh tế liên quan tới bệnh ung thư vượt quá 80 tỷ đô la hàng năm ngân sách quốc gia chỉ tính riêng chi phí y tế ở Hoa Kỳ. Với sự già hóa dân số, chi phí chăm sóc sức khỏe leo thang và tăng tỷ lệ các yếu tố rủi ro, chẳng hạn như bệnh béo phì, gánh nặng ung thư ở quốc gia này được dự báo sẽ còn tăng thêm.

80.000 ca ung thư ở Hoa Kỳ liên quan đến ăn uống - 1

Trong bối cảnh tỷ lệ mắc ung thư ở Hoa Kỳ gia tăng,dữ liệu chế độ ăn uống được cập nhật gần đây và những bằng chứng mới về nguy cơ dinh dưỡng và ung thư, rất cần những đánh giá lớn về gánh nặng ung thư liên quan đến các yếu tố khác nhau của chế độ ăn uống. Một ví dụ điển hình: béo phì đã được công nhận là một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với 13 bệnh ung thư. Song gánh nặng ung thư liên quan đến chế độ ăn uống qua trung gian béo phì vẫn chưa được định lượng chính thức. Ngoài ra, sự chênh lệch về gánh nặng ung thư liên quan đến chế độ ăn uống, chẳng hạn như theo độ tuổi, giới tính và chủng tộc/sắc tộc cũng chưa được thiết lập tốt.

Để giải quyết những câu hỏi này, một nghiên cứu rất lớn mới được công bố trực tuyến trên tạp chí JNCI – Cancer spectrumnăm 2019 dựa trên dữ liệu ung thư quốc gia Hoa Kỳ năm 2016, 2015 và những năm trước đó. Nghiên cứu đã giúp ước tính gánh nặng ung thư liên quan đến yếu tố của chế độ ăn uống (độc lập và kết hợp), ở người trưởng thành ở Hoa Kỳ cho 15 loại bệnh ung thư. Nghiên cứu cũng giúp đánh giá độc lập gánh nặng ung thư liên quan trực tiếp tới chế độ ăn uống không lành mạnh và gánh nặng ung thư liên quan đến trung gian béo phì.

Nghiên cứu cho biết: có đến 80.000 trường hợp ung thư mới được báo cáo trong năm 2015 có thể liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Trong số đó, chiếm tỷ lệ cao nhất là ung thư đại trực tràng với 38,3% trong số tất cả các trường hợp liên quan đến chế độ ăn dưới mức tối ưu. Tiếp theo là ung thư miệng, hầu họng và thanh quản, với gần 26% trường hợp liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh.

PGS.TS.Fang Fang Zhang,Trường Chính sách và Khoa học Dinh dưỡng Friedman tại đại học Tufts, Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ - tác giả chính nghiên cứu cho biết: "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi hỗ trợ thêm bằng chứng ngày càng mạnh mẽ, bằng cách ước tính gánh nặng ung thư liên quan đến chế độ ăn dưới mức tối ưu ở cấp quốc gia".

Bà cũng lưu ý rằng những kết quả này củng cố tầm quan trọng của việc giải quyết chế độ ăn uống không lành mạnh ở cấp độ dân số quốc gia và đánh giá hiệu quả chi phí của các chính sách dinh dưỡng mở rộng trong việc giảm gánh nặng ung thư và sự chênh lệch ở Hoa Kỳ.

Gánh nặng unh thư có thể liên quan trực tiếp đến chế độ ăn không lành mạnh

Trong nghiên cứu này, PGS. TS.Fang Fang Zhang và các đồng nghiệp đã ước tính riêng gánh nặng ung thư có thể liên quan trực tiếp từ chế độ ăn uống không lành mạnh, và cũng ước tính mối liên hệ giữa gánh nặng ung thư này đến tuổi tác, giới tính và chủng tộc/sắc tộc.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Ước tính có khoảng 80.110 trường hợp ung thư mới mắc ở Hoa Kỳ được báo cáo trong năm 2015 có liên quan đến lượng tiêu thụ dưới mức tối ưu của 7 yếu tố chế độ ăn uống, bao gồm ăn ít rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt; và ăn nhiều thịt chế biến, thịt đỏ, tổng sản phẩm từ sữa và nước giải khát có đường (sugar sweetened beverages). Đây là nguyên nhân có liên quan tới 5,2% của tất cả các ca ung thư xâm lấn được báo cáo trong năm đó ở người trưởng thành từ 20 tuổi trở lên.

