6 vấn đề thường gặp ở trẻ mắc Covid-19 cha mẹ cần biết
(Dân trí) - Khi trẻ ho, đau họng cha mẹ có thể cho con uống siro thảo dược hoặc ngậm kẹo với trẻ lớn. Lưu ý không dùng mật ong với trẻ dưới 12 tháng, không dùng thuốc chứa codein cho trẻ dưới 12 tuổi.
PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết phần lớn trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm đường hô hấp trên hoặc rối loạn tiêu hóa, hồi phục trong 1-2 tuần. Vì thế, khi phát hiện trẻ nghi nhiễm hoặc đã nhiễm Covid-19, cha mẹ cần bình tĩnh xác định mức độ bệnh của con, nếu trẻ mắc mức độ nhẹ thì việc điều trị tại nhà là chìa khóa giúp trẻ được chăm sóc tốt từ gia đình, ít ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ và hạn chế tình trạng quá tải y tế không cần thiết, nguy cơ lây nhiễm virus, bệnh khác từ bệnh viện.
Theo PGS Điển, trẻ bú mẹ, trẻ sơ sinh khi sốt sẽ có biểu hiện mất nước như tiểu ít, nước tiểu vàng, đậm đặc, môi khô. Vì vậy cha mẹ cần chú ý bù nước cho trẻ bằng nước bình thường hoặc nước điện giải (pha đúng liều lượng). Sau đó, cha mẹ theo dõi cả ngày và đêm, sau bù nước mà tiểu nhiều, trong hơn, môi không khô thì có thể yên tâm. Cách thức uống: 15 - 20 phút/ lần, mỗi lần vài thìa. Lưu ý, không cho trẻ uống quá nhiều nước cam, nước quả nguy cơ gây nôn, đầy bụng.
"Cha mẹ cần đảm bảo theo dõi sát xem chơi có ngoan không, có ăn bú đầy đủ không và có đáp ứng với thuốc hạ sốt không, giảm sốt trẻ tỉnh táo là dấu hiệu tốt. Nếu các điều kiện trên vẫn ổn, tiến triển tốt trong 24- 48 giờ thì có thể tiếp tục chăm sóc bé tại nhà, không cần phải đưa đi bệnh viện", PGS Điển nói.
Dưới đây là một số hướng dẫn chăm sóc trẻ mắc Covid-19:
Cha mẹ có thể mua sẵn một số loại thuốc như: thuốc hạ sốt có hoạt chất paracetamol (mua cả dạng gói và viên đặt hậu môn- để sẵn tủ lạnh), siro ho thảo dược hoặc kẹo ngậm giảm ho (trẻ lớn), oresol dạng gói bột pha, vitamin (vitamin C, D), kẽm, men vi sinh, nước muối sinh lý và dụng cụ hút mũi.
Trẻ sốt, sốt cao
Sốt là khi thân nhiệt đo được trên 37,5 độ C. Cha mẹ cần thực hiện một số việc sau:
- Nới lỏng quần áo, mặc đồ mỏng nhẹ, dễ thấm mồ hôi.
- Hạ sốt với paracetamol khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên. Nếu trẻ có tiền sử co giật do sốt thì dùng thuốc khi trẻ sốt từ 38 độ C trở lên.
Liều dùng: 10-15mg/kg/lần (cân nặng x 10 (hoặc 15)=số mg), cách mỗi 4-6 giờ nếu sốt lại; không dùng liều thấp hơn hoặc cao hơn.
Tổng liều tối đa: Không quá 4.000mg/ngày với trẻ lớn, thừa cân, béo phì và 60mg/kg/ngày với trẻ nhỏ.
- Cần xin ý kiến bác sĩ trước khi dùng ibuprofen.
- Có thể lau (chườm) nách, bẹn với nước ấm.
- Uống nhiều nước hơn (sữa, nước hoa quả, nước canh).
- Báo bác sĩ nếu trẻ sốt cao trên 39 độ C khó hạ dù đã uống hạ sốt, sốt kéo dài trên 5 ngày hoặc trẻ có các dấu hiệu bất thường-nguy hiểm kèm theo.
Trẻ ho, đau họng
Ho là phản xạ giúp bảo vệ đường hô hấp của cơ thể.
- Ho khan, ít: Cha mẹ cho con uống siro thảo dược hoặc ngậm kẹo (trẻ lớn).
- Ho tăng dần: Báo lại cho bác sĩ theo dõi trẻ từ xa.
- Không tự ý dùng thuốc giảm ho, long đờm.
- Cần theo dõi các dấu hiệu thở nhanh, khó thở.
- Không dùng mật ong cho trẻ dưới 12 tháng, không dùng thuốc chứa codein cho trẻ dưới 12 tuổi.
- Vệ sinh mũi miệng tốt, uống đủ nước góp phần giảm ho.
Trẻ ho, chảy mũi
- Xịt mũi, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý.
- Hút mũi sau khi nhỏ hoặc xịt mũi, tránh bơm rửa mũi ở trẻ nhỏ.
- Báo bác sĩ để được kê đơn các thuốc hỗ trợ giảm triệu chứng.
Trẻ nôn, tiêu chảy
Cha mẹ cần phải báo với bác sĩ đang theo dõi trẻ.
- Bổ sung oresol (pha đúng hướng dẫn). Cụ thể, pha toàn bột một gói oresol với chính xác lượng nước đun sôi để nguội ghi trên gói thuốc (100ml hoặc một lít tùy gói). Cho trẻ uống từng thìa hoặc chén nhỏ, liên tục, rải đều trong ngày tùy theo mức độ nôn và tiêu chảy. Dung dịch đã pha chỉ dùng trong 24 giờ, không nên dùng loại đóng chai pha sẵn.
- Không tự ý dùng các thuốc chống nôn, thuốc cầm tiêu chảy, kháng sinh… khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế.
- Có thể dùng thêm thuốc men vi sinh có sẵn tại nhà.
- Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, ăn bình thường- chia bữa nhỏ.
- Luôn theo dõi sát dấu hiệu mất nước (uống kém, tiểu ít, môi miệng khô, mắt trũng, không uống đủ oresol).
Trẻ ăn kém hơn
Trẻ có thể ăn kém do nhiều nguyên nhân.
- Ưu tiên ăn đồ lỏng, nguội mát (khi trẻ rát họng) và chia nhiều bữa nhỏ: tăng số bữa ăn sữa, cháo, nước hoa quả…
- Khi trẻ ăn uống rất kém, tiểu ít hoặc giảm số lần đi tiểu (số lần thay bỉm), môi miệng khô, mắt trũng, bỏ ăn bỏ bú thì cha mẹ cần báo ngay cho nhân viên y tế đang theo dõi trẻ.
Trẻ phát ban (nổi mẩn)
Phát ban có thể là triệu chứng thông thường khi nhiễm virus hoặc là dấu hiệu cảnh báo nặng. Vì vậy, cha mẹ cần báo ngay cho nhân viên y tế đang theo dõi trẻ để được đánh giá, phân biệt và xử trí từ xa.