1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

45 y bác sĩ cứu thành công sản phụ bị nhau tiền đạo, cài răng lược

Hơn một tháng sau khi sinh tại BV Từ Dũ, sản phụ Nguyễn Thị Hải Yến (30 tuổi, TP Phan Rang, Ninh Thuận) vẫn còn bàng hoàng khi nghe mẹ kể lại mình có thể đã chết, bệnh viện (BV) hoàn lại tiền viện phí để gia đình lo hậu sự.

 

 

Nhưng sau 4 giờ đồng hồ, 45 y, bác sĩ BV Từ Dũ đã đưa chị trở về lại cuộc sống thường ngày, mẹ tròn con vuông.

 

Hồi hộp vượt cạn lần hai

 

Theo lời kể của chị Yến, chị sinh lần đầu vào năm 2008, bé bị nhiễm trùng, mất ngay sau sinh nên lần mang thai thứ hai, chị quyết định vào BV Từ Dũ sinh.

 

Sáng 30/11/2012, chị được đưa vào phòng mổ BV Từ Dũ để bắt con khi thai nhi chỉ mới 33 tuần tuổi. Lúc này, bác sĩ đỡ sinh Lê Thị Thu Hà hỏi: Chị có đi siêu âm ở quê không? Chị trả lời là có, rồi sau đó không biết gì nữa.

 

Tỉnh dậy hơn 4 giờ sau, chị ngỡ ngàng khi thấy trước mặt mình là đại gia đình, ai cũng rạng ngời niềm vui. “Trước đó chỉ có mẹ và anh trai thôi nhưng giờ có cả bố, anh chị em và chồng đang làm từ Đà Nẵng cũng bay vào kịp”, chị Yến kể.

 

“Mẹ tôi kể rằng lúc 9 giờ, bác sĩ kêu mẹ tới lấy lại tiền tạm ứng và ký cam kết là bệnh nhân… có thể tử vong do nhau tiền đạo + cài răng lược… Khi tỉnh dậy, đọc bệnh án tôi thấy mình được truyền đến 21 đơn vị máu (khoảng 5 lít). Tôi không biết dùng từ gì để diễn tả công ơn đội ngũ y, bác sĩ BV Từ Dũ đã cứu sống cả mẹ con tôi. Gia đình tôi thống nhất lấy tên BS Thu Hà đặt tên cho con là Phan Nguyên Hà như để ghi nhớ công ơn của bác sĩ đã giúp mẹ tròn con vuông mỹ mãn”, chị Yến bày tỏ.

 

Hai mẹ con chị Yến xuất viện về nhà tại Ninh Thuận. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hai mẹ con chị Yến xuất viện về nhà tại Ninh Thuận. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

 

Dồn toàn lực cứu bệnh nhân

 

Trao đổi với phóng viên, TS. BS Lê Thị Thu Hà, Phó khoa Sản A, BV Từ Dũ, cho biết trường hợp của chị Yến là hoàn toàn bị động. Chị Yến đã khám thai ở địa phương, có siêu âm nhiều lần nhưng không chẩn đoán được. Tiếp đó, chị có nằm điều trị dọa sinh non tại BV Từ Dũ nhưng cũng không phát hiện trước. BV quyết định mổ cho chị vì ối rỉ non trên bệnh nhân có vết mổ cũ lấy thai.

 

Giống như các ca mổ không nguy cơ khác, chị Yến được gây tê tủy sống để mổ, hoàn toàn không có sự chuẩn bị về máu cũng như êkíp mổ và lực lượng hồi sức. “Khi mổ vào bụng, tôi thấy rất nhiều mạch máu tăng sinh phía trước đoạn dưới tử cung. Biết đây là nhau tiền đạo và nhau cài răng lược nên tôi chuyển sang gây mê ngay, mời gấp các phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm vào hỗ trợ, xin máu tiếp tế. BV đã hội chẩn với cả bác sĩ chuyên khoa tim mạch BV Chợ Rẫy, đồng thời tư vấn cho gia đình về nguy cơ xấu nhất cho người bệnh. Các phòng mổ bên cạnh phải ngưng hoạt động, dồn toàn lực để cứu sống bệnh nhân ở giây phút hiểm nghèo. Một êkíp phẫu thuật viên có kinh nghiệm, các êkíp gây mê hồi sức, truyền máu trước và trong khi mổ với gần 45 y, bác sĩ được huy động. Ngân hàng máu bệnh viện làm việc hết tốc lực để cung cấp máu kịp thời cho cuộc mổ. Khi kể lại thấy từ từ là thế nhưng trong cuộc mổ mới thấy thời gian trôi sao nhanh quá. Biết rằng một phút trôi qua có thể chảy 400-500 ml máu từ diện nhau bám và sản phụ có thể ra đi bất cứ lúc nào!”, TS Hà cho biết.

 

Tuy nhiên, sau khi ca mổ hoàn tất, nỗi lo của các thầy thuốc là chưa hết. Vì phải truyền một lượng máu lớn trong một thời gian khá ngắn nên có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và có thể bị rối loạn đông máu cũng như khả năng phải mổ lại. “Mỗi ngày trôi qua thấy Hải Yến bình an là một ngày vui với đội ngũ y, bác sĩ BV Từ Dũ”, TS Hà bày tỏ niềm vui.

 

Nhau tiền đạo (NTĐ) là một biến chứng của thai kỳ. Bình thường bánh nhau bám ở đáy tử cung. Còn NTĐ là bánh nhau nằm ngay cổ tử cung, án ngữ trước lối ra của thai nhi. Tần suất NTĐ từ 3,5 đến 4,6/1.000 ca sinh sống. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân sinh bệnh của NTĐ.

 

Nhau cài răng lược (NCRL) là bánh nhau ăn vào tử cung. Bình thường sau khi sinh, tử cung co hồi lại, bánh nhau bong ra khỏi thành tử cung và sổ ra ngoài. NCRL là bánh nhau ăn sâu vào lớp cơ tử cung nên không thể bong tróc được sau sinh.

 

NCRL thường đi kèm với nhau tiền đạo và vết mổ cũ, gây nguy cơ cao cho cả mẹ và con do xuất huyết âm đạo lượng nhiều. Một số yếu tố nguy cơ gây NTĐ và NCRL: Tiền căn có NTĐ, có sẹo mổ trên tử cung đặc biệt là mổ lấy thai, đa thai, đa sản, tiền căn nạo hút thai, mẹ hút thuốc lá.

 

Chẩn đoán NTĐ và NCRL trước sinh khi chưa có biến chứng chảy máu chủ yếu dựa vào siêu âm. Qua siêu âm có thể chẩn đoán được vị trí nhau bám tương đối rõ ràng. Bên cạnh siêu âm có thể dùng MRI chẩn đoán, đặc biệt khi siêu âm nghi ngờ hoặc nhau bám mặt sau, là công cụ cuối làm tăng hiệu năng chẩn đoán.

 

Mặc dù không thường gặp nhưng NCRL là vấn đề mà các bác sĩ sản khoa đặc biệt quan tâm vì các biến chứng chảy máu nhiều, nhiễm trùng, thủng hoặc vỡ tử cung có thể nguy hiểm tính mạng.

 

TS.BS Lê Thị Thu Hà, Phó khoa Sản A, BV Từ Dũ

 

Theo Duy Tính

Pháp luật TP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm