1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

4 căn bệnh đe doạ tính mạng trẻ từ vi khuẩn trú ngụ vùng hầu họng

(Dân trí) - Vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae) vốn cư trú vùng niêm mạc hầu họng và đợi cơ hội “xâm lấn” gây bệnh. Trẻ dễ dàng lây nhiễm vi khuẩn này qua đường hô hấp và với sức đề kháng yếu. Vi khuẩn phế cầu có thể gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm như viêm màng não, nhiễm trùng máu, viêm phổi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng nửa triệu trẻ nhỏ tử vong do vi khuẩn phế cầu.

Chia sẻ về các bệnh do vi khuẩn phế cầu gây ra, TS Otavio Cintra, Giám đốc Khoa học và Y tế công, Quản lý y khoa ngành vắc xin, GSK toàn cầu cho biết: “Nói đến vi khuẩn phế cầu, các bác sĩ đều sợ bởi đây là loại vi khuẩn thường gặp và gây ra nhiều biến chứng nặng nề cho trẻ. Nhất là những ca phế cầu xâm lấn, dù tỉ lệ bệnh không gặp thường xuyên nhưng đã mắc thì bệnh cảnh rất nặng, đe doạ sinh mệnh trẻ”.

4 căn bệnh đe doạ tính mạng trẻ từ vi khuẩn trú ngụ vùng hầu họng - 1

TS Otavio Cintra cho biết, vi khuẩn phế cầu là loại vi khuẩn thường gặp và gây ra nhiều biến chứng nặng nề cho trẻ.

Điều nguy hiểm hơn, vi khuẩn phế cầu thường trú vùng mũi họng ở hầu hết người bình thường, kể cả người khỏe mạnh. Có đến gần 50 % trẻ khỏe mạnh có mang vi khuẩn phế cầu trong mũi họng. Vi lẽ đó, phế cầu dễ bùng phát tấn công ở những người có hệ miễn dịch kém như là người cao tuổi và trẻ nhỏ hay người bị suy giảm hệ miễn dịch, suy dinh dưỡng, mắc các bệnh mạn tính, nghiện rượu, thuốc lá...

Viêm màng não

Viêm màng não do vi khuẩn nói chung và phế cầu nói riêng có thể gây ra các biến chứng như: Tổn thương các dây thần kinh sọ não, viêm tắc tĩnh mạch, viêm quanh mạch máu não... gây ra một loạt các hiểm nguy khác như: tắc nghẽn dịch não tủy, viêm khớp viêm màng trong tim, viêm màng ngoài tim, viêm phổi, viêm thận... và để lại hậu quả nặng nề cho trẻ.

Nếu chẩn đoán và điều trị muộn có thể dẫn đến: lác mắt, mù mắt, điếc hoặc nghe kém, tổn thương não, trẻ có thể bị liệt một chi, liệt nửa người, hoặc liệt hai chi dưới.

VKPC khi tấn công vào màng não trẻ, gây bệnh viêm màng não với tỷ lệ tử vong cao vào khoảng 30% số ca viêm màng não do phế cầu trên toàn cầu và các trường hợp chữa lành vẫn có thể để lại di chứng nặng nề kéo dài, như tổn thương não hoặc giảm thính giác 

Viêm phổi

Vốn lưu trú ngay tại vùng hầu họng, chờ cơ hội là phản công… nên khi đã phản công, vi khuẩn phế cầu thường gây viêm phổi cho bệnh nhân. Điều khiến phế cầu khuẩn trở nên rất phổ biến trong cộng đồng là tính chất lây truyền, nó có thể lây truyền từ người này sang người khác qua đường không khí khi hắt hơi, ho, đặc biệt trong môi trường sống hoặc lớp học đông đúc chật chội, từ đó xâm nhập vào cơ thể và gây ra viêm phổi.

Cũng giống với các triệu chứng nhiễm virus, vi khuẩn đường hô hấp thông thường khác, bệnh nhân thường có những biểu hiện cấp tính như sốt cao, đau ngực, ho nhiều... Khi bị viêm phổi, trẻ nhỏ dễ có nguy cơ diễn tiến nặng, triệu chứng ban đầu thường là ho nhiều, sốt cao, khóc quấy, bỏ bú, trẻ có biểu hiện thở nhanh (40-50 lần/phút).

Một em bé nếu mắc viêm phổi nặng có suy hô hấp có thể phải vào thở máy sẽ thêm nhiều yếu tố đe doạ. Theo WHO, viêm phổi là bệnh lây nhiễm gây tử vong số 1 đối với trẻ em mà nguyên nhân hàng đầu là do vi khuẩn phế cầu. Đây không chỉ là mối đe doạ đối với sức khoẻ của trẻ mà còn là gánh nặng to lớn đối với gia đình, xã hội và ngành Y tế.

Nhiễm trùng huyết

Nhiễm trùng huyết là bệnh cảnh phế cầu xâm nhập vào máu . Bệnh nguy hiểm hơn với những trường hợp đã có sẵn những bệnh lý khác. Đây là hiện tượng vi khuẩn xâm nhập vào máu gây bệnh toàn thân nặng.

25% - 30% bệnh nhân bị viêm phổi do phế cầu có khả năng bị nhiễm trùng huyết. Theo thống kê của Mỹ, tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng huyết vào khoảng 20% nhưng có thể lên đến 60% đối với bệnh nhân cao tuổi. Triệu chứng bao gồm: Sốt cao đột ngột, lạnh run, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp thay đổi trạng thái tâm thần, rối loạn đông máu, giảm lượng nước tiểu…

Viêm tai giữa

Căn bệnh viêm tai giữa do phế cầu cũng khiến các bà mẹ “ngao ngán” và lo lắng do việc điều trị kéo dài, khó khăn, trẻ phải dùng kháng sinh dài ngày và tỉ lệ tái bệnh rất cao.

Tần suất mắc bệnh viêm tai giữa rất nhiều. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy ở Mỹ 70% trẻ con dưới 3 tuổi sẽ mắc ít nhất 1 lần viêm tai giữa. Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm tai giữa như vi rút hoặc vi khuẩn. Viêm tai giữa do vi khuẩn thì có triệu chứng nặng nề chảy mủ tai, đau tai, sốt. Trong đó, vi khuẩn phế cầu và Hemophilus Influenzae không định tuýp là nguyên nhân phổ biến, có thể chiếm đến 80% các ca viêm tai giữa cấp do vi khuẩn

Phòng ngừa chủ động

TS Otavio phân tích, trách nhiệm của chúng ta là phải làm giảm gánh nặng của các bệnh do vi khuẩn phế cầu như viêm màng não, viêm phổi, nhiễm trùng máu và viêm tai giữa một cách toàn diện, do đó chúng ta cần quan tâm đến số ca bệnh giảm được thực tế khi sử dụng vắc-xin tại cộng đồng và điều đó đã được chứng minh bằng các dữ liệu nghiên cứu trên toàn cầu.

Điều đáng mừng là chúng ta có thể dự phòng chủ động, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm do phế cầu bằng vắc-xin. Năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố các vắc xin phế cầu đều đem đến hiệu quả bảo vệ toàn diện tương đương nhau.

4 căn bệnh đe doạ tính mạng trẻ từ vi khuẩn trú ngụ vùng hầu họng - 2

Vắc xin ngừa các bệnh do vi khuẩn phế cầu đã có mặt trên 100 quốc gia.

Trên thế giới, vắc xin phòng ngừa các bệnh do vi khuẩn phế cầu đã có mặt trên  hơn 100 quốc gia, hơn 185 triệu trẻ em trên toàn thế giới được bảo vệ. TS Otavio cho biết. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 1 triệu trẻ em được tiêm vắc xin để bảo vệ khỏi các bệnh nguy hiểm do vi khuẩn phế cầu trong suốt 5 năm qua, tuy nhiên cũng vẫn còn hàng triệu trẻ em chưa được chủng ngừa từ sớm

Ngoài việc chủ động tiêm vắc xin, cần giữ ấm cơ thể bé trong mùa mưa và mùa lạnh, cho bé bú mẹ trong 6 tháng đầu, giữ vệ sinh cơ thể trẻ và môi trường sinh hoạt. Khi trẻ mắc các bệnh hô hấp, nên đưa trẻ đi khám bác sĩ và điều trị dứt điểm, tránh để bệnh kéo dài. Những điều cần biết về bệnh do vi khuẩn phế cầu.

Cơ thể sẽ phản ứng như thế nào khi tiêm vắc xin?

Trong vắc xin, ngoài thành phần chính là kháng nguyên để phòng bệnh còn có hệ thống chất bổ trợ nhằm tăng hiệu quả của phản ứng miễn dịch của vắc xin. Hệ thống chất bổ trợ được GSK nghiên cứu và đưa vào vắc xin từ năm 1990.

Mầm bệnh (kháng nguyên) đã được bất hoạt, khi tiêm vào cơ thể tạo ra những kháng thể ‘đánh trận giả’, từ đó để cơ thể sản sinh ra miễn dịch chống đỡ với vi khuẩn gây bệnh.

Vì thế, các phản ứng sau tiêm như: sốt, đỏ, nóng, đau tại vết tiêm…là bình thường vì đang kích hoạt miễn dịch tạo kháng thể trong cơ thể.

Tú Anh