1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

6 đối tượng không thể bỏ qua việc tầm soát phổi tắc nghẽn mạn tính

(Dân trí) - Căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) với tỉ lệ tử vong cao bởi các cơn khó thở, suy hô hấp nhưng lại biểu hiện vô cùng âm thầm. Nhiều người bệnh chỉ phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, trong tình trạng mắc COPD trầm trọng.

 

Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính được điều trị tại BV Bạch Mai. Ảnh: H.Hải
Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính được điều trị tại BV Bạch Mai. Ảnh: H.Hải

PGS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết, bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đang có xu hướng gia tăng và điều nguy ngại là có tới 25 - 50% bệnh nhân không được chẩn đoán đúng bệnh trước khi nhập viện điều trị.

Trong khi đó, đây là căn bệnh gây tử vong và tàn phế đứng thứ 4 trên thế giới (chỉ đứng sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não) với trên 3 triệu bệnh nhân tử vong mỗi năm. Đối tượng mắc thường ở tuổi từ 40 trở lên. Bệnh nhân mắc COPD nặng thường kèm theo các bệnh lý như suy kiệt, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim... phải điều trị liên tục, tốn kém.

Riêng tại Việt Nam, bệnh nhân COPD cũng ngày càng có xu hướng gia tăng. Một trong các yếu tố nguy cơ cao đối với COPD là khói thuốc lá (bao gồm cả người hút thuốc và người hút thuốc thụ động); bụi và hoá chất nghề nghiệp; ô nhiễm không khí; khói diesel, bụi bông... và nhiễm trùng đường hô hấp. Đáng ngại là nhân viên y tế cũng như người bệnh chưa có nhận thức đúng về căn bệnh này. Đây là lý do có tới 25 - 50% bệnh nhân COPD không được chẩn đoán đúng trước khi nhập viện điều trị.

Tại BV Bạch Mai, bệnh nhân đến khám vì COPD  rất thường gặp với tần suất ngày càng tăng lên. Theo nghiên cứu của Khoa, có tới 25,3% trong tổng số bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa giai đoạn 1996 - 2000 mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Những năm tiếp theo, số người mắc bệnh này không ngứng tăng lên với tỷ lệ là 26% (giai đoạn 2000 - 2004).

Đặc biệt, tỷ lệ người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở thành phố cao hơn nhiều so với các vùng khác. Ở Hà Nội, tỷ lệ những người từ 40 tuổi trở nên mắc bệnh này là 6,8% trong tổng số dân nội thị. Còn ở các khu công nghiệp, nhà máy lớn, tỷ lệ người mắc bệnh này là 7,1%.

Theo PGS.TS Ngô Quý Châu, COPD là bệnh tiến triển âm thầm, do vậy, khi được phát hiện, thường bệnh đã rất nặng. Tuy nhiên, bệnh COPD có thể ngăn ngừa và điều trị được hiệu quả khi phát hiện sớm. Vì thế, PGS Châu khuyến cáo: “Những đối tượng là người trên 40 tuổi và có ít nhất một trong 6 yếu tố nguy cơ sau nên được khám tầm soát, phát hiện sớm COPD. Cụ thể, đó là người có hút thuốc lá, thuốc lào đã trên 10 năm; Người trực tiếp đun bếp (than, củi, rơm, rạ) trên 30 năm; Người phải tiếp xúc khói, bụi, hóa chất nghề nghiệp; Khi có dấu hiệu khó thở nặng dần theo thời gian; Ho liên tục nhiều tháng, nhiều năm; Thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng. Đây là những đối tượng cần sớm đến các cơ sở y tế có đo chức năng hô hấp để được khám, phát hiện bệnh sớm”.


Hồng Hải