74% trường hợp mù do đục thủy tinh thể

(Dân trí) - Kết quả điều tra mới nhất tại 14 tỉnh/thành cho thấy nguyên nhân chính gây mù vẫn là đục thủy tinh thể, chiếm tới 74%.

Báo cáo về công tác chống mù lòa ở Việt Nam tại hội nghị ngành nhãn khoa Việt Nam 2016 tổ chức tại Cần Thơ (từ 20-22/10), TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: Kết quả điều tra mới nhất tại 14 tỉnh/ thành cho thấy tỷ lệ mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên của nước ta là 1,8%, giảm đáng kể so với năm 2007. Đặc biệt, nguyên nhân chính gây mù vẫn là đục thủy tinh thể chiếm 74%.

Ước tính hiện nay có khoảng 329.300 người mù hai mắt.Trong đó có 243.700 người mù do đục thủy tinh thể; ngoài ra các nguyên nhân khác do bệnh glôcôm, do sẹo giác mạc, bệnh võng mạc đái tháo đường và nhiều nguyên nhân khác.

Theo thống kê từ Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống mù lòa, việc chăm sóc mắt và phát hiện, chữa trị bệnh lý mắt còn gặp rất nhiều thách thức: do các chương trình chăm sóc, sàng lọc bệnh lý mắt bẩm sinh ở trẻ; chương trình chăm sóc tật khúc xạ ở trường học; phòng chống glôcôm ở cộng đồng; hay sàng lọc điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường…còn gặp rất nhiều khó khăn, do thiếu nhân lực và thiếu cơ sở chuyên khoa.

Hiện cả nước có 25 bệnh viện Mắt và khoa mắt thuộc bệnh viện đa khoa, với khoảng 2.000 bác sĩ nhãn khoa (tỷ lệ 21,5 người/ triệu dân) và khoảng 2.500 y sĩ, điều dưỡng chuyên khoa mắt (tỷ lệ 26,9 người/ triệu dân). Tuy tỷ lệ bác sĩ nhãn khoa đủ so với tiêu chí của WHO, nhưng tập trung phần lớn ở thành phố lớn, vùng đồng bằng nên những vùng sâu, xa rất thiếu.

Bác sĩ hiệp cũng cho biết, mục tiêu chung hạ tỷ lệ mù lòa có thể phòng tránh ở người từ 50 tuổi trở lên từ 1,8% xuống còn khoảng 1,6% năm 2020. Chúng ta sẽ cần cải thiện sự tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt toàn diện lồng ghép vào hệ thống y tế hiện tại trên cả nước.

Phạm Tâm