1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

7 loại thảo dược tốt nhất để thanh lọc thận

(Dân trí) - Thận phải làm rất nhiều việc quan trọng, và nếu không giữ cho chúng khỏe mạnh, bạn sẽ có nguy cơ mắc các tình trạng nguy hiểm như suy thận hoặc ung thư thận. Chức năng chính và được biết đến nhiều nhất của thận là lọc máu và bài tiết các chất cặn bã ở dạng chất lỏng. Nhưng thận của bạn làm nhiều hơn thế.

Thận giúp kiểm soát huyết áp vì nó đòi hỏi một mức huyết áp tối ưu để thực hiện công việc của mình. Điều đó nghĩa là thận có thể làm tăng hoặc giảm huyết áp khi cần thông qua hoóc-môn renin làm co mạch máu.

7 loại thảo dược tốt nhất để thanh lọc thận - 1

Nhiệm vụ chính của thận là làm sạch cơ thể, và nhờ đó bạn không cần đến sự hỗ trợ thải độc từ bên ngoài. Tuy nhiên, có một số cách để giảm gánh nặng cho thận, giúp nó thực hiện tốt nhất công việc.

Ăn nhiều thực phẩm lành mạnh và giữ đủ nước là quan trọng nhất. Tiếp đến, có một số loại thảo dược mà thận rất thích. Có những loại cực kỳ dễ kiếm nhưng có thể bạn chưa bao giờ nghĩ đến việc ăn chúng!

1. Tỏi

Tỏi có tác dụng bảo vệ thận và các cơ quan khác. Thường xuyên ăn tói có tác dụng làm giảm nồng độ chì và ca-đi-mi trong thận, tim, gan, lách và máu. Tỏi cũng có đặc tính lợi niệu giúp đào thải lượng natri dư thừa ra khỏi cơ thể.

Và không chỉ vậy, allicin, hoạt chất trong tỏi, còn có tính chống viêm, kháng khuẩn và chống nấm, nghĩa là nó có thể hỗ trợ rất nhiều cho thận trong việc làm sạch và lọc bỏ những tác nhân xâm nhập có hại ra khỏi dòng máu.

2. Nghệ

Những tín đồ của ẩm thực châu Á hẳn đã khá quen thuộc với nghệ, đây là loại gia vị mang đến cho món cà ri hương vị và màu sắc đặc biệt. Thành phần hoạt chất trong nghệ là curcumin, làm giảm tác động của các phân tử viêm và enzym gây bệnh thận mãn tính. Curcumin thực sự kìm hãm sự phát triển và lây lan của tất cả các loại vi khuẩn, làm giảm gánh nặng cho thận.

Một điều cần lưu ý đối với những người đã bị bệnh thận. Củ nghệ chứa một lượng kali vừa phải, bình thường sẽ phối hợp với natri để điều chỉnh lượng chất dịch trong cơ thể. Bệnh thận khiến thận khó giữ cân bằng kali, vì vậy những người mắc bệnh thường được yêu cầu hạn chế ăn chất này.

3. Gừng

Được sử dụng từ lâu trong Đông y, gừng có chứa một hợp chất gọi là gingerol có tác dụng ức chế sự lây lan của vi khuẩn. Điều này có thể hữu ích đối với thận và gan đang phải làm việc quá sức. Gingerol cũng là một phương tiện hiệu quả để hỗ trợ tiêu hóa khỏe mạnh và làm giảm viêm và đau khắp cơ thể.

Đường huyết cao mãn tính có ảnh hưởng xấu đến thận, và một số nghiên cứu gợi ý rằng bột gừng có thể giúp kiểm soát tình trạng này. Vì thế, ăn gừng thường xuyên được cho là làm giảm tỷ lệ biến chứng thận ở những người mắc bệnh đái tháo đường. Ở những người khỏe mạnh, gừng có thể ngăn ngừa sự phát triển của đái tháo đường.

