35% người hút thuốc cai nghiện thành công tại trạm y tế xã

(Dân trí) - Trong 6 tháng triển khai mô hình cai nghiện thuốc lá tại trạm y tế đã có 35% người hút thuốc được cán bộ y tế tư vấn hỗ trợ cai nghiện thành công; Có 56% bệnh nhân được cán bộ y tế hỏi về tình trạng hút thuốc, 60% bệnh nhân được cán bộ y tế khuyên bỏ thuốc, và 50% bệnh nhân nhận được tư vấn nhanh hỗ trợ cai thuốc lá của cán bộ y tế.

 

Cán bộ y tế tại Trạm y tế thị xã Phổ Yên tư vấn cho người hút thuốc bỏ thuốc lá.
Cán bộ y tế tại Trạm y tế thị xã Phổ Yên tư vấn cho người hút thuốc bỏ thuốc lá.

Thông tin trên được TS.BS Nguyễn Trương Nam- Viện trưởng Viện nghiên cứu Y- Xã hội báo cáo kết quả  giai đoạn 1 dự án “Triển khai mô hình hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá tại trạm y tế xã”.

TS Nam cho biết, dự án này được Viện Nghiên cứu Y- Xã hội học (ISMS) phối hợp với Văn phòng thường trực Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế, trường Đại học New York (Hoa Kỳ), Trung tâm Y tế thị xã Phổ Yên và Trung tâm y tế huyện Đại Từ triển khai tại thị xã Phổ Yên và huyện Đại Từ, tỉnh Thái nguyên trong 5 năm từ 2014 – 2018.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam có gần một nửa nam giới trưởng thành đang hút thuốc lá. Với dân số khoảng 90 triệu người Việt Nam là nước có tổng số người trưởng thành hút thuốc lá cao thứ hai tại Đông Nam Á (hơn 16 triệu người). Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết việc giảm số người tử vong do hút thuốc lá sẽ đạt được trong tương lai gần thông qua việc hỗ trợ người hút thuốc lá bỏ thuốc.

“Điều trị cai thuốc lá theo hướng dẫn điều trị sử dụng và phụ thuộc vào thuốc lá là biện pháp có hiệu quả cao. Tư vấn và hỗ trợ bởi nhân viên y tế bao gồm thăm hỏi bệnh nhân về tình hình sử dụng thuốc lá, tư vấn cai thuốc lá, đánh giá sự sẵn sàng, hỗ trợ được chứng minh hiệu quả trong việc tăng tỷ lệ cai thuốc lá”, TS Nam nói.

ThS. Nguyễn Thị Trang, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khảo sát- Viện Nghiên cứu Y-Xã hội học cho biết trong giai đoạn 1 của dự án (6 tháng) triển khai tại Trạm y tế thị xã Phổ Yên, nhiều cán bộ y tế đã được đào tạo, trang bị kiến thức để trở thành các tư vấn viên, tư vấn hỗ trợ người hút thuốc lá cai thuốc.

Theo đó trong 6 tháng, các cán bộ trạm y tế đã thực hiện việc hỗ trợ bệnh nhân cai thuốc lá bao gồm hỏi về tình trạng hút thuốc của bệnh nhân đến khám (56% bệnh nhân được hỏi), khuyên họ cai  (60% bệnh nhân) và cung cấp tư vấn nhanh giúp họ cai thuốc trong quy trình khám chữa bệnh tại Trạm y tế (50% bệnh nhân). Kết quả đã có 35% người hút thuốc đã cai thuốc ở thời điểm đánh giá 6 tháng sau khi nhận tư vấn hỗ trợ cai thuốc từ các Y tế thôn bản là tư vấn viên của dự án.

Viện Nghiên cứu Y-Xã hội cho biết, bên cạnh việc triển khai mô hình hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá tại Trạm y tế xã, nhiều hình thức hỗ trợ người hút thuốc cai nghiện cũng được triển khai, như:  “Xây dựng tài liệu đào tạo về tư vấn và điều trị cai thuốc lá dành cho cán bộ y tế tại Việt Nam”; triển khai chương trình hỗ trợ cai thuốc qua tin nhắn; cung cấp thông tin hỗ trợ để giúp người hút thuốc từ bỏ hút thuốc lá và duy trì hành vi cai thuốc, phòng tái nghiện qua website…

Tú Anh