45 - 80% cá nuôi nhiễm sán lá

Đây là kết quả nghiên cứu tại một số địa phương nhiễm sán lá do Đan Mạch tài trợ cho Việt Nam.

Trong thời gian từ 2004 - 2006, dự án FIBOZOPA đã thành công trong việc nghiên cứu xác định một số loài sán lá (sán lá ruột, sán lá gan) trong cá gây bệnh cho người mà từ trước đến nay ở Việt Nam chưa được quan tâm đầy đủ.

 

Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu thuộc dự án trên đã phát hiện các loài sán lá ruột truyền từ cá sang người thuộc họ Heterophyidae được thu nhận ở người Việt gồm Haplorchis pumilio, Haplorchis taichui, Haplorchis yokagawai, Stellantchasmus falcatus và Procerovum varium.

 

Trong 3 tỉnh Nam Định, Nghệ An và An Giang được dự án nghiên cứu đánh giá tỷ lệ nhiễm sán lá truyền qua cá (bao gồm sán lá gan nhỏ và sán lá ruột nhỏ) rất khác nhau, phụ thuộc tập quán ăn gỏi cá.

 

Ví dụ, ở An Giang và Nghệ An, số người bị nhiễm sán sán lá từ cá chỉ ở mức từ 0,1-1% do ở hai địa phương này, người dân không có tập quán ăn gỏi cá.

 

Trong khi đó, Nam Định là nơi có tập quán ăn gỏi cá thì tỷ lệ số người bị nhiễm sán lá truyền quá cá lên đến 65%. Có trường hợp bệnh nhân được phát hiện mang trong người tới 4.834 sán lá ruột nhỏ và sán lá gan nhỏ.

 

Các nhà nghiên cứu thuộc dự án FIBOZOPA cũng đã phát hiện cá nhiễm ấu trùng sán có khả năng gây bệnh cho người ở 3 tỉnh An Giang, Nghệ An và Nam Định đều cao.

 

Tại An Giang, cá tự nhiên nhiễm 10,3%; tại Nghệ An, cá nuôi nhiễm 44,7% ; tại Nam Định, cá nuôi nhiễm 45,7%. Đặc biệt là, cá tự nhiên và cá giống đều bị nhiễm ấu trùng sán lá truyền bệnh cho người.

 

Tại Nghệ An, chó, mèo, lợn nhiễm sán lá từ cá truyền qua với tỷ lệ 13-38%.

 

Đáng chú ý, dự án còn phát hiện ấu trùng sán lá trên cá Song (loại cá nước lợ) tại Nha Trang, Khánh Hòa cũng bị nhiễm ấu trùng với tỷ lệ 80% ở cá nuôi và 86-95% ở cá tự nhiên.

 

Hiện các nhà nghiên cứu đang phân tích, xác định mối liên quan giữa tình hình trên với sức khỏe người dân.

 

Theo Vietnamnet