4. Quả nam việt quất (cranberry)

Quả nam việt quất là một loại trái cây tuyệt vời để đưa vào hầu hết các chế độ ăn, kể cả chế độ ăn ít kali dành cho thận. Loại quả này được khuyên dùng cho những người bị nhiễm trùng bàng quang vì quả nam việt quất có chứa một loại phytonutrient gọi là proanthocyanidin týp A, ngăn vi khuẩn bám vào niêm mạc đường tiết niệu và thận.

Những người mắc bệnh thận có tỷ lệ nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn, và quả nam việt quất là một bổ sung hữu ích cho chế độ ăn uống hàng ngày của họ vì chúng cũng chứa ít natri, phốt pho và kali.

Ăn cranberry thường xuyên, cho dù bạn có bị bệnh thận hay không, có thể ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu và bàng quang. Có thể ăn ở dạng quả tươi, sấy khô, hoặc nước ép.

5. Rễ bồ công anh

Loại cỏ dại này thực sự có rất nhiều lợi ích. Rễ cây bồ công anh là một loại thuốc lợi tiểu có thể giúp làm sạch cả thận và gan. Nó đã được sử dụng để điều trị vàng da, mụn trứng cá và thiếu máu cũng như rối loạn thận và gan. Rễ cây bồ công anh cũng rất tốt để ngăn ngừa kích ứng trong đường tiết niệu.

Để sử dụng rễ bồ công anh, hầu hết mọi người dùng nước sắc rễ bồ công anh uống thay trà. Đun nhỏ lửa rễ bồ anh nghiền nát với nước trong 15 phút hoặc lâu hơn, sau đó lọc và uống. Bạn cũng có thể ăn lá bồ công anh sống hoặc nấu chín.

6. Rau mùi tây

Loại rau gia vị này này thực sự giúp làm giảm sự tích tụ chất độc trong thận. Mùi tây chứa các hợp chất gọi là apiol và myristicin, là những thuốc lợi tiểu tự nhiên. Bạn cũng có thể ăn rau mùi tây để giúp chống nhiễm trùng đường tiết niệu và sỏi thận.

Tuy nhiên, rau mùi tây không được khuyến cáo cho những người mắc bệnh đái tháo đường vì nó có thể làm giảm lượng đường trong máu. Kết hợp với thuốc theo chỉ định của bác sĩ, rau mùi tây có thể làm đường huyết hạ quá nhiều. Mùi tây cũng có thể làm cho bệnh thận đang có trở nên nặng hơn. Tốt nhất là nói chuyện với bác sĩ nếu bạn đang cân nhắc bắt đầu một chế độ điều trị bằng rau mùi tây.

7. Rễ cần tây

Rễ cần tây có cả kali và natri, vì vậy nó cung cấp cho thận những gì cần thiết để thực hiện công việc. Rex cần tây cũng chứa nhiều nước và tăng lượng nước tiểu, cho phép cơ thể loại bỏ độc tố còn sót lại. Ăn rễ cần tây được cho là sẽ ngăn ngừa nhiễm vi khuẩn ở cả thận và đường tiết niệu. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng cần tây cũng có thể làm teo các u nang ở cơ quan sinh sản.

Cần tây có lượng kali tương đối thấp, thậm chí một thân cây lớn cũng chỉ chứa 4% khẩu phần khuyến nghị hàng ngày cơ bản. Tuy nhiên, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc thêm cần tây vào chế độ ăn uống hàng ngày nếu bạn bị bệnh thận.

7 loại thảo dược này có thể làm nên điều tuyệt vời cho thận nếu kết hợp chúng vào chế độ ăn uống hàng ngày trước khi bệnh thận hoặc đái tháo đường phát triển. Đây là một trong những biện pháp phòng ngừa tốt nhất và dễ dàng nhất để duy trì sức khỏe của những cơ quan quan trọng này.

Những loại thảo dược này hoạt động tốt đến mức người mắc bệnh thận sẽ cần tránh chúng vì chúng làm tăng hiệu suất của thuốc một cách đáng kể và thường không thể đoán trước. (Lượng bạn ăn vào và mức độ khác nhau của một số khoáng chất trong thực vật khiến việc sử dụng các loại thảo dược khó đo lường hơn so với việc dùng thuốc chính xác theo liều.)

Cẩm Tú

Theo HHD