1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

8 loại đau ngực dễ bị nhầm với cơn đau tim

Cẩm Tú

(Dân trí) - Khi hình dung về cơn đau tim, mọi người sẽ nghĩ ngay đến đau ngực. Mặc dù đau ngực có thể là dấu hiệu của cơn đau tim, nhưng vẫn có những nguyên nhân khác gây ra đau ngực.

8 loại đau ngực dễ bị nhầm với cơn đau tim - 1

Chỉ cần nhớ rằng “cẩn tắc vô ưu”: Bất cứ khi nào nghĩ rằng mình đang cơn đau tim, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Nếu muốn biết sự khác biệt giữa cơn đau tim thật và giả, bạn nên chú ý đến bất kỳ triệu chứng nào khác đi kèm với đau ngực. Cũng nên nắm rõ tiền sử bệnh của mình để xem liệu có bất kỳ bệnh lý tiềm ẩn nào cũng có thể gây ra đau ngực ngoài bệnh tim hay không. Dưới đây là những gợi ý để xác định các nguyên nhân khác gây đau ngực nhằm giúp bạn xác định xem mình bị đau tim thật hay giả.

Bạn bị trào ngược

Các triệu chứng trào ngược nghiêm trọng là nguyên nhân của nhiều cơn đau tim giả. Chúng chắc chắn có thể khiến bạn hoảng sợ — cần nhắc lại rằng, nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ nào, hãy gọi cấp cứu. Tuy nhiên, nếu bạn không có nguy cơ bị đau tim và có lý do để tin rằng cơn đau mình đang bị là do axit trong thực quản, hãy thử dùng thuốc kháng axit. Thuốc sẽ làm dịu cảm giác đau rát của chứng khó tiêu. Theo dõi chế độ ăn và hạn chế hoặc ngừng ăn những loại thực phẩm và đồ uống có thể gây ợ chua hoặc làm cho bệnh trầm trọng hơn.

Bạn bị zona

Một nguyên nhân khác có thể gây ra đau ngực giống như cơn đau tim là bệnh zona. Bệnh zona, là sự hồi sinh của virus thủy đậu trong cơ thể, có thể gây đau dữ dội lan ra xung quanh một bên ngực, thường cũng kèm theo nổi mụn rõ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mụn nhỏ đến mức bạn có thể không nhìn thấy. Nên nghĩ đến zona nếu đau xảy ra dọc theo bờ sườn và nếu có bất kỳ thay đổi nào ở da dọc theo vùng bị đau. Bệnh zona hầu như luôn chỉ ở một bên.

Bạn bị viêm tụy

Viêm tụy điển hình gây đau bụng, nhưng cơn đau có thể lan lên ngực, khiến bạn nghĩ rằng nó liên quan đến tim. Bạn sẽ cần đi khám để xác định nguyên nhân của cơn đau, cũng như làm xét nghiệm máu và xét nghiệm hình ảnh để giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác.

Bạn đang gặp cơn hoảng loạn

Co thắt ngực, tim đập nhanh, lòng bàn tay đổ mồ hôi, choáng váng - đây đều là những triệu chứng của cơn đau tim. Chúng cũng là các triệu chứng của cơn hoảng loạn. Nếu bạn bị rối loạn hoảng sợ, hãy hỏi bác sĩ để đánh giá sức khỏe tim mạch, để lần sau khi cơn hoảng loạn xảy ra, bạn sẽ biết phải làm gì. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về một cơn như vậy, hãy đến phòng cấp cứu.

Bạn bị viêm sụn sườn

Một nguyên nhân khác có thể gây đau ngực: viêm sụn sườn, viêm phần sụn nối giữa xương sườn với xương ức. Cơn đau có thể rất dữ dội nếu bạn hít thở sâu. Mặc dù có thể xuất hiện ở cả hai bên, nhưng đau thường nhiều hơn ở một bên. Một cách tốt để biết liệu cơn đau ngực có phải là viêm sụn sườn hay không: hãy giơ cánh tay lên cao quá đầu và xem liệu cơn đau có cải thiện hay không. Nếu là cơn đau tim, bạn sẽ bị đau bất kể cử động nào.

Bạn bị đau cơ

Các hội chứng đau mãn tính, chẳng hạn như đau xơ cơ, có thể gây ra dạng đau ngực do cơ, dễ nhầm với cơn đau tim. Các triệu chứng khác nhau, nhưng nhiều người cho biết đau dữ dội, đau buốt hoặc như dao đâm ở ngực và lồng ngực. Khi đau cơ xơ gây viêm sụn nối xương sườn với xương ức, nó sẽ dẫn đến viêm sụn sườn.

Bạn bị viêm phổi

Các vấn đề về phổi, chẳng hạn như viêm phổi, cũng có thể giống với các triệu chứng đau tim. Dịch tích tụ trong phế nang có thể gây ra đau và tức ngực, khiến mọi người nghĩ rằng họ đang bị đau tim. Bạn nên đi khám bác sĩ tim mạch trước tiên; kiểm tra sức khỏe của tim cũng có thể hữu ích trong việc giải quyết các vấn đề về phổi.

Bạn bị loét dạ dày

Vì cơn đau có thể lan từ bụng lên ngực, đau do viêm loét dạ dày có thể biểu hiện thành đau ngực. Bất cứ tổn thương nào từ miệng xuống dạ dày đều có thể là nguyên nhân gây ra các cơn đau tức ngực. Bạn sẽ cần được bác sĩ đánh giá để xác định xem liệu cơn đau ngực có phải do loét dạ dày hay không, nhưng nếu bạn có tiền sử loét dạ dày, thì đó có thể là nguyên nhân.