7 nhầm lẫn tai hại về sốt xuất huyết ở trẻ

Trường Thịnh

(Dân trí) - Diễn biến sốt xuất huyết ở trẻ em phức tạp, khó tiên lượng. Nhiều phụ huynh vẫn còn nhận thức sai lầm về bệnh truyền nhiễm cấp tính này, làm gia tăng nguy cơ bệnh tiến triển trầm trọng, đe dọa tính mạng trẻ.

Trẻ hết sốt là hết sốt xuất huyết

Khi sốt xuất huyết, trẻ thường hết sốt từ ngày thứ 3, thứ 4. Lúc này, nhiều phụ huynh chủ quan, nghĩ rằng hết sốt là đã hết sốt xuất huyết. Bác sĩ Nguyễn Hồng Trang, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc Tế Thu Cúc TCI cho biết, đây là nhận thức sai lầm nguy hiểm đầu tiên về sốt xuất huyết của bố mẹ.

Đợt dịch năm nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI cho hay đã tiếp nhận không ít trường hợp sốt xuất huyết nặng; trong đó, có bệnh nhân B.P. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng xuất huyết da và niêm mạc, tiểu cầu giảm trầm trọng, chỉ còn 25 G/L.

Trước đó, bệnh nhân sốt cao, được thăm khám và chẩn đoán sốt xuất huyết. Sau 2 ngày, bệnh nhân hết sốt, ăn uống bình thường nên bố mẹ chủ quan, không theo dõi sát sao. Đến ngày thứ 5, bệnh nhân tái sốt, mệt nhiều, bố mẹ mới cho bệnh nhân nhập viện. Tại TCI, sau 3 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định; bệnh nhân được xuất viện, tiếp tục điều trị ngoại trú.

7 nhầm lẫn tai hại về sốt xuất huyết ở trẻ - 1
Hết sốt là thời điểm trẻ cần được bác sĩ theo dõi sát sao (Ảnh: TCI).

Chảy máu mũi là một triệu chứng bình thường của sốt xuất huyết

Chảy máu mũi theo quan niệm của nhiều phụ huynh, là một triệu chứng bình thường của sốt xuất huyết. Thực tế, chảy máu mũi không phải là một triệu chứng bình thường mà là một biểu hiện cho thấy sốt xuất huyết đang diễn biến xấu.

Một ví dụ điển hình cho sự nguy hiểm của quan niệm sai lầm này là bệnh nhân A.N, điều trị nội trú sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI đầu đợt dịch năm nay. Bệnh nhân nhập viện sau 6 ngày được chẩn đoán sốt xuất huyết. Khi nhập viện, bệnh nhân phát ban, chảy máu mũi và chảy máu chân răng cùng lúc, tiểu cầu giảm mạnh, chỉ còn 30 G/L, máu cô đặc.

Theo tìm hiểu bệnh sử, triệu chứng chảy máu mũi đã xuất hiện từ 2 ngày trước nhưng bố mẹ bệnh nhân chủ quan, không cho rằng đây là một biểu hiện nghiêm trọng. Sau 2 ngày điều trị tại TCI, bệnh nhân được đánh giá đủ điều kiện xuất viện. 

Trẻ sốt xuất huyết phải cạo gió, cắt lể để loại bỏ máu độc

Nhiều phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh mới có con đầu lòng thường lúng túng nên có những xử trí không đúng đắn khi trẻ sốt xuất huyết. Khi trẻ xuất huyết dưới da, phụ huynh cho rằng phải cắt lể để loại bỏ máu độc, như vậy sốt xuất huyết sẽ nhanh chóng biến mất. Đây là một sai lầm nghiêm trọng.

Cạo gió, cắt lể có thể dẫn đến tình trạng chảy máu không cầm. Vết thương phát sinh do cạo gió, cắt lể có thể trở thành điểm tấn công của vi khuẩn, rất nguy hiểm.