Trong các yếu tố của chế độ ăn uống, ăn ít ngũ cốc nguyên hạt có liên quan đến số lượng và tỷ lệ lớn nhất của các trường hợp ung thư mới mắc, tiếp theo là ăn ít các sản phẩm sữa, ăn nhiều thịt chế biến, ăn ít rau và trái cây, ăn nhiều thịt đỏ và uống nhiều nước giải khát có đường.

Trong tổng số các trường hợp ung thư do chế độ ăn uống không lành mạnh, 67.488 trường hợp được đánh giá là có mối liên hệ trực tiếp với chế độ ăn dưới mức tối ưu và 12,589 trường hợp được đánh giá có mối liên hệ thông qua trung gian béo phì.

Nhìn chung, ba yếu tố trong chế độ ăn uống được đánh giá là có liên quan trực tiếp hàng đầu tới nguy cơ ung là không ăn đủ lượng ngũ cốc, không đủ các sản phẩm từ sữa và lượng thịt chế biến quá mức. Tiêu thụ lượng trái cây thấp và sử dụng nhiều nước giải khát có nhiều đường là hai yếu tố chính được cho là liên quan đến trung gian chỉ số khối cơ thể.

Biến bằng chứng thành hành động

TS.Nigel Brockton, phó chủ tịch tại Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ, chỉ ra rằng: Trong khi các nghiên cứu khác chỉ xem xét các nhóm yếu tố có thể thay đổi, nghiên cứu này chỉ tập trung vào chế độ ăn uống.

Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ gần đây đã đưa ra một danh sách 10 khuyến cáo về phòng chống ung thư. TS.Nigel Brockton giải thích rằng khi danh sách được công bố, các mục được cố tình không đánh số vì ViệnNghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ cho rằng khuyến cáo này là một "gói" toàn vẹn chứ không phải từng mục riêng lẻ. Ông cho biết: "Thứ nhất là duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, thứ hai là hoạt động thể chất, và sau đó là những khuyến cáo về chế độ ăn uống như ăn nhiều ngũ cốc và rau quả". "Nghiên cứu này tập trung hơn về chế độ ăn uống, nhưng chúng ta cũng cần nhớ rằng ngăn ngừa ung thư bao gồm cả việc thay đổi lối sống.”

PGS.TS.Mingyang Song – chuyên gia dịch tễ học lâm sàng và dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng Harvard,phát biểu về nghiên cứu này: "Không có gì đáng ngạc nhiên khi ung thư đại trực tràng có tỷ lệ cao nhất trong các trường hợp ung thư liên quan đến chế độ ăn uống, vì ung thư đại trực tràng có nhiều bằng chứng nhất cho mối quan hệ với chế độ ăn uống"."Mặc dù con số 38,3% cao hơn tôi mong đợi", ông nói, "có thể do các tiêu chí khá nghiêm ngặt đã được sử dụng trong nghiên cứu."

Những phát hiện này đã hỗ trợ thêm cho bằng chứng ngày càng tăng rằng chế độ ăn uống là thành phần chính trong nguy cơ và phòng ngừa ung thư, và PGSTS.Mingyang Song nhấn mạnh rằng bước tiếp theo quan trọng là chuyển bằng chứng thành hành động: "Chăm sóc ban đầu chắc chắn đóng một vai trò lớn, nhưng những thay đổi ở cấp chính sách và quy định cũng rất quan trọng".

Theo Sức khoẻ &Đời sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm