7 xét nghiệm cánh mày râu nên làm
(Dân trí) - Không ai thích đến gặp bác sĩ trừ khi có những vấn đề về sức khỏe. Nhưng sự chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe là những điều nên làm để phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh tật. Dưới đây là những loại bệnh mà cánh mày râu nên chủ động xét nghiệm.
1. Bệnh tiểu đường
Bạn không bao giờ phải lo ngại về bệnh tiểu đường nếu duy trì một trọng lượng khỏe mạnh, không bị huyết áp cao và không có quá nhiều lượng cholesterol xấu. Nhưng đối với hầu hết đàn ông trên 45 tuổi, đặc biệt là những người thừa cân, bài kiểm tra đường huyết lúc đói, hoặc làm xét nghiệm máu A1C(thử nghiệm máu thông thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh tiểu đường loại 1 và loại 2) là một việc nên làm.
Trước khi làm các xét nghiệm đường huyết lúc đói hoặc xét nghiệm máu A1C, bạn cần nhịn ăn trong 8 giờ.
2. Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Ngay cả khi đã lập gia đình trong nhiều năm, bạn vận nên làm những xét nghiệm về các bệnh lây qua đường tình dục. Nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục thông thường không có biểu hiện rõ ràng và có thể nhiều năm sau mới phát hiện ra bệnh.
Có rất nhiều trường hợp viêm gan C hiện mà không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc không biết vì sao mình lại mắc bệnh. Nên khám sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTĐ) bất kể tuổi tác hoặc tình trạng sức khỏe trước đó.
3. Chỉ số khối cơ thể
Bằng công thức chung bạn có thể tự đo chỉ số khối cơ thể. Đây là một thước đo chất béo cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng. Điều quan trọng là bạn phải nhận thức được ý nghĩa của con số này. Chỉ số BMI của bạn được tính như sau:
BMI = (trọng lượng cơ thể)/ (chiều cao x chiều cao).
- Trọng lượng cơ thể: tính bằng kg
- Chiều cao x chiều cao: tính bằng m
Chỉ số BMI từ 18,5 đến 24,9 được coi là trọng lượng bình thường. Mặc dù đây chưa phải là thước đo hoàn hảo nhưng hầu hết các bác sĩ đều đồng ý rằng nó vẫn là một phần quan trọng của việc đánh giá sức khỏe tổng thể. Từ đó, điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục cho hợp lý.
4. Cholesterol
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo nam giới nên kiểm tra mức cholesterol 4 đến 6 năm một lần kể từ năm 20 tuổi. Đàn ông có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn so với phụ nữ, một phần là do lượng cholesterol cao.
Nhưng nên đi khám thường xuyên để sàng lọc và chẩn đoán sớm các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch như tiểu đường, thói quen hút thuốc lá, hoặc huyết áp cao.
Cholesterol được đo bằng một xét nghiệm máu, và phải nhịn ăn khoảng 9 đến 12 giờ trước đó. Một thử nghiệm cholesterol sẽ đo về mức độ của cholesterol toàn phần, cholesterol tốt (HDL), cholesterol xấu(LDL) và chỉ số triglyceride.
5. Huyết áp
Hầu hết mọi người không biết khi mình bị cao huyết áp vì cao huyết áp thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng.
Việc đo huyết áp nhiều lần là rất quan trọng và cần thiết. Một lần đo cho kết quả huyết áp cao chưa hẳn là bạn bị cao huyết áp. Hoặc ngược lại, một lần đo huyết áp cho kết quả bình thường không có nghĩa là bạn không bị cao huyết áp.
Các số đo huyết áp thường được tính bằng milimét thủy ngân (mmHg). Huyết áp bao gồm 2 thông số:
- Số trên (huyết áp tâm thu): Là trị số huyết áp cao nhất khi tim co bóp
- Số dưới (huyết áp tâm trương): Là trị số huyết áp thấp nhất khi tim nghỉ ngơi.
Huyết áp bình thường là huyết áp tâm thu dưới 120mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg.
Nếu huyết áp tâm thu của bạn trên 130 hoặc huyết áp tâm trương của bạn trên 85, bạn nên thay đổi lối sống như tập thể dụcnhiều hơn và ăn ít muối.
6. Nội soi đại tràng
Hầu hết đàn ông nên được kiểm tra ung thư đại tràng từ tuổi 50 trở lên, nhưng những người có tiền sử gia đình của bệnh nên làm xét nghiệm sớm hơn. Cả cánh mày râu và chị em đều e sợ khi phải làm những xét nghiệm này. Ống nội soi sẽ được đưa vào hậu môn và sau đó là tiên lên từ từ vào trong trực tràng và thông qua đại tràng có thể tới tận manh tràng để kiểm tra ruột già có khối u hoặc các dấu hiệu khác của ung thư hay không. Xét nghiệm này thực ra không đáng sợ như lời đồn.
Trước khi tiến hành nội soi đại tràng, bệnh nhân cần phải tuân thủ một chế độ ăn uống nhiều chất xơ hoặc dùng thuốc nhuận tràng để tiện cho việc nội soi.
Nếu không có bất cứ điều gì đáng ngờ, bạn sẽ không cần phải nội soi trong vòng 10 năm tiếp theo.
7. Tuyến tiền liệt
Sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt đã gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn. Nhiều chuyên gia cho rằng, xét nghiệm này là tốn tiền và không cần thiết. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, đàn ông ở độ tuổi từ 50 trở lên nên đi xét nghiệm ung thư tuyến tiền liệt (hay còn gọi là PSA) định kỳ hàng năm.
An Nhiên
Theo ABC news