80 trẻ mong được có... bộ phận sinh dục

(Dân trí) - Khi sinh ra, bé Trương Anh Thi (Quảng Ngãi) đã đi tiểu không tự chủ, chảy di dỉ cả ngày, còn đi đại tiện thì thải ra ngay trên bụng mình… Còn bé Nguyễn Gia Huy (Ninh Thuận) thì dương vật chỉ như một mẩu da bé xíu....

Đi vệ sinh… bên sườn

Trải qua nhiều lần phẫu thuật, bác sĩ cũng tạo được cho cô bé “hậu môn” gắn ở sườn, còn với đường tiểu, mỗi lần có dấu hiệu căng tức bụng, bố mẹ phải mở van giúp bé xả ra…

Anh Trương Văn Sanh (34 tuổi ở Quảng Ngãi), bố bé Thi cho biết, khi sinh ra, đón con trên tay cả nhà hoảng hốt khi bác sĩ thông báo, cô con gái đầu lòng không có hậu môn và bàng quang, ruột nằm ngoài bụng.
 
80 trẻ mong được có... bộ phận sinh dục - 1
Bé Anh Thi đã nhiều năm phải đi vệ sinh qua lỗ hậu môn gắn bên sườn và đi tiểu tiện bằng mở, khóa van. Ảnh: H.Hải

“Lúc đó, trong đầu tôi chỉ có một ý nghĩ, làm sao con sống được nếu thiếu những bộ phận rất nhỏ nhưng lại không thể không có ở mỗi người? Sao thời kỳ mang thai, tháng nào vợ cũng đi siêu âm mà không phát hiện bất thường này?”, anh Sanh nhớ lại.

Hết thời gian nằm viện, anh đón cả hai mẹ con về nhà mà gan ruột rối bời, bởi không biết chăm sóc thế nào với sinh linh nhỏ bé, lại có ruột nằm ngoài bụng, mỗi lần đi ngoài là đi “tung téo” trên bụng.

Mà trẻ nhỏ bú mẹ, tần suất đi ngoài liên tục, vì thế dù đã cố gắng vệ sinh hậu môn cho con, nhưng tròn tháng thì phần hậu môn lộ ra ngoài đó đỏ rực, sưng nề nên gia đình đã phải đưa bé vào bệnh viện Nhi đồng 2 chữa trị. Thời điểm đó, các bác sĩ chỉ phẫu thuật đưa ruột vào thành bụng và gắn đầu hậu môn từ ruột ra bên hông sườn. Còn tình trạng nước tiểu dỉ ra thì không thể khắc phục được. Từ khi sinh đến 5 tuổi, bé phải đóng bỉm suốt ngày.

Mãi đến tháng 4/2011, thêm một lần mổ ở bệnh viện Nhi đồng 2 các bác sĩ mới tạo được cho cô bé một ống thông từ đường tiểu và được khóa bằng van. Mỗi khi cô bé kêu tức bụng, có dấu hiệu buồn tè thì người lớn phải mở van đó ra giúp bé xả nước tiểu ra ngoài. Còn lỗ hậu môn ở hông sườn thì cũng liên tục dỉ phân.

Vì thế, hai vợ chồng anh Sang không thể đi làm ăn gì mà chỉ ở nhà bán hàng, quanh quẩn bên con để giúp con đi tiểu, đi ngoài.

Cũng bị căn bệnh lộ bàng quang bẩm sinh, nhưng cô bé Trương Thị Thùy Linh (13 tuổi) lại có nỗi khổ riêng so với bé Thi. Linh không thể tự chủ trong đi tiểu và khi sinh ra, bé đi tiểu và đi đại tiện cùng chung một chỗ.

Sau đó Linh cũng được mổ tách đường hậu môn lên hông sườn, nhưng đường tiểu thì em vẫn không thể tự chủ được.13 năm sống trên đời là bằng ấy thời gian Linh phải đeo bỉm, tã giấy.

“Lúc nhỏ mang tã suốt ngày không sao nhưng đến tuổi đi học, việc vệ sinh bên sườn và đóng bỉm suốt ngày khiến Linh tủi thân. Thấy cảnh con vậy, gia đình cũng không thiết cho học hành gì nhưng cô bé đã vượt qua mặc cảm, đòi bố mẹ cho đi học bằng được. Hiện nay con đang học trường THCS Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang”, chị Tuyết Lan, cô của Linh cho biết.

Khi hỏi Linh “em mong muốn điều gì”, cô bé lặng lẽ khóc, trả lời nấc nghẹn: “Con mong một lần được đi vệ sinh như các bạn, không phải đeo kè kè ống hậu môn bên hông, mong muốn được rời xa chiếc tã giấy. Con mong lắm, mong mình hết bệnh để có thể học cao hơn”.

Bé trai Nguyễn Gia Huy (5 tuổi, Phan Giang, Ninh Thuận) lại có một nỗi niềm khác, đó là hầu như không có dương vật. Giờ 5 tuổi, bé đã biết thắc mắc sao con không có chim như các bạn. Dương vật của Huy bị vùi, chỉ như một mẩu da bé xíu, may mắn là bé vẫn đi tiểu tiện được bình thường. Bé cũng đã đi khám chữa ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa được can thiệp căn bệnh vùi dương vật này.

Cơ hội đổi đời cho các bé

Trong 3 ngày (từ chiều 16 - 19/8) tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nộ, 80 trẻ ở các tỉnh thành khác nhau trong cả nước bị khiếm khuyết về hậu môn, bộ phận sinh dục… sẽ được bác sĩ nổi tiếng người Italia, bác sĩ Roberto DeCastro và 16 bác sĩ đầu ngành Việt Nam về tái tạo bộ phận sinh dục trực tiếp khám và tư vấn chữa bệnh cho các trẻ.
 
80 trẻ mong được có... bộ phận sinh dục - 2
Đây sẽ là cơ hội giúp các bé được phẫu thuật, thoát khỏi cảnh khốn khổ vì không có hậu môn, khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Ảnh: H.Hải

Sau khám, bác sĩ sẽ phân loại xem trường hợp nào cần phẫu thuật, sẽ được tiến hành vào giữa tháng 11/2011 và tháng 4/2012 tới. Các trường hợp khám, phẫu thuật đều được miễn phí. Tuy nhiên, nhiều gia đình khó khăn tới mức không lo được tiền tàu xe để đưa con ra Hà Nội khám bệnh.

Chương trình Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ không may hiện vẫn đang làm các thủ tục xin lập quỹ, hi vọng có sự ủng hộ từ các cá nhân, tổ chức để có thể giúp đỡ những em nhỏ không may mắn bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục, hậu môn… do bẩm sinh, tai nạn.

Chị Mai Anh, mẹ nuôi của chú lính chì dũng cảm Thiện Nhân chia sẻ: “Trong quá trình 4 năm tìm kiếm thông tin chữa trị cho cháu Thiện Nhân, tôi đã có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều hoàn cảnh thương tâm của các cháu bé bị tổn thương bộ phận sinh dục. Với mong muốn có thể giúp đỡ các “bạn đồng cảnh ngộ” với Thiện Nhân, cũng như chia sẻ phần nào gánh nặng cho gia đình các bé, chương trình Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ không may đã được khởi động từ hôm 14/6 và đây là đợt khám bệnh đầu tiên cho các bé. Chúng tôi hi vọng, các bé sẽ được can thiệp để giảm đi những nỗi mặc cảm, bất tiện trong đời sống hàng ngày”.

Hồng Hải