8 lý do gây chậm kinh
(Dân trí) - Chậm kinh có thể gây nhiều lo lắng, đặc biệt nếu người phụ nữ vốn có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hoặc lo sợ mang thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, có nhiều lý do khác khiến những ngày “đèn đỏ” đến trễ, từ thuốc tránh thai đến stress.
Dưới đây là 8 lý do có thể khiến kinh nguyệt đến chậm:
1. Stress
Stress kéo dài có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, làm nó dài hơn hoặc ngắn hơn, hoặc thậm chí gây mất kinh.
Một số phụ nữ cũng dễ bị đau bụng kinh hơn khi gặp stress.
Tránh các tình huống gây stress, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc có thể giúp loại bỏ stress và duy trì vòng kinh đều đặn.
Nếu bị stress mạn tính, sẽ có lợi nếu có được lời khuyên từ bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn để xác định cơ chế đối phó hiệu quả.
2. Tiền mãn kinh
Thời điểm mãn kinh trung bình là ở độ tuổi 52 khi người phụ nữ không có kinh nguyệt trong ít nhất 12 tháng.
Nhiều phụ nữ trải qua các triệu chứng 10 – 15 năm trước khi mãn kinh thực sự. giai đoạn này được gọi là tiền mãn kinh và báo hiệu lượng estrogen bắt đầu có sự dao động.
Mức estrogen bất thường có thể làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, khiến người cho phụ nữ ở thời kỳ tiền mãn kinh có kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh. Khi trải qua tròn một năm không thấy kinh thì có nghĩa là giai đoạn mãn kinh đã chính thức bắt đầu.
3. Giảm cân
Giảm cân đáng kể hoặc tập thể dục cường độ cao có thể gây mất kinh. Thiếu cân hoặc tỷ lệ mỡ thấp có thể làm thay đổi mức hoóc-môn sinh sản, làm ho óc môn giảm tới mức rụng trứng và kinh nguyệt không xảy ra.
Nếu không thấy kinh nguyệt trong một hoặc nhiều tháng sau khi giảm cân đáng kể thì người phụ nữ nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về việc nhận được lượng vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng thích hợp mà cơ thể cần.
4. Béo phì
Giống như giảm cân có thể gây mất kinh, thừa cân cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Béo phì và mất kinh đôi khi có thể dấu hiệu của bệnh lý, ví dụ như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), vì thế việc được bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh là rất quan trọng.
Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu hoặc siêu âm buồng trứng để đảm bảo rằng không có bệnh lý nào gây mất kinh.
5. Thuốc tránh thai
Một số phương pháp tránh thai, đặc biệt là các phương pháp nội tiết, có thể khiến người phụ nữ bị chậm kinh.
Thông thường, các biện pháp tránh thai bằng hooc môn cung cấp một dạng estrogen kết hợp với progesterone trong một khoảng thời gian nhất định, tiếp đó là vài ngày không có hoóc môn. Việc không có các hoóc môn này gây ra kinh nguyệt.
Đôi khi, các hoóc môn khiến cho lớp niêm mạc tử cung mỏng đến nỗi không đủ để gây ra kinh nguyệt. Điều này đúng với tất cả các hình thức tránh thai nội tiết tố, bao gồm thuốc uống, miếng dán, thuốc tiên, que cấy và vòng tránh thai.
Trong hầu hết các trường hợp, điều này không có hại, nhưng phụ nữ nên trao đổi với bác sĩ về bất kỳ mối lo ngại nào đối với phương pháp ngừa thai của mình.
6. Bệnh nội tiết
Một số hoóc môn, như prolactin hoặc hoóc môn tuyến giáp, có thể khiến phụ nữ bị chậm kinh hoặc mất kinh.
Nếu mất cân bằng hoóc môn là nguyên nhân gây chậm kinh hoặc mất kinh, bệnh có thể dễ dàng phát hiện khi xét nghiệm máu.
Nguyên nhân gây mất cân bằng hoóc môn cần được bác sĩ tìm hiểu. Một số mất cân bằng hoóc môn là vấn đề thông thường xảy ra trong gia đình, hoặc có thể do nguyên nhân gì đó nghiêm trọng hơn nhiều, chẳng hạn như khối u não.
Trong nhiều trường hợp, uống thuốc có thể giúp chu kỳ trở lại bình thường.
7. PCOS
PCOS là một trong những rối loạn nội tiết phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Mặc dù triệu chứng khác nhau giữa mỗi bệnh nhân, những người bị PCOS thường có lượng hoóc môn bất thường, gây ra những nang nhỏ phát triển trên buồng trứng, mụn trứng cá, nhiều lông trên mặt và cơ thể, hói đầu kiểu nam, và béo phì.
Kinh nguyệt bất thường hoặc thậm chí không có cũng là một đặc điểm chung của tình trạng này.
Phụ nữ nghi ngờ bị PCOS nên đến bác sĩ để được đánh giá. Nếu không được điều trị đúng cách, không có kinh nguyệt trong những năm sinh đẻ có thể dẫn đến ung thư nội mạc tử cung.
8. Mang thai
Không nên loại trừ việc mang thai là lý do gây chậm kinh, ngay cả khi đang sử dụng biện pháp tránh thai. Phụ nữ vẫn có thể mang thai ngay cả khi áp dụng đúng biện pháp tránh thai.
Một phụ nữ có quan hệ tình dục bị chậm kinh nên sử dụng một biện pháp thử thai tại nhà. Điều quan trọng cần lưu ý là không có biện pháp tránh thai nào có hiệu quả 100%. Bất cứ ai có thai đều nên đi khám thai kịp thời.
Nếu kết quả thử thai tại nhà âm tính nhưng vẫn không thấy kinh nguyệt thì nên đi khám bác sĩ.
Khi nào cần đi gặp bác sĩ
Nếu lo ngại về chậm kinh, người phụ nữ nên ghi nhật ký về kỳ “đèn đỏ” của mình, bao gồm ngày bắt đầu và ngày kết thúc, và liệt kê các triệu chứng liên quan khác.
Nếu bác sĩ có tài liệu này để tham khảo, họ có thể chẩn đoán nhanh hơn. Có thể sử dụng lịch, hoặc các ứng dụng có sẵn trên điện thoại thông minh để làm việc này.
Cẩm Tú
Theo MNT