4 dấu hiệu bệnh cúm biến chứng nguy hiểm ở trẻ cha mẹ cần đề phòng

(Dân trí) - Cúm là bệnh cảnh thông thường, nhiều người mắc, 80-90% các trường hợp mắc ở thể nhẹ. Tuy nhiên trẻ dưới 5 tuổi thuộc nhóm nguy cơ cao có thể mắc biến chứng do cúm.

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là chăm sóc, nâng cao thể trạng, theo dõi sức khỏe để không bội nhiễm và không lây bệnh cho người khác. Bệnh cúm thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày.

4 dấu hiệu bệnh cúm biến chứng nguy hiểm ở trẻ cha mẹ cần đề phòng - 1
Trẻ mắc cúm cần được cách ly, người chăm sóc phải đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, với trẻ em, người già sức đề kháng kém, người có bệnh mạn tính, phụ nữ có thai... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Theo TS Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), hầu hết các trường hợp cúm mùa phải nhập viện là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, trẻ có cơ địa đặc biệt, sốt cao không hạ, co giật. Một số có bệnh lý kèm theo như viêm phổi, viêm phế quản, bệnh tim mạch bẩm sinh, suy giảm miễn dịch...

Đa phần cúm là ở thể nhẹ, chiếm khoảng 80-90%. Vì thế cha mẹ không nên quá lo lắng khi con có biểu hiện cúm.

Song cần chú ý 4 dấu hiệu bệnh cúm trở nặng dưới đây để đưa con đi bệnh viện kịp thời:

- Sốt cao liên tục từ 39ºC trở lên, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

- Co giật.

- Trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều, bỏ ăn hoặc bỏ bú, chân tay lạnh.

- Trẻ khó thở, thở nhanh.

Với những trường hợp còn lại chỉ cần điều trị triệu chứng vào theo dõi. Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, cha mẹ cần nới rộng quần áo cho trẻ, chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, mỗi 4-6 giờ uống nhắc lại một lần nếu sốt trên 38,5 độ.

Hàng ngày, nhỏ dung dịch nước muối sinh lý natri clorid 9 phần nghìn vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn. Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng, không dùng khăn xô vì nếu không thay khăn mới, dùng khăn cũ thì virus vẫn bám lại trên khăn

Đồng thời thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt: cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước. Tăng cường bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ.

Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm văcxin phòng cúm

Hàng năm ở Việt Nam ghi nhận khoảng trên 800.000 người mắc cúm. Số mắc thường gia tăng vào các thời điểm giao mùa. Theo số liệu giám sát năm 2019, tính đến đầu tháng 12 có trên 400.000 người mắc cúm, thấp hơn rất nhiều so với số mắc trung bình hàng năm và thấp hơn 15% so với cùng kỳ 2018.

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế hiện chưa ghi nhận sự bất thường về số lượng mắc cũng như chủng virus cúm. Theo kết quả giám sát trọng điểm bệnh cúm tại khu vực miền Bắc, chủng gây bệnh chủ yếu là chủng cúm A(H1N1) và cúm B. Hiện chưa ghi nhận thấy chủng virus cúm mới cũng như chưa thấy có sự đột biến gene làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người tại Việt Nam.

Nam Phương