4 lưu ý khi chế biến thực phẩm cho bệnh nhân ung thư máu
(Dân trí) - Bệnh nhân ung thư máu không nên uống trà xanh, bia rượu, hút thuốc lá, tránh ăn tỏi sống, hành tươi.
Dinh dưỡng là một trong những điều cần lưu ý khi chăm sóc người bệnh. Đối với thực đơn cho bệnh nhân ung thư máu người nhà càng cần phải chú ý vì đây là bệnh không thể chữa khỏi mà chỉ có thể giảm các triệu chứng cho người bệnh. Nhờ vào chế độ dinh dưỡng có thể giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ, tăng hiệu quả điều trị.
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Đây là điều quan trọng nhất.
Rửa tay thường xuyên: Dùng xà phòng và nước kháng khuẩn trước và sau khi xử lý thực phẩm, trước và sau khi bạn ăn.
Giữ khu vực chế biến thức ăn sạch sẽ: Bếp, thớt, đồ dùng nhà bếp nên được làm sạch triệt để, ngoài ra, nên sử dụng thớt riêng đối với thịt với các loại rau.
Đối với các loại trái cây và rau: Nên ngâm trong nước muối khoảng 30-45 phút trước khi đưa vào chế biến hoặc ăn sống. Đối với thịt nên được nấu chín, tránh ăn tái hoặc chế biến dưới nhiệt độ quá cao như rán hoặc nướng.
Chỉ nên ăn những thực phẩm tiệt trùng: Các loại sữa, pho mát và các thực phẩm từ sữa khác nên được tiệt trùng. Thực phẩm đã được tiệt trùng đã được đun nóng ở nhiệt độ cao để có thể tiêu diệt vi sinh vật từ thực phẩm.
Chú ý hạn sử dụng, nguồn gốc và được kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm
Ăn chín, uống sôi, ăn cân đối, đủ chất, cân đối mỡ động vật và dầu thực vật. Không nên ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn (đồ hộp), đồ để đông lạnh, các thức ăn ôi, thiu. Bổ sung dinh dưỡng đường uống (sữa, các loại bột đạm..) theo chỉ định của thầy thuốc. Không nên dùng các thực phẩm chức năng khi chưa có chỉ định của bác sỹ.
Chú ý: Trong trường hợp có giảm nhiều bạch cầu, tiểu cầu, cần phải lưu ý, tuyệt đối đảm bảo vệ sinh trong ăn uống cũng như trong vệ sinh cá nhân hằng ngày.
Nên hạn chế sử dụng đậu xanh, tỏi sống, hành tươi và một số gia vị (hạt tiêu, ớt…)
Những loại thực phẩm này sẽ cản trở quá trình điều trị bệnh, làm giảm khả năng hiệu quả của các loại thuốc. Không được uống trà xanh, bia rượu, hút thuốc lá. …
Nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày
Điều này vừa để người bệnh dễ tiêu hóa vừa giúp cung cấp đầy đủ năng lượng và những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Cần chế biến đa dạng các thực đơn, chủ yếu là các thức ăn ở dạng lỏng như canh hầm, cháo, súp… để người bệnh dễ tiêu hóa, cảm thấy ngon miệng hơn. Không nên để bệnh nhân ăn thức ăn quá nóng, nên để ở nhiệt độ vừa phải.
Riêng giai đoạn đang truyền hóa chất người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ điều trị và kế hoạch chăm sóc dinh dưỡng của nhân viên khoa dinh dưỡng; nên đăng ký chế độ ăn bệnh lý tại khoa Dinh dưỡng để đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng và an toàn vệ sinh phòng tránh nhiễm khuẩn. Chế độ ăn cần lưu ý: ăn mềm lỏng dễ tiêu hóa, chia nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Trong trường hợp bệnh nhân không có các triệu chứng liên quan đến tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón…) hoặc ảnh hưởng nhẹ bởi tác dụng phụ của hóa chất thì nên ăn cơm mềm, thức ăn nên chế biến mềm nhừ.
Ngoài ra cần đảm bảo tuân thủ tuyệt đối về vệ sinh cá nhân hàng ngày. Nên sử dụng nước đun sôi để ấm (khoảng 50 độ C) để vệ sinh cá nhân, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, dùng bàn chải mềm đánh răng, súc miệng bằng nước muối ấm hoặc nước súc miệng chuyên dùng sau mỗi bữa ăn.