1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

6,1% người dân rửa tay xà phòng trước khi ăn

(Dân trí) - Đây là một trong những số liệu “gây sốc” mà Cục Y tế dự phòng Việt Nam, Bộ Y tế công bố sau một loạt nghiên cứu đánh giá “Hiện trạng về rửa tay bằng xà phòng tại cộng đồng dân cư của 10 xã khu vực phía Bắc”.

Báo cáo cho biết:

 

- Chỉ có 0,8% số người rửa tay xà phòng sau tiểu tiện

- 14,6% có thực hiện hành vi rửa tay xà phòng sau khi đi đại tiện.

- 2,6%, 10,5% và 16,1% tỷ lệ các bà mẹ đang nuôi con dưới 5 tuổi có rửa tay bằng xà phòng trước khi cho trẻ ăn, sau khi cho trẻ đi tiểu/đại tiện và đổ phân cho trẻ.

 

Tại các nơi công cộng như trường học, trạm y tế, UBND xã chỉ có:

 

- 2,5% số người có rửa tay bằng xà phòng sau khi đi đại tiện (trong đó 2,3% là học sinh mầm non và 15% số người đi đại tiện ở trạm y tế, 0% tại các bậc học lớn hơn và UBND xã).

 

- 6,3% số người đi tiểu tiện ở trạm y tế là có rửa tay bằng xà phòng, còn tất cả học sinh (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) cũng như những người ở UBND xã đều không có thói quen này.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia Y tế; Tỷ lệ rửa tay bằng xà phòng của người dân trong cộng đồng thấp không hẳn do thiếu nước sinh hoạt (90% gia đình của những người được điều tra có đủ nước sinh hoạt hàng ngày), cũng không hẳn do nơi rửa tay cách quá xa nơi ăn hay nơi đại tiểu tiện (khoảng một nửa số gia đình quan sát có nơi rửa tay cách xa nơi ăn và đại tiểu tiện không quá 5m). Thói quen này liên quan đến trình độ học vấn, mức thu nhập của gia đình khá và vị trí để xà phòng gần với nơi rửa tay có ảnh hưởng hỗ trợ cho việc thực hiện hành vi rửa tay xà phòng. Bên cạnh đó, yếu tố sẵn xà phòng rửa tay có tác động rất rõ tới hành vi rửa tay xà phòng, đặc biệt là nhận thức đúng về tác dụng của rửa tay xà phòng, một số người chỉ “khi nào rửa bằng nước không sạch được thì mới nghĩ đến rửa xà phòng…”.

 

Qua tìm hiểu nguyên nhân, nhóm nghiên cứu nhận thấy: Bên cạnh việc thiếu nước và xà phòng cho rửa tay tại trường học, thì ý thức rửa tay bằng xà phòng của học sinh sau đại tiểu tiện còn chưa tốt. Nếu như ở các trường tỷ lệ học sinh rửa tay xà phòng sau đại tiểu tiện thấp là do không có sẵn xà phòng thì tại gia đình (trong điều kiện nước và xà phòng không quá thiếu) thì tỷ lệ học sinh rửa tay xà phòng trước khi ăn và sau đại tiểu tiện cũng rất thấp và thấp hơn cả người lớn trong gia đình.

 

Lý giải về nguyên nhân này một cô giáo dạy tiểu học cho biết: “Ở trường, chỉ có 1 khu vệ sinh tự hoại của giáo viên là có nước, nhưng học sinh lại không được phép sử dụng còn khu vệ sinh dành cho học sinh thường rất ít khi có nước. Vì vậy, dù có nói ra rả về ý thức vệ sinh, phải rửa tay trước khi ăn, sau khi đại tiểu tiện thì học sinh cũng không thể thực hiện được..!”

 

Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế Việt Nam: Việc không rửa tay bằng xà phòng vào các thời điểm quan trọng như trước khi ăn, sau khi tiểu/đại tiện, trước khi cho con ăn và sau khi chăm sóc trẻ,… đang làm gia tăng các bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, giun sán, đây là các bệnh rất phổ biến và chiếm tỷ lệ cao trong số các bệnh thường gặp ở các vùng nông thôn Việt Nam. Đặc biệt, năm nay với diễn biến phức tạp của dịch cúm A(H5N1) trên thế giới và ở Việt Nam, nguy cơ có thể gây nên một đại dịch lớn thì vấn đề nâng cao ý thức người dân về các hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong đó việc thực hành thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng tránh dịch bệnh là rất cần thiết.

 

Quỹ tài trợ Unilever Việt Nam sẽ đưa ra một số mô hình tuyên truyền vận động cộng đồng nhằm nâng cao tỷ lệ người dân rửa tay bằng xà phòng. Theo đó, dự án sẽ xây dựng cải tạo 100 công trình vệ sinh tại các hộ gia đình và đặc biệt là xây dựng 20 công trình nước sạch với hệ thống rửa tay ở  nơi công cộng như UBND xã, trường học, trạm y tế...ở một số tỉnh phía Bắc.

 

Phạm Thanh