Trẻ sốt xuất huyết không nên uống nước dừa

Một quan niệm sai lầm nữa về sốt xuất huyết của nhiều phụ huynh là trẻ sốt xuất huyết chỉ nên uống Oresol, không nên uống nước dừa vì nước dừa không có tác dụng bù nước, bù điện giải mà còn làm các dấu hiệu sốt xuất huyết khó được nhận biết.

"Uống nước dừa có thể bù nước, bù điện giải, không làm các dấu hiệu sốt xuất huyết khó được nhận biết. Không những thế, nước dừa còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng cũng như củng cố sự bền vững của thành mạch", bác sĩ Hồng Trang chia sẻ.

7 nhầm lẫn tai hại về sốt xuất huyết ở trẻ - 2
Uống nước dừa có thể bù nước, bù điện giải (Ảnh: samurai/stock.adobe.com).

Trẻ chỉ bị sốt xuất huyết 1 lần

Trên một trẻ không thể xuất hiện sốt xuất huyết hai lần là một nhận thức sai lầm khác về sốt xuất huyết cũng phổ biến ở phụ huynh. 

Về sai lầm này, bác sĩ Trang lý giải: "Sốt xuất huyết có nguyên nhân phát sinh là virus Dengue. Virus Dengue có tất cả 4 túyp huyết thanh gây sốt xuất huyết là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Mắc sốt xuất huyết do túyp huyết thanh nào, trẻ chỉ có miễn dịch với túyp huyết thanh đó. Điều đấy đồng nghĩa với việc, dù đã mắc sốt xuất huyết, trẻ vẫn có nguy cơ mắc lại bệnh truyền nhiễm cấp tính này 3 lần nữa".

Muỗi vằn chỉ sinh trưởng ở những vùng nước tù, đọng

Nhiều phụ huynh cho rằng muỗi vằn - vector truyền nhiễm sốt xuất huyết chỉ sinh trưởng ở những vùng nước tù đọng như ao, chuôm, cống, rãnh,… Tuy nhiên, tại những vùng nước trong, như hòn non bộ, bể cá, bình hoa,… muỗi vằn cũng cư trú. Vì vậy, bố mẹ cần chú ý làm sạch thường xuyên tất cả những vật dụng có thể chứa nước, để loại bỏ nơi sinh trưởng của trứng và ấu trùng muỗi vằn.

7 nhầm lẫn tai hại về sốt xuất huyết ở trẻ - 3
Muỗi vằn cư trú ở cả những vùng nước trong, như bể cá, bình hoa (Ảnh: Wikimedia).

Phun thuốc diệt muỗi vằn lúc nào cũng được

Không phải lúc nào cũng phun thuốc diệt muỗi vằn. Bác sĩ Trang nhấn mạnh: "Để phun thuốc diệt muỗi vằn hiệu quả, phải phun vào buổi sáng. Vì muỗi vằn hoạt động vào ban ngày, mạnh mẽ nhất lúc sáng sớm và chiều tối".

Sốt xuất huyết ở trẻ em không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề như sốc sốt xuất huyết, suy tim, suy thận, tràn dịch màng phổi, xuất huyết não,… thậm chí là tử vong. Cảnh giác và thay đổi 7 nhận thức sai lầm trên là một phần chìa khóa để điều trị thành công bệnh truyền nhiễm cấp tính này. 

Sức khỏe chủ động là chuyên mục do Báo Dân trí và Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI phối hợp thực hiện. Các bài viết có sự tham gia cố vấn của đội ngũ bác sĩ, chuyên gia kinh nghiệm của TCI, nhằm mang đến cho độc giả những kiến thức hữu ích về chăm sóc sức khỏe chủ động.

Tháng 12, khoa Nhi, Thu Cúc TCI tặng tới 50% chi phí khám lâm sàng và 20% chi phí khám cận lâm sàng. Liên hệ 1900 55 88 92 để được tư vấn hoặc xem thêm thông tin tại đây.