5 lý do để đừng làm người cầu toàn
(Dân trí) - Những bằng chứng dưới đây sẽ cho thấy cầu toàn không phải là đòi hỏi điều tốt nhất, mà là theo đuổi điều tồi tệ nhất trong chính chúng ta.
Bạn có phải là người rất thành đạt và luôn bị nói rằng những mục tiêu bạn tự đặt ra cho mình là không thực tế? Bạn thường khó đưa ra quyết định vì sợ thất bại? Bạn thường nghi ngờ hành động và thành tích của mình? Bạn luôn tự dằn vặt bản thân mỗi khi không đạt được mục tiêu theo cách mà bạn đã hình dung? Nếu vậy, rất tiếc phải nói rằng bạn là một người cầu toàn.
Trong nhiều trường hợp, sự cầu toàn có thể đưa bạn tiến xa. Ví dụ, khi bạn đang phấn đấu để trở thành người cha hay người mẹ tốt nhất có thể, nêu tấm gương về kết quả làm việc, hoặc lên kế hoạch cho một sự kiện không chút sai sót. Nhưng không may là sự cầu toàn cũng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy không mong muốn.
Mặc dù ai cũng thường bí mật tự hào về sự hoàn hảo của mình, song nó có thể tác động tiêu cực đến sức khoẻ của người đó. Nhiều người đã bị lo âu và trầm cảm, một phần do việc tự phê bình thái quá và dựa trên thành tích để đánh giá giá trị bản thân - hai nét tính cách chủ yếu của người cầu toàn.
Dưới đây là tiêu cực mà sự cầu toàn gây ra cho bạn:
1. Trầm cảm
Những người cầu toàn thích nghi tốt thường có tiêu chuẩn cao và hướng đến mục tiêu. Nhưng khi đi quá xa, nhu cầu cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao này có thể dẫn đến trầm cảm và lo âu nếu kết quả đạt được không đáp ứng được kỳ vọng của chính anh ta, theo một nghiên cứu gần đây.
Khi bạn định nghĩa giá trị của chính mình bằng số mục tiêu có thể đạt được, bạn chắc chắn đang tạo ra một công thức cho bệnh trầm cảm. Đặc biệt là khi các mục tiêu mà bạn đặt ra là không thực tế.
2. Kém thích ứng với stress
Phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy” đã giúp loài người sống sót qua những tình huống căng thẳng trong nhiều thế kỷ, giúp tổ tiên chúng ta tránh các cuộc tấn công từ kẻ thù.
Cortisol là một hoóc môn được giải phóng nhằm đáp ứng với stress, cho phép chúng ta để kích hoạt cơ chế này trong trường hợp có một sự kiện nào đó đe dọa tính mạng. Nhưng stress liên tục trong cuộc sống hàng ngày có thể làm tăng nồng độ cortisol và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, bao gồm hệ thống miễn dịch suy yếu, tăng cân, tăng đường huyết, nguy cơ mắc bệnh tim mạch, và những tác động tiêu cực đến trí nhớ v.v….
Một nghiên cứu của Thụy Sĩ đã chứng minh rằng tính cầu toàn có tương quan với lượng cortisol tăng nhiều hơn ở những đối tượng trước bài test stress tâm lý kinh điển.
Những tác động tiêu cực của cortisol dẫn đến điều gì? Chúng làm tăng khả năng chết sớm hơn. Một cuộc sống “hoàn hảo” có gì là tốt nếu việc phấn đấu để được như vậy sẽ dẫn đến bệnh tật và chết sớm?
3. Hung hăng
Cũng nghiên cứu ở trên về tính cầu toàn và trầm cảm cũng thầy rằng sự không hài lòng của một người cầu toàn khi không đạt được mục đích thường hướng về người khác. Những cảm xúc bất mãn này có thể biến thành sự tức giận và thậm chí bạo lực.
Khi nghĩ về cuộc sống và các mối quan hệ của mình, bạn có thực sự muốn là người mà tất cả mọi người đều phải e dè hoặc cố gắng tránh xa vì tính khí nóng nảy của mình? Liệu việc đạt được mục tiêu có đáng với sự căng thẳng mà bạn tạo ra với các mối quan hệ của mình trong khi tiến tới mục tiêu đó?
4. Tự gây hại cho bản thân
Giống như cách người cầu toàn có thể thô bạo với những người khác, anh ta hoặc cô ta cũng có thể tự gây hại cho chính mình như một hệ quả của những thất bại kéo dài với ý tưởng tự gây thương tích, rối loạn ăn uống hoặc thậm chí tự tử.
Tự làm hại bản thân là một cơ chế đối phó được sử dụng để điều chỉnh những cảm xúc tiêu cực mà người cầu toàn thường gặp phải. Tự làm hại bản thân hay gặp hơn ở người cầu toàn là phổ biến hơn khi nhận được phản hồi tiêu cực, vì nó khiến người cầu toàn đau khổ hơn những người ít bận tâm hơn đến kết quả của mình.
Nếu bạn nghĩ rằng làm hại bản thân chẳng liên quan đến ai, thì hãy nghĩ lại. Việc phải chứng kiến người thân vất vả đấu tranh để không gây hại cho chính mình có những tác động nghiêm trọng về tình cảm, và và rất có thể những người bạn gần gũi nhất sẽ không còn được như xưa.
5. Chất lượng sống kém
Trầm cảm, thô bạo, tự gây hại và kỹ năng đối phó stress kém - tất cả đều góp phần vào một cuộc sống kém chất lượng. Những người cầu toàn thường hay lo lắng, thiếu tự tôn, ít tự tin và nhìn chung bị đánh giá là có chất lượng sống kém.
Người đó bị cuốn hút quá nhiều vào sự hoàn hảo mà không nhìn thấy bức tranh toàn cảnh về những may mắn trong cuộc sống, thay vào đó họ chỉ chăm chăm và những khiếm khuyết trước mắt. Bởi vì, như chúng ta đều biết, sự hoàn hảo là thứ không thể đạt được".
Kiểm soát sự cầu toàn như thế nào?
Hãy lấy ví dụ về cách sống của bạn. Bạn phản ứng thế nào nếu mọi thứ không luôn theo đúng kế hoạch mà bạn đã vạch ra? Điều gì xảy ra nếu bạn không phải là người giỏi nhất trong tất cả mọi thứ? Liệu có lúc nào sự cầu toàn lấn át đến nỗi những tính cách xấu có dịp thể hiện?
Khi điều này xảy ra, hãy cố gắng để đưa mọi thứ vào viễn cảnh của nó. Nghĩ xem bạn sẽ hối tiếc điều gì nhất khi đến phút lâm chung. Bạn sẽ nhận ra rằng không có sự cạnh tranh để đạt “điểm số chết” cao hơn. Đây không phải là một kỳ thi, như chúng ta đã quen trong suốt cuộc đời mình..
Bronnie Ware đã viết một cuốn sách nổi tiếng mang tên The Top Five Regrets of Dying (tạm dịch 5 điều hối tiếc lớn nhất khi lâm chung). Trong năm điều hối tiếc này, chắc chắn không ai ước là mình hoàn hảo hơn. Thay vì đó, người ta thường ước gì mình can đảm hơn, hạnh phúc hơn và gắn bó hơn.
Những người gắn chặt nhất với kết quả cuối cùng mà không có nhiều sự linh hoạt thường là những người đau khổ nhất khi mọi việc không diễn ra theo cách mà họ dự tính.
Chỉ đơn giản là chúng ta không thể kiểm soát được tất cả mọi thứ. Chúng ta cần phải học cách cho đi, và đừng lãng phí sức lực để gặm nhấm những điều tiêu cực hoặc tự dằn vặt mình. Hãy đừng đánh giá bản thân bằng những thành tích của mình.
Hãy dành sự thông cảm cho chính mình. Đối xử tốt với bản thân và yêu tất cả con người mình, kể cả những thứ bị gọi là “không hoàn hảo”.
Cẩm Tú
Theo Huffingtonpost