70% ca mắc Covid-19 tại nước ta là mang dịch từ nước ngoài về

(Dân trí) - Theo thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đến nay Việt Nam ghi nhận 194 ca mắc Covid-19, trong đó khoảng 70% là mang dịch từ nước ngoài về.

Ngày 30/3, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tổ chức hội nghị trực tuyến với ngành Y tế 63 tỉnh thành về tập huấn nâng cao năng lực của y tế cơ sở trong phòng chống dịch Covid-19.

Chia sẻ tại hội nghị Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và nước ta đang có diễn biến hết sức phức tạp. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam còn 2 tuần là thời gian vàng để triển khai tích cực các biện pháp chống dịch.

70% ca mắc Covid-19 tại nước ta là mang dịch từ nước ngoài về - 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên 

Đến 6h sáng 30/3, cả nước có 194 ca bệnh. Theo thứ trưởng Tuyên, việc lây truyền dịch bệnh phục thuộc 3 yếu tố chính. Thứ nhất là người mang dịch từ nước ngoài về. Tổng hợp sơ bộ cho thấy có khoảng có khoảng 70% các ca mắc là mang dịch từ nước ngoài về. Yếu tố thứ 2 là phát hiện sớm người bị bệnh và cách ly ngay, nhằm khống chế sự lây nhiễm ra cộng đồng. Yếu tố thứ 3 là điều trị bệnh nhân măc Covid-19, liên quan đến việc lây nhiễm trong cơ sở y tế.

Thứ trưởng cũng nhận định tại nước ta hiện quan tâm hai ổ dịch lớn là quán bar tại TP HCM và tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Bộ Y tế đánh giá hiện tại đây có 3 tâm dịch: Trung tâm nhiệt đới, khoa Thần Kinh và đặc biệt là khu vực nhà ăn của Công ty Trường Sinh.

“Đánh giá bước đầu nguy cơ dịch từ Bệnh viện Bạch Mai lây ra cộng đồng rất cao. Nguy cơ cao nhất là nhóm bệnh nhân đã điều trị tại đây ra viện hoặc được chuyển tuyến. Sau khi xác định là ổ dịch, để tránh lây nhiễm trong bệnh viện, lây truyền giữa bệnh nhân-bệnh nhân, Bệnh viện Bạch Mai đã rà soát và chuyển một số đối tượng về tuyến dưới (những bệnh nhân ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm thấp)”, thứ trưởng Tuyên nói.

Ngoài ra, cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị; học sinh và sinh viên đến thực tập; người phục vụ bệnh nhân (gồm có 2 nhóm nhỏ là người nhà đến phục vụ bệnh nhân như con, cháu và nhóm được người nhà thuê phục vụ bệnh nhân); nhân viên phục vụ tại bệnh viện gồm phục vụ tại nhà ăn và nhân viên lái xe điện, bảo vệ, nhân viên vệ sinh môi trường…cũng có nguy cơ cao mắc Covid-19.

 

“Từ những nhóm nguy cơ này nếu không được phát hiện và giám sát chặt chẽ thì đây là một trong những nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất lớn. Vì thế, một trong những việc cần quan tâm là những đối tượng liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai”, thứ trưởng Tuyên nói.

Dịch Covid-19 tại Việt Nam đã chuyển sang cấp độ 3. Vì thế, thứ trưởng Tuyên yêu cầu tuyến y tế cơ sở tập trung giải quyết 2 vấn đề: phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và hạn chế lây ra cộng đồng.

Thực tế, thời gian qua các lực lượng đã đi từng ngõ, gõ từng nhà để phát hiện từng trường hợp, đã lập được danh sách các trường hợp đi từ nước ngoài về, đã ở cộng đồng dân cư từ ngày 8/3. Khi đã có danh sách đối tượng thì vấn đề phát hiện ca nhiễm tại cộng đồng hết sức quan trọng.

“Vai trò của y tế cơ sở là hết sức quan trọng, góp phần vào sự thành công của công tác chống dịch Covid-19”, thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.

Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết hiện dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 201 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số mắc tăng rất nhanh hơn hiện đã có 700.000 ca mắc, số tử vong hơn 33.000. Số mắc tại Việt Nam đứng thứ 88, cao nhất thế giới hiện là Mỹ với số mắc hơn 141.000 ca, sau đó là Ý và Trung Quốc.

Đến sáng 30/3, Việt Nam ghi nhận 194 ca mắc Covid-19. Riêng tại BV Bạch Mai đã ghi nhận 25 ca mắc Covid-19, trong đó riêng tại Công ty Trường Sinh ghi nhận 15 trường hợp nhân viên tại đây nhiễm virus SARS-CoV-2.

4 trường hợp còn lại là 2 điều dưỡng Trung tâm Nhiệt đới, con gái một điều dưỡng, người nhà một bệnh nhân đến ăn tại căng tin BV Bạch Mai (nơi công ty Trường Sinh cung cấp suất ăn) 5 lần; 6 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân lây nhiễm tại khoa Thần Kinh.

Nam Phương