1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

5 sự thật bất ngờ về mỡ nâu

(Dân trí) - Cơ thể chúng ta ai cũng có một chút mỡ nâu. Không giống như mỡ trắng cũ dự trữ calo, các tế bào mỡ nâu chứa các ti lạp thể đốt cháy năng lượng và sinh ra nhiệt.

Đã có lúc người ta cho rằng chỉ có trẻ em mới có mỡ nâu. Nhưng năm 2009, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những lượng mỡ nâu nhỏ ở người lớn. Hơn nữa, họ thấy rằng những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp thường có nhiều mỡ nâu hơn. Phát hiện này gợi ý "vai trò tiềm tàng của mỡ nâu trong chuyển hóa ở người”.

Do mỡ nâu có khả năng đốt cháy calo, nên các nhà khoa học đang tìm cách tận dụng sức mạnh của nó để chống lại bệnh béo phì. Dưới đây là 5 sự thật bất ngờ về chủ đề “hot” này.

Sự phân bố mỡ nâu trên cơ thể
Sự phân bố mỡ nâu trên cơ thể

1. Nhiệt độ lạnh sẽ hoạt hóa mỡ nâu

Ở ngoài trời lạnh sẽ khiến mỡ nâu trở nên “năng nổ” hơn, và thậm chí có thể khiến các tế bào mỡ nâu mới phát triển, theo một nghiên cứu năm 2014 trên tạp chí Diabetes. "Nó giúp chúng ta bảo vệ thân nhiệt một cách rất thuận tiện", GS Barbara Cannon, chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển nói. "Động vật có vú và chim duy trì thân nhiệt gần như không đổi".

Mỡ nâu giúp giữ ấm cho trẻ nhỏ - vốn còn chưa có khả năng run. Ở người lớn phải tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, mỡ nâu có vai trò như một “chiếc áo giữ nhiệt bên trong” để giữ ấm cho dòng máu khi nó chảy về tim và não từ tứ chi đang run lên vì lạnh.

2. Mỡ nâu có mặt ở những vị trí bất ngờ

Mỡ nâu được tìm thấy ở những vị trí bất ngờ trên cơ thể. “Chúng tôi biết nơi có thể tìm thấy mỡ nâu, nhưng không phải lúc nào cũng tìm thấy nó ở đó. Có một vùng ở cổ và vai là nơi thường bắt gặp mỡ nâu, nhưng không phải ai cũng vậy", Aaron Cypess, Viện Nghiên cứu Bệnh tiểu đường, tiêu hóa và bệnh thận cho biết.

Trong nghiên cứu gần đây, Cypess và cộng sự cũng tìm thấy mỡ nâu ở ngực và phía cuối cột sống ở nhóm phụ nữ trẻ khỏe mạnh. "Nó có mặt ở nhiều vị trí đáng chú ý ở bụng," Cypess nói.

3. Bạn có ít nhất là một chút mỡ nâu

Ai cũng có mỡ nâu. "Có lẽ ai cũng có một vài tế bào mỡ nâu, mặc dù bạn không thể thấy nó trên các loại máy chiếu chụp hiện đại. Chúng tôi tin rằng có thể thúc đẩy sự sản sinh của các tế bào này ở bất cứ người nào," Cypess cho biết.

4. Hiếm có, khó tìm

Mỡ nâu rất khó tìm và khó nghiên cứu. Đó là vì các tế bào mỡ nâu và mỡ trắng thường nằm lẫn với nhau trong mô mỡ. Việc đi tìm các tế bào mỡ nâu đòi hỏi phải chụp cắt lớp để phát hiện nơi nào có mỡ, kết hợp với chụp PET (phải tiêm vào người glucose phóng xạ) để xác định những tế bào có chuyển hóa tích cực nhất, và những cách ít tốn kém hơn để phát hiện mỡ nâu và đánh giá hoạt động của nó.

5. Một ngày nào đó, có thể uống thuốc để hoạt hóa mỡ nâu

Một thuốc điều trị cho người bị chứng bàng quang quá hoạt động có thể làm tăng hoạt động của mỡ nâu, theo kết quả nghiên cứu được Cypess và cộng sự báo cáo tháng 1/2015 trên tạp chí Cell. Thuốc có tên là mirabegron, kích thích các thụ thể beta 3, khiến tế bào cơ trơn giãn ra. Những thụ thể này cũng có trên cả tế bào mỡ nâu và mỡ trắng.

Theo các chuyên gia, thuốc thúc đẩy mỡ nâu có thể hữu ích trong việc điều trị cho người bị bệnh gan nhiễm mỡ, căn bệnh khiến tế bào mỡ tích lũy trong gan đang ảnh hưởng tới 25% dân số nước Mỹ.

Cẩm Tú

Theo Livescience

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm