1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

3 vấn đề nghịch lý của bệnh tăng huyết áp

(Dân trí) - Trên thế giới mỗi năm có tới 17,5 triệu người tử vong do tăng huyết áp và bệnh lý tim mạch. Ở Việt Nam, tỉ lệ tăng huyết áp trong cộng đồng lên đến 27% (độ tuổi từ 25 tuổi trở lên) và tỉ lệ này ngày càng tăng chóng mặt.

3 vấn đề nghịch lý của bệnh tăng huyết áp - 1

Người dân đang tích cực tham gia phòng, chống tăng huyết áp (ảnh: H.Ngân)

Nhân ngày Thế giới giới phòng chống tăng huyết áp (17/5), nhằm tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết đúng đắn và ý thức cho cộng đồng về phòng chống tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ, Ban chỉ đạo chương trình quốc gia phòng, chống tăng huyết áp - Viện tim mạch Việt Nam phối hợp với O2TV tổ chức chương trình khám tư vấn sức khỏe có chủ đề “Kiểm soát cân nặng là góp phần kiểm soát huyết áp”.

GS.TS Nguyễn Lân Việt - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới trong khoảng 1,5 tỉ người mắc tăng huyết áp trên toàn thế giới chỉ có 1/3 trong số đó được điều trị và chỉ có khoảng 12% tổng số bệnh nhân được điều trị có thể kiểm soát tốt được huyết áp (dưới 140/90mmHg)

Ở Việt Nam, trước tình hình gia tăng nhanh chóng và những biến chứng năng nề của bệnh tăng huyết áp, ngày 19/8/2008 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đá ký quyết định phê duyệt chương trình phòng, chống tăng huyết áp trở thành chương trình mục tiêu quốc gia 2006 - 2010 do Ban điều hành quốc gia phòng, chống tăng huyết áp với nòng cốt là cán bộ Viện tim mạch Việt Nam.

 

Hiện Ban điều hành đang tích cực thực hiện và những nỗ lực cộng tác của toàn xã hội trong việc kiểm soát tăng huyết áp sẽ mang lại lợi ích đang kể cho sức khỏe người dân.

GS.TS Nguyễn Lân Việt cho biết thêm, tăng huyết áp là bệnh lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau, làm cho người bệnh bị tàn phế, thậm chí có thể tử vong. Các biến chứng thường gặp nhất là các biến chứng về tim (như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim...); các biến chứng về não (như, xuất huyết não, nhũn não, bệnh não do tăng huyết áp...); các biến chứng về thận (như đái ra protein, phù, suy thận) cùng với các biến chứng về mắt (như mờ mắt, xuất huyết, xuất tiết và phù gai thị).

Mặc dù chúng ta hiểu rất rõ sự phổ biến và mức độ nguy hiểm của tăng huyết áp nhưng đến giờ tăng huyết áp vẫn luôn tồn tại 3 nghịc lí đó là: Tăng huyết áp là bệnh dễ phát hiện bằng cách đo huyết áp đơn giản nhưng người ta thường lại không phát hiện ra mình bị tăng huyết áp từ bao giờ; Tăng huyết áp có thể điều trị được nhưng số người điều trị lại không nhiều; Tăng huyết áp là bệnh có thể khống chế được với mục tiêu mong muốn, nhưng số người điều trị đạt được huyết áp mục tiêu lại không nhiều.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, tăng huyết áp là vấn đề không của riêng ai vì vậy thông tin giáo dục truyền thông về ý thức sức khỏe và phòng, chống tăng huyết áp là cần thiết và là mối quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao như: người cao tuổi, cán bộ, công chức văn phòng...

“Tăng huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng” nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng, chống được và vấn đề phụ thuộc vào chính bản thân của mối chúng ta”, GS.TS Nguyễn Lân Việt khẳng định.

H.Ngân