Bệnh viện Trung ương Huế:
30 lần sốc điện cứu bệnh nhân Pháp từ “cõi chết” trở về
(Dân trí) - Khi bác sỹ vừa bắt đầu khám thì bệnh nhân đã ngưng tim đột ngột, ngưng thở, huyết áp bằng không, nửa thân trên chuyển màu tím tái.
Bệnh nhân Bernard Henneau, khách du lịch Pháp 71 tuổi, được đưa đến Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế sáng ngày 13/10 do có những cơn đau vùng bụng và ngực từ 2h sáng.
Ban đầu, người thân và bạn bè trong đoàn du khách chỉ muốn đăng kí khám ngoại trú cho ông Bernard Henneau. Song, qua quan sát trực quan, thấy những dấu hiệu đáng lo ngại, nhân viên tiếp đón của Bệnh viện đã ngay lập tức hướng dẫn bệnh nhân nhập viện Khoa Hồi sức Cấp cứu.
Tại đây, khi bác sỹ vừa bắt đầu khám thì bệnh nhân đã ngưng tim đột ngột, ngưng thở, huyết áp bằng không, nửa thân trên chuyển màu tím tái. Ngay lập tức, bệnh nhân được hồi sức tim tại giường, đồng thời lệnh “lệnh báo động đỏ” được đưa ra. Một kíp bác sỹ chuyên khoa nội tim mạch, tim mạch can thiệp và hồi sức tim được tăng cường từ Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Trung ương Huế đã kịp thời có mặt.
Sau khoảng 1 tiếng 30 phút nỗ lực, dưới sự phối hợp chặt chẽ đầy chuyên nghiệp giữa ê kíp chuyên khoa tim mạch và hồi sức cấp cứu, gần 30 lần sốc điện, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, bóp bóng, nhịp tim của bệnh nhân được phục hồi, huyết áp trở lại 100/80 mmHg, đồng tử 2.5mm.
Các bác sỹ nhanh chóng hội chẩn và với sự đồng ý của vợ bệnh nhân, đã đưa bệnh nhân vào Phòng tim mạch can thiệp để tiến hành chụp và can thiệp động mạch vành. Kết quả chụp động mạch vành (DSA) đã xác định bệnh nhân bị tắc hoàn toàn liên thất trước (LAD). Các bác sĩ Khoa Tim mạch can thiệp (TS. Nguyễn Cữu Lợi, TS. Hồ Anh Bình) đã thực hiện đặt stent thông mạch liên thất trước thành công.
Tuy nhiên, ngay sau đó bệnh nhân lại rơi vào tình trạng rối loạn nhịp tim rất nguy cấp, tụt huyết áp, tưởng không thể qua khỏi. Nhưng với tất cả nỗ lực không mệt mỏi, ê kíp đã hồi sức tim thành công và quyết định khẩn cấp đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, cứu sống bệnh nhân.
Trong tuần thứ nhất, bệnh nhân tiếp tục được duy trì thở máy bằng xâm nhập và máy tạo nhịp tim tạm thời. Bệnh nhân tỉnh táo, giao tiếp được, song tình trạng sức khỏe diễn biến phức tạp: lên cơn rung nhĩ, suy đa tạng. Các bác sỹ đã tiến hành đặt bóng đối xung nhằm hỗ trợ tuần hoàn máu lên tim, lọc máu liên tục để hỗ trợ chức năng thận…
Tuần tiếp theo, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, tinh thần tỉnh táo, bắt đầu tập thở và ăn nhẹ. Từ ngày 27/10 đến 31/10, bệnh nhân lần lượt được rút ống nội khí quản, rút bóng đối xung, rút máy tạo nhịp tạm thời và ngưng lọc máu.
Bên cạnh đó, Phòng Chăm sóc Khách hàng của Bệnh viện này đã thể hiện tính chuyên nghiệp trong dịch vụ hỗ trợ bệnh nhân nước ngoài như làm thủ tục gia hạn visa, liên hệ chặt chẽ với hãng Du lịch và Công ty bảo hiểm của bệnh nhân tại Pháp nhằm giúp bệnh nhân được bảo lãnh viện phí và tổ chức kế hoạch hồi hương an toàn. Đồng thời, sự thân thiện và tương trợ của toàn thể các bác sỹ, nhân viên y tế là một động lực không nhỏ giúp bệnh nhân và đặc biệt là vợ của bệnh nhân, Bà Bernadette Henneau, 71 tuổi, vượt qua giai đoạn khó khăn nơi đất khách quê người. Đã có những lúc, bà tưởng chừng phải chia tay vĩnh viễn người chồng thương yêu của mình. Thậm chí, 3 người con gái cũng đã từ Pháp tức tốc qua Việt Nam để hy vọng được gặp cha lần cuối. Sự hồi phục của bệnh nhân Bernard Henneau là một điều kì diệu khó nói hết bằng lời.
Ngày ra viện, bà Bernadette Henneau đã khóc vì vui sướng, vì những bịn rịn gắn bó với các y bác sỹ đã chia sẻ và giúp đỡ vợ chồng bà trong suốt 20 ngày đầy cam go, thử thách. “Có nói một nghìn lời cám ơn cũng không đủ thể hiện hết lòng biết ơn của tôi. Các anh chị đã đưa chồng tôi từ cõi chết trở về” - đó là lời tâm sự đầy nước mắt của vợ bệnh nhân khi cùng chồng chia tay Khoa Gây mê Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế.
Đại Dương