1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

60% bà mẹ nuôi con không đúng cách

(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Công Khanh, Phó Chủ tịch Hội nhi khoa VN cho biết, có khoảng hơn 50% bà mẹ đang nuôi con không đúng cách như cho trẻ ngừng bú quá sớm, ăn đồ ăn đặc như người lớn khi ăn dặm, ăn ít chất xơ…

Biếng ăn vì ăn không đúng phương pháp

Theo GS Khanh, hiện các bà mẹ vì quá chú trọng đến cân nặng của trẻ nên cho trẻ ăn rất nhiều đạm, thịt mà quên đi (hoặc cho ăn rất ít) khẩu phần chất xơ.

“Hầu hết các bà mẹ đều cho trẻ ngừng bú quá sớm. Hiện tại chỉ có 18,9% trẻ em VN được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, 58% trẻ được bú trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Tiếp đó là việc cho trẻ ăn dặm quá sớm và ăn đồ quá đặc ngay từ khi mới bắt đầu ăn dặm”, TS Khanh nói.

Đáng nói, vì quá chú trọng phát triển cân nặng cho trẻ, nhiều bà mẹ đã cố cho trẻ ăn thật nhiều chất đạm, thịt mà ăn ít chất xơ, khi mà hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện. Theo GS Khanh, việc nuôi con không đúng phương pháp hoặc ăn dặm quá sớm cũng làm gia tăng nhanh tỷ lệ biếng ăn ở trẻ.

Các bà mẹ đã không biết rằng, trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ chịu nguy cơ tử vong cao gấp 4 lần so với trẻ được bú sữa mẹ. Và trẻ không được bú sữa mẹ trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5 lần so với trẻ được bú.

Trẻ được bú sữa mẹ không chỉ tránh được các bệnh về nhiễm trùng, tiêu hóa, có hệ thần kinh phát triển mà còn kích thích trẻ ăn, đường tiêu hoá phát triển, giúp bé thèm ăn, trong khi sữa nhân tạo không kích thích sự phát triển này.

Cần chú trọng cả cân nặng, chiều cao

Một điều dễ nhận thấy, các bà mẹ thường cho trẻ ăn kèm sữa ngoài cùng với bú mẹ vì họ cho rằng, sữa ngoài giúp bé lên cân tốt hơn sữa mẹ. Thực tế lại không như vậy. Vì sữa mẹ giúp đứa trẻ tăng cân tốt mà lại “chắc” hơn, còn uống sữa ngoài, em bé thường “bộp”, to hơn. Sự phát triển, tăng cân đều, từ từ sẽ tốt cho sức khoẻ đứa trẻ hơn hẳn việc tăng cân nhanh, dễ dẫn đến bộp, béo phì sau này của sữa bột.

Tại hội thảo "Tiêu chuẩn vàng trong chăm sóc trẻ nhũ nhi" do Hội Nhi khoa Việt Nam cùng Mead Jonhson, GS.TS Khanh, nhấn mạnh: "Sữa mẹ được coi là tiêu chuẩn vàng trong dinh dưỡng nhũ nhi, trẻ bú sữa mẹ sẽ giảm được nguy cơ nhiễm trùng, ngăn ngừa dị ứng, tăng cường phát triển trí não và thắt chặt tình mẫu tử".

Tuy nhiên, tại VN, các bà mẹ chỉ được nghỉ thai sản 4 tháng vì vậy, hầu hết các bà mẹ trẻ sống ở đô thị kkhông có điều kiện cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời như khuyến cáo. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, áp lực công việc, áp lực tâm lý sau sinh… là những nguyên nhân gây mất hoặc ít sữa.

Bên cạnh đó, hầu hết các bà mẹ mới chỉ chú trọng tới cân nặng của trẻ mà chưa chú ý tới chiều cao. VN có tới 35% trẻ suy dinh dưỡng về chiều cao. Một phần nguyên nhân cũng là do trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ trong 2 năm, đặc biệt là 6 tháng đầu đời.

Các bà mẹ cần biết rằng, nếu cho bé bú sữa mẹ trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Vì thức ăn bổ sung thay thế sữa mẹ có giá trị dinh dưỡng thấp, gây nhiều nguy cơ suy dinh dưỡng cho trẻ, làm trẻ dễ bị nhiễm khuẩn, nhất là mắc bệnh tiêu chảy. Ngoài ra, sự phát triển của trí tuệ và thị lực ở trẻ cũng bị ảnh hưởng. Bởi Nucleotide là một thành phần tự nhiên trong sữa mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa các phản ứng miễn dịch khi trẻ được tiêm phòng vắc xin. Chất này chịu trách nhiệm cung cấp sự miễn dịch để chống lại các dịch bệnh ở trẻ. Đặc biệt, sữa mẹ có các bạch cầu, kháng thể (IgA) và các tiểu thể (lysozyme) làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn gây tử vong cao ở trẻ.

Trong năm đầu đời, trọng lượng trẻ sơ sinh sẽ tăng gấp 3 lần và chiều cao tăng gấp 2 lần. Trẻ cần số năng lượng tính trên cân nặng cao gấp 3 - 4 lần so với người lớn. Cụ thể, trẻ sơ sinh cần 90 - 120 kcal/kg, trong khi đó người lớn chỉ cần 30-50 kcal/kg. Năng lượng cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ từ các chất bột đường (lactose) và chất béo chủ yếu có trong sữa mẹ. Chất đường trong sữa mẹ có nhiều lactose hơn, cần thiết cho sự phát triển của thần kinh và giúp các vi khuẩn có ích trong đường ruột phát triển.

Cơ thể trẻ cần khoảng 20 axit amin. Trong đó có khoảng 8 axit amin thiết yếu cơ thể trẻ không thể tự sản sinh mà phải được cung cấp từ thực phẩm bên ngoài. Trong nửa năm đầu của trẻ, sữa đóng vai trò cung cấp lượng axit amin thiếu hụt này. Cơ thể trẻ có thể hấp thụ 66% lượng canxi trong sữa mẹ, chỉ có 40% lượng canxi trong các loại sữa bột.

Vì thế, GS Khanh khuyến cáo, nên nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và cho bú sữa mẹ đến 2 tuổi. Trường hợp người mẹ ít sữa có thể sử dụng sữa công thức gần giống sữa mẹ.

Lam Giang